Quan ngại căng thẳng Nga-Ukraine, giá dầu châu Á tăng phiên chiều 11/3

Giá dầu tăng vọt sau khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine nhưng giá nhiên liệu giảm một phần trong tuần này do hy vọng một số nước sản xuất có thể hành động để tăng nguồn cung ứng.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm bán xăng ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trong phiên chiều 11/3 do tiếp tục lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu đang trên đà giảm hàng tuần lớn nhất kể tử tháng 11/2021 sau một tuần đầy biến động.

Giá dầu tăng vọt sau khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, tuy nhiên giá nhiên liệu giảm một phần trong tuần này do hy vọng một số nước sản xuất có thể hành động để tăng nguồn cung ứng.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 2,86 USD, hay 2,6%, lên 112,19 USD/thùng vào lúc 17 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tăng 2,71 USD, hay 2,6%, lên 108,73 USD/thùng.

Giá dầu Brent đang trên đà giảm 5,4% cho cả tuần này sau khi chạm mức 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3. Còn giá dầu WTI hướng tới mức giảm 6,2% trong tuần này sau khi chạm mức cao nhất 130,50 USD/thùng.

[Giá dầu vượt 100 USD mỗi thùng, Mỹ và OPEC vẫn chưa tăng sản lượng]

Thị trường dầu mỏ biến động trong tuần này khi căng thẳng Nga-Ukraine khiến Mỹ và nhiều công ty dầu mỏ phương Tây ngừng mua dầu của Nga, giữa lúc diễn ra các cuộc thảo luận về việc bổ sung nguồn cung ứng “vàng đen” tiềm năng từ Iran, Venezuela và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Giới chuyên gia của ngân hàng Commerzbank (Đức) dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch trên mức 100 USD/thùng trong quý 2 năm nay và vào khoảng 90 USD/thùng vào cuối năm nay.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, với sản lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Liên minh châu Âu, phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đã không tham gia cùng với Mỹ và Anh trong việc cấm vận dầu mỏ của Nga.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước liên minh, còn được gọi OPEC+, gồm cả Angola và Nigeria, đã gặp phải nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu sản xuất, qua đó hạn chế hơn nữa khả năng bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục