Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa?

Quận Thanh Xuân được hình thành từ những làng cổ Kẻ Mọc-Tam Khương xưa, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, tên gọi các địa danh cũ vẫn được bảo lưu khá bền vững.
Chùa Triều Khúc. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)
Chùa Triều Khúc. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Thanh Xuân là một quận phía Tây nam của nội thành Hà Nội. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi đã tạo cho quận có mối giao lưu rộng rãi trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội với các quận, huyện của Hà Nội cũng như với nhiều vùng miền trên cả nước.

Quận Thanh Xuân phía Đông giáp quận Hai Bà Trưng, phía Tây giáp quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông, phía Nam giáp huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, phía Bắc giáp các quận Đống Đa, Cầu Giấy.

Lịch sử hình thành và phát triển

Quận Thanh Xuân được hình thành từ những làng cổ Kẻ Mọc - Tam Khương xưa. Theo các nhà nghiên cứu ngữ âm học lịch sử thì những địa phương mang tên Kẻ xuất hiện từ thời Hùng vương cho đến trước thế kỷ X sau Công nguyên khi chữ Hán chưa phổ cập rộng rãi. Kẻ Mọc có thể ra đời trong thời gian này.

Tên nôm Kẻ Mọc đổi thành Cự Mộc là Hán tự và đổi thành hương Nhân Mục sớm nhất vào thời thuộc Đường. Đầu thế kỷ XI, khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, Nhân Mục là một hương thuộc ngoại vi của kinh thành Thăng Long.

Dưới triều Lê sơ, trải qua các triều Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tông (1433-1442), Lê Nhân Tông (1442-1459), mật độ cư dân của Nhân Mục ngày càng đông đúc.

Từ sau năm 1888 trở đi, khi Hà Nội trở thành nhuộc địa của thực dân Pháp thì hệ thống các đơn vị hành chính của quận Thanh Xuân ngày nay có thay đổi ít nhiều. Trong cuốn sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ do Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) sưu tầm trong thập niên 20 (thế kỷ XX) thì địa bàn quận Thanh Xuân (ngày nay) bao gồm các xã Phương Liệt, Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân, Thượng Đình, Khương Hạ, Hạ Đình (tổng Khương Đình) thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa? ảnh 1Một gánh hàng hoa tại Khương Hạ bắt đầu được mang từ vườn đi đến các khu chợ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 22/11/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 74/CP thành lập quận Thanh Xuân gồm 11 đơn vị hành chính được duy trì đến ngày nay.

Đơn vị hành chính gồm 11 phường: Hạ Đình, Kim Giang, Khương Đình, Khương Mai, Khương Trung, Nhân Chính, Phương Liệt, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình.

Văn hóa-Di tích-Danh thắng

Điều dễ thấy nhất ở quận Thanh Xuân là qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, ranh giới tự nhiên của các xã thôn trước đây có sự thay đổi, tuy nhiên tên gọi các địa danh cũ vẫn được bảo lưu khá bền vững.

Qua hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn nữa, tên gọi chính thức các xã, phường (kể cả tên một số đường phố) trên địa bàn quận vẫn không thay đổi. Và xen giữa những khu đô thị hiện đại, gần bên những con đường lớn chia nhiều làn, nhiều hướng, vẫn xuất hiện đâu đó những mái đình, ao nước, như những dấu ấn rõ ràng về nơi từng là làng giữa phố.

Đó cũng là nơi mà cứ đến những ngày đặc biệt, những người dân đô thị lại khoác lên mình những bộ trang phục cổ xưa, tham dự những nghi lễ đã từ ngàn năm, để nhắc nhở về một thời lịch sử huy hoàng có, mà đau thương cũng có.

Và như những ngôi làng cổ khác của Hà Nội, tại Thanh Xuân còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn liền với truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc. 

Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa? ảnh 2Đình Triều Khúc. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Quận có các điểm đến tâm linh, lịch sử như đình Phương Liệt phường Phương Liệt thờ Tích Lịch đại vương Phạm Tích tướng nhà Đinh. Chùa Cự Chính, Giáp Nhất, chùa Khương Hạ, Khương Trung, Chàu Phương Liệt, Quan Nhân, chùa Tam Huyền.

Quận cũng có các ngôi đình nổi tiếng khác như đình Giáp Nhất, Hội Xuân, đình Khương Hạ, Khương Trung, Đình Vòng, Quan Nhân, đình Cự Chính.

Thanh Xuân cũng là quê hương của nhiều danh nhân, nhà văn, nhà giáo, tiêu biểu nhất là Đặng Trần Côn, tác giả “Chinh phụ ngâm,” Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân...

Gò Đống Thây

Di tích Gò Đống Thây, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân là một địa danh lịch sử oai hùng của dân tộc ta, nhưng lâu nay lại không được nhiều người Hà Nội biết đến.

Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Quốc gia Đại Việt lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa). Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sau hai trận đánh oanh liệt năm 1426 kể trên, Nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Chùa Tam Huyền

Chùa Tam Huyền tên chữ là Sùng Phúc tự ở số 47, ngõ 117 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Hạ Đình và Thượng Đình có tên nôm chung là Mọc (Nhân Mục Cựu), một vùng đất cổ bên bờ sông Tô Lịch, phía Tây-Nam kinh thành Thăng Long xưa.

Theo thư tịch cổ, chùa Tam Huyền được xây dựng từ thời Lý, thế kỷ XI-XIII để cầu phúc cho dân làng đồng thời gắn liền với nhân vật lịch sử là Tăng quan Đô sát Từ Vinh, thân phụ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Từ Lộ).

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người đã đắc đạo, nổi tiếng đương thời, nên các triều đại phong kiến đều ban sắc phong làm phúc thần, do đó nhân dân địa phương đã tôn Từ Vinh làm Thánh phụ, thờ tại chùa Tam Huyền.

Hiện nay chùa còn bảo lưu được một số di vật có giá trị như một số bi ký, câu đối tạc bằng đá, ngưỡng cửa đá thời Lê.

Lễ hội năm làng Mọc

Người xưa kể lại rằng đã từng có một thời cả vùng gặp thiên tai, người chết đói đầy đường do mất mùa, thêm bệnh dịch tràn lan. Nhà vua đã cho nấu cháo, cơm nắm tại làng Phùng Khoang để phát cho dân chúng.

Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa? ảnh 3Đoàn rước kiệu của các làng tại Lễ hội 5 làng Mọc. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Một cậu bé tốt bụng sau khi nhận được một nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác cùng ăn. Sau này họ kết nghĩa anh em, trưởng thành, chia ra lập nghiệp thành 4 vùng trù phú, chính là 5 làng Mọc sau này.

Lễ hội năm làng Mọc là lễ hội vùng dọc sông Tô Lịch, được tổ chức tại bốn đình thuộc hai quận, gồm Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm).

Lễ hội năm làng Mọc là một hội lớn, thời xưa vào những năm phong đăng hỏa cốc dân làng mới đủ điều kiện tổ chức. Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức hội một lần diễn ra vào ngày 11, 12 tháng Hai, luân phiên từng làng làm cai. Những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức hội làng theo tập tục.

Đình Giáp Nhất

Đình Giáp Nhất nằm trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), là nơi thờ Thành hoàng làng Phùng Luông - cháu gọi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng là chú.

Ngoài ra, đình Giáp Nhất cũng là nơi thờ hoàng hậu Phạm Thị Uyển (vợ của vua Mai Hắc Đế) cùng hai người em trai là Phạm Miện và Phạm Huy. Cả 3 chị em bà đều là những danh tướng của Phùng Hưng và là anh, chị, em họ với Phùng Luông.

Tương truyền, trong suốt cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường (thế kỷ thứ VIII), Phùng Luông đã lập nhiều chiến công, giúp cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng giành thắng lợi.

Để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Giáp Nhất đã lập đền thờ, tôn là Thành hoàng làng. Hằng năm, lễ hội tưởng nhớ công ơn Thành hoàng làng được người dân tổ chức trang trọng vào ngày 12 tháng Giêng.

Trải qua những biến cố, thăng trầm lịch sử, đình Giáp Nhất đã bị giặc Pháp đốt cháy hoàn toàn. Năm 1986, hậu cung cùng một số hạng mục khác của đình được tu sửa, tôn tạo và có quy mô như hiện nay.

Ẩm thực-vui chơi

Ngược lại với “36 phố phường”  với những con phố ngắn nhỏ, chật hẹp, Thanh Xuân sở hữu nhiều con đường lớn như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Lê Trọng Tuấn, Giải Phóng, có đường Vành đai 3 chạy qua, có dòng sông Tô Lịch chảy giữa địa phận quận.

Thanh Xuân là khu vực án ngữ những cửa ô mới của Hà Nội như đường ra Quốc lộ 1A (đường Giải Phóng), Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi), những tuyến đường quan trọng kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa? ảnh 4Hầm chui nút giao Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, dài 980m, tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, khánh thành ngày 8/1/2016. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Quận Thanh Xuân cũng là nơi có nhiều con đường, tuyến phố được đầu tư mới, với hạ tầng giao thông thuận tiện, đáp ứng lưu lượng giao thông đông đúc do các khu đô thị cao cấp và các trường đại học trong khu vực.

Mật độ dày đặc của những tuyến xe buýt, xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị tuyến 2A (Cát Linh-Hà Đông) chạy qua địa bàn đã khiến cho Thanh Xuân khoác lên dáng vẻ hiện đại của những khu đô thị tại các thành phố lớn vốn nổi bật với sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng.

Ẩm thực tại Thanh Xuân

Thật khó để gọi tên một món ăn đặc trưng của quận Thanh Xuân, nhưng với đặc trưng là một khu đô thị mới với nhiều trường học, trung tâm văn phòng, Thanh Xuân sở hữu gần như mọi hình thái ẩm thực, từ những quán ăn với những thương hiệu lớn quen thuộc tại các trung tâm thương mại, cho đến những ngõ ngách nhỏ hẹp với những quán ăn vặt bình dân mà chỉ những cư dân sinh sống, học tập hay làm việc lâu năm tại đây mới biết được.

Một số món ăn vặt không thể thiếu tại đây như xôi xéo, sữa chua dẻo phố Nguyễn Đức Quý, bánh cá số 1 ngõ 2 Ao Sen; bánh chuối số 180 phố Phương Liệt; khoai lang lắc số 153 Triều Khúc; xôi trứng ruốc số 53 Triều Khúc; bánh đa kê đối diện 101E1 Thanh Xuân Bắc; quán ốc Lê Gia số 126 Hạ Đình; quán cô Hai món nem lụi bánh xèo số 93 Vũ Tông Phan; gà rút xương chua ngọt phô mai số 50 Vũ Trọng Phụng; sữa chua đậu đỏ số 32 ngõ 64 Kim Giang…

Công viên Thanh Xuân

Là nơi có rất nhiều trường đại học cùng những khu ký túc xá sinh viên, Thanh Xuân không thể thiếu những địa điểm đẹp, lãng mạn dành cho những bạn trẻ, trong số đó có công viên Thanh Xuân và hồ điều hòa Nhân Chính.

Công viên Thanh Xuân thuộc địa bàn hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, có tổng diện tích lên đến 13,2ha, gồm nhiều hạng mục quan trọng.

Quận Thanh Xuân: Chiếc áo hiện đại có che mờ nét xưa? ảnh 5Tàu Cát Linh-Hà Đông đi qua khu vực sông Tô Lịch, gần khu đô thị Royal City. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Toàn bộ dự án này được phân chia thành 3 khu vực chính. Trong đó, hồ điều hòa Nhân Chính rộng đến 8ha, khu công viên cây xanh vui chơi, thể thao, giải trí, đường đi dạo, khuôn viên ngoài trời rộng 5,2ha.

Cuối cùng là khu vực dành cho nhà điều hành và những công trình công cộng khác, phục vụ các sự kiện văn hóa, lễ hội…

Công viên Thanh Xuân có không gian rộng lớn, hồ điều hòa mang lại bầu không khí trong lành, và những vườn hoa, cây xanh đẹp mắt, phù hợp cho ai muốn lưu giữ những bức ảnh đẹp. 

Nơi này cũng có đài phun nước và đường dạo uốn lượn quanh hồ để du khách dạo bước thảnh thơi trong những ngày nghỉ cuối tuần./.

Quận Hoàn Kiếm

Quận Ba Đình

Quận Đống Đa

Quận Hai Bà Trưng

Quận Tây Hồ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục