Quan tâm hỗ trợ việc học của con em người gốc Việt trên Biển Hồ Tonle Sap

Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia đã đến thăm một số điểm trường nổi trên Biển Hồ Tonle Sap thuộc huyện Kandieng và huyện Krakor ở tỉnh Pursat.
Điểm trường nổi có hai lớp học dành cho con em người gốc Việt và Campuchia tại ấp Koh Ka Ek, xã Reang Til, huyện Kandieng, tỉnh Pursat. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Từ ngày 19-21/9, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia (VCBA) và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang phối hợp tổ chức khảo sát một số điểm trường nổi của con em người gốc Việt trên Biển Hồ Tonle Sap thuộc địa bàn tỉnh Pursat (Vương quốc Campuchia).

Kết quả cuộc khảo sát sẽ là cơ sở để xây dựng chương trình hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp phù hợp theo đề xuất của Chi nhánh Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia (KVA) địa phương.

Đoàn khảo sát do Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn và Chủ tịch VCBA Oknha Leng Rithy dẫn đầu, cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên VCBA.

Đoàn khảo sát tại một điểm trường nổi xuống cấp ở xã Reang Til, huyện Kandieng, tỉnh Pursat (Campuchia). (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, xuất phát từ bến tàu Kampong Loung thuộc địa phận xã Kampong Loung, huyện Krakor, cách thành phố Pursat khoảng 30km về hướng Đông, chuyến tàu khá “dã chiến” đã đưa đoàn công tác đi qua những khu dân cư nổi của nhiều cộng đồng dân cư Campuchia, Việt và Chăm trên Biển Hồ, đến khảo sát thực tế các điểm trường nổi của con em người gốc Việt trên mặt hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được xem là trái tim của dòng sông Mekong chảy qua đất nước Chùa Tháp.

Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam - cơ quan phụ trách lãnh sự khu vực 7 tỉnh Tây Bắc Campuchia - và VCBA đã đến thăm một số điểm trường nổi trên Biển Hồ Tonle Sap thuộc địa bàn huyện Kandieng và huyện Krakor ở tỉnh Pursat, vùng Tây Bắc Campuchia.

Theo quan sát, điều kiện cơ sở vật chất ở một số điểm trường đã cũ, hư hỏng, xuống cấp, quy mô nhỏ, đáy bị thủng... cần được gia cố, sửa chữa để các thầy, cô giáo cùng các em học sinh yên tâm duy trì việc giảng dạy, học tập.

Trong số các điểm đến, có điểm trường tại ấp Koh Ka Ek (xã Reang Til, huyện Kandieng, tỉnh Pursat) tổ chức 2 lớp học dành cho con em người gốc Việt và học sinh Campuchia, có giáo viên người bản địa tham gia đứng lớp.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn thăm hỏi các em học sinh Việt Nam và Campuchia tại điểm trường nổi ở ấp Koh Ka Ek, xã Reang Til, huyện Kandieng, tỉnh Pursat. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Tại các cuộc gặp với bà con người gốc Việt và các em học sinh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn cho biết Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong nước luôn quan tâm, coi người Việt Nam ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc, luôn quan tâm đến cộng đồng bà con người gốc Việt ở Campuchia.

Lưu ý bà con người gốc Việt sinh sống tại Biển Hồ phải tuân thủ pháp luật, quy định sở tại của Campuchia, không được vi phạm các quy định, đặc biệt là lệnh cấm đánh bắt cá trái phép hằng năm, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn kêu gọi bà con cố gắng nỗ lực, tự mình vươn lên để hòa nhập vào xã hội Campuchia, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Liên quan đến các hạng mục nâng cấp, sửa chữa các điểm trường theo đề xuất của KVA chi nhánh tỉnh Pursat, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn cho biết đoàn công tác đặt ưu tiên cho công tác giáo dục, quan tâm, chăm lo cho con em học hành để thế hệ mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, bà con kiều bào phải cho con em đi học tại các trường công của Campuchia, theo chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục Campuchia để con em sau này có thể hoàn thành chương trình phổ thông, có bằng cấp và có thể có lựa chọn đi học nghề.

Trên tinh thần đó, đoàn công tác sẽ xem xét nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ nâng cấp các điểm trường cần thiết, thiết yếu nhất trong khả năng có thể của VCBA.

Chủ tịch VCBA Oknha Leng Rithy phát biểu tại cuộc gặp bà con cộng đồng người gốc Việt ở điểm trường nổi ấp Koh Keo, xã Reang Til, huyện Kandieng, tỉnh Pursat (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, đoàn công tác VCBA do Chủ tịch Oknha Leng Rithy dẫn đầu cũng đã đến thăm, làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang. Tại đây, hai bên đã trao đổi thảo luận biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ những trường hợp cấp thiết, đảm bảo thiết thực và hiệu quả lâu dài cho bà con người gốc Việt sinh sống tại Biển Hồ, đặc biệt tập trung hỗ trợ hoạt động dạy và học con em người gốc Việt để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cuộc sống, xây dựng cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia vững mạnh.

Chia sẻ tại cuộc làm việc, bà Văn Thị Anh Thư - Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Điện Quang, thành viên VCBA - đánh giá cao ý nghĩa và tính thiết thực của hoạt động khảo sát lần này. Qua đó, giúp cho đoàn công tác của VCBA có góc nhìn cụ thể về tình hình đời sống bà con và các điểm trường trên Biển Hồ, đưa ra những giải pháp thích hợp, tạo điều kiện hỗ trợ việc dạy và học, cũng như giúp bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với hệ sinh thái thực vật và nguồn lợi thủy sản nước ngọt đa dạng, phong phú, Biển Hồ Tonle Sap được xem là báu vật của Vương quốc Campuchia, tiếp giáp các tỉnh Kampong Chhnang, Kampong Thom, Battambang, Pursat và Siem Reap, có chiều rộng từ 3-33km, dài 116km, chu vi 482km vào mùa khô. Độ sâu và diện tích mặt nước Biển Hồ Tonle Sap biến động theo mùa, sâu từ 4-10m, rộng hơn 2.500km2 vào mùa khô và có thể rộng gấp 4 lần vào cao điểm mùa mưa.

Ngoài việc cung cấp môi trường sống cho các loài động thực vật, Tonle Sap còn là nguồn cung cấp nước hết sức quan trọng cho cộng đồng cư dân địa phương, thuộc nhiều thành phần dân tộc, vốn tụ cư sinh sống lâu đời trên bề mặt hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này.

Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang, bà con người gốc Việt tại tỉnh Pursat nói chung và các huyện Kandieng, Krakor nói riêng có điều kiện cuộc sống khó khăn, chủ yếu sinh sống trên Biển Hồ với nghề chài lưới, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục