Quan tâm đến giá trị văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc

Các đại biểu cho rằng, trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật-kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 14/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiến trúc.

Băn khoăn về quy chế quản lý kiến trúc

Các đại biểu cho rằng, trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật-kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao, gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế-xã hội và tổ chức không gian sống của con người, xã hội.

Quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực, điều kiện hành nghề tốt.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam, đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân về thể chế.

Các ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Như vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.

Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm thảo luận, đó là quy chế quản lý kiến trúc.

Theo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, quy chế quản lý kiến trúc là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật, quy định những nội dung chung nhất, mang tính nguyên tắc.

Từng vùng, miền có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau cần có những quy định chi tiết khác nhau mà chỉ có chính quyền địa phương ở đó mới có thể tổ chức xây dựng, cụ thể hóa quy chế quản lý kiến trúc sao cho phù hợp nhất. Đây cũng là kinh nghiệm lập pháp về quản lý kiến trúc của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, quy chế và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, theo quy định Điều 11, sẽ tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quy chế quản lý kiến trúc khác nhau theo từng địa phương và theo từng địa bàn cụ thể, từ đó làm mất đi sự quản lý thống nhất trên toàn quốc.

Ngoài ra, để hàng trăm quy chế được phê duyệt phải đợi Chính phủ ban hành nghị định về việc lập, thẩm định đối với các quy chế này, tức là chờ Bộ Xây dựng soạn thảo cho ai có quyền lập, ai có quyền thẩm định để trình Chính phủ.

Các quy định này không hợp lý, vừa làm cho luật thiếu tính khả thi, vừa mâu thuẫn với chính mục tiêu cần thống nhất của quản lý kiến trúc trong dự thảo luật và gây khó cho kiến trúc sư hành nghề vì không thể biết được hàng trăm quy chế ở các nơi khác nhau.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉ nên quy định một quy chế quản lý kiến trúc thống nhất chung. Quy chế này có thể gồm các chương quy định về kiến trúc đô thị theo phân loại cấp đô thị, kiến trúc cho vùng nông thôn theo đặc điểm các vùng đồng bằng, trung du, miền núi ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.

Nhìn về khía cạnh thủ tục hành chính, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, dự thảo Luật xây dựng trình tự thủ tục hành chính các loại chứng chỉ hành nghề của các tổ chức, cá nhân, trình tự thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết nhưng chưa đánh giá tác động của các thủ tục hành chính theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đưa ra hàng loạt dẫn chứng, đại biểu phân tích: Chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối đa, công khai minh bạch thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực.

Trong khi đó, dự thảo Luật này đặt ra một số thủ tục hành chính bắt buộc với một số giấy tờ như giấy chứng nhận đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Vậy phát triển nghề nghiệp liên tục, đạo đức nghề nghiệp là gì, ai xác nhận, ai cấp giấy chứng nhận? Đại biểu cho rằng, nếu quy định không rõ, các giấy tờ này trong thủ tục hành chính chỉ có ý nghĩa hình thức, gây tốn kém chi phí, thời gian của người dân mà thôi.

[Xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài]

Nâng cao thẩm mỹ kiến trúc, chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam

Nhìn nhận kiến trúc là văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật, phản ánh trực tiếp sự phát triển lịch sử, văn hóa, kinh tế, đời sống của con người, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) phân tích, Điều 3 dự thảo Luật xác định kiến trúc là ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức không gian thiết kế xây dựng công trình, tạo nên không gian sống và hoạt động của con người.

Đại biểu cho rằng, không phải kiến trúc tạo nên môi trường mà môi trường tạo nên kiến trúc.

Theo kinh nghiệm lịch sử phát triển của thế giới, kiến trúc có giỏi đến mấy cũng không thể là sản phẩm của ý chí chủ quan tùy tiện mà phải tuân theo quy luật khách quan của môi trường sinh thái tự nhiên, của sinh tồn cộng đồng.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX chỉ rõ, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao thẩm mỹ kiến trúc, chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong những công trình xây dựng và kiến trúc mới.

Các yêu cầu trên cần được chú ý nhiều hơn nữa trong lĩnh vực kiến trúc, khắc phục những công trình còn thiếu thống nhất và bản sắc.

Môi trường sống chỉ tính dự án mà chưa tính tổng thể vùng miền toàn quốc, chưa có tác phẩm đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính thời đại.

Đại biểu cho rằng, các dự án kiến trúc thời gian gần đây còn nặng về giá trị kiến trúc và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hóa. Nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa bị xâm phạm và có thể bị xâm phạm.

Ví dụ như cụm di tích ở Hồ Gươm, được coi như trái tim của cả nước, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt, nay đang được dự kiến triển khai đường tàu điện ngầm C9 cao trên 20m, đỉnh nóc cách cụm di tích đài nghiên Tháp Bút vài mét.

"Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu này có gây sụt lở hay ảnh hưởng đến cụm di tích này không. Đi theo đó có nhà ga C3. Đây là kiến trúc hoàn toàn xa lạ với người Việt. Đặc biệt, nhà ga này nằm trong vành đai 2 được bảo vệ bởi Luật Di sản. Dự kiến sau khi hoàn thành có 5.000 người đổ về đây. Như thế có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không," đại biểu Triệu Thế Hùng đặt vấn đề.

Đại biểu đề nghị dự án Luật quan tâm đến giá trị văn hóa nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc. Những điều khoản liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, môi trường, lịch sử, phát triển bền vững trong dự thảo Luật còn mang nặng yếu tố kêu gọi, khẩu hiệu, cần định lượng cụ thể với tiêu chí, tiêu chuẩn, chế tài thì mới khả thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục