Quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội: Còn bất cập về cơ chế, chính sách

Các chính sách của mô hình thí điểm thanh tra xây dựng, cán bộ làm quản lý không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức.
(Ảnh minh họa. Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Thời gian qua, việc thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội đã góp phần phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, xem xét trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân có liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong hoạt động xây dựng... đã giúp người dân và doanh nghiệp ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Nhờ vậy, số công trình vi phạm từ đầu năm đến nay đã giảm hàng trăm trường hợp so với cùng kỳ năm trước; số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng mạnh lên tới gần 13,5 tỷ đồng (tăng gần 9 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2019), có tác dụng "răn đe" hữu hiệu đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Số vụ vi phạm giảm

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, 6 tháng đầu năm nay, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các địa phương đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100%), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,25% (giảm 120 trường hợp so với cùng kỳ năm trước); trong đó các vi phạm liên quan tới xây dựng không phép; xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường... Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nhưng tập trung nhiều ở một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...

Hiện các quận, huyện đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 66% với sáu trường hợp phải cưỡng chế phá dỡ; 114 trường hợp tự khắc phục; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp (chiếm tỷ lệ gần 34%).

Cũng từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã ban hành 67 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát…). Hiện nay, Sở đã và đang thực hiện kết luận thanh tra của Trung ương và 26 kết luận của Thanh tra thành phố; trong đó, đã thực hiện xong 12 kết luận thanh tra, đang thực hiện 14 kết luận.

Về việc thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nước giai đoạn 2011-2017 thành phố Hà Nội, ngày 30/6/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng để tổng hợp, báo cáo về kết quả kiểm tra chấp hành giấy phép xây dựng, quy hoạch xây dựng và có biện pháp xử lý theo quy định đối với các dự án vi phạm về quy hoạch như Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại số 6/51 ngõ 15 đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai; dự án tòa nhà hỗn hợp và văn phòng, dịch vụ, nhà ở và nhà trẻ - DreamLand Plaza; dự án đầu tư xây dựng khu chức năng hỗn hợp tại phố Sài Đồng, quận Long Biên.

Tiếp đó, ngày 14/7/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chủ động làm việc với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông và chủ đầu tư khu đô thị Mỗ Lao về thực hiện các nội dung theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước...

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, sáu tháng đầu năm nay, mặc dù Thanh tra Sở và trực tiếp là Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành gần 600 văn bản gửi đến các cấp chính quyền, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động xây dựng, song, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra ở một số địa bàn với hình thức vi phạm phức tạp hơn, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở về việc tiếp tục xử lý dứt điểm đối với 409 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng từ giai đoạn 2015-2016 và các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn còn rất chậm, thậm chí một số nơi còn phát sinh trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" mới.

[Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng]

Tính đến 30/6/2020, mới có sáu công trình tồn đọng đang được xem xét, giải quyết, nâng tổng số vi phạm trật tự xây dựng ở giai đoạn 2015-2016 đã và đang được xử lý là 32 trường hợp, tập trung nhiều ở các địa bàn Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Trì...

Đối với nhà "siêu mỏng, siêu méo," vẫn còn 173 trường hợp (đều phát sinh trước năm 2019, không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng, gây phản cảm và ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như mỹ quan đô thị. Cụ thể, quận Ba Đình (52 trường hợp), Cầu Giấy (29 trường hợp), Thanh Xuân (6 trường hợp), Đống Đa (43 trường hợp), Tây Hồ (41 trường hợp), Hoàng Mai và Thanh Oai (một trường hợp).

Bất cập về cơ chế, chính sách

Từ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ rõ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan từ khó khăn, vướng mắc do bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện trường Công viên nước Thanh Hà trong quá trình phá dỡ. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Trước hết, phải kể đến sự bất cập về mô hình tổ chức hoạt động đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. Trước đây, còn là mô hình thí điểm thanh tra xây dựng, cán bộ làm quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính... và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra.

"Hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ," ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Mặt khác, đa số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng là nhà ở riêng lẻ đô thị nên việc xử lý liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh. Vì vậy, ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng rất khó xử lý, dễ gây khiếu kiện phức tạp.

Thêm vào đó, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, mặc dù đã có tính thống nhất về hành vi vi phạm, quy trình xử lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, nhưng trong quá trình thực hiện, nghị định này đã bộc lộ một số hạn chế như một số hành vi vi phạm có mức phạt cao không phù hợp thực tiễn quản lý; thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; quy trình bắt buộc áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự xây dựng (ngừng thi công sau 60 ngày) là chưa phù hợp với thực tiễn quản lý...

Vì vậy, Thanh tra Sở tiếp tục tham mưu Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp (bộ, sở và huyện) tại các đô thị đặc biệt (thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh) để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian… quy định tại khoản 7 Điều 15 để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm, hạn chế việc chuyển hồ sơ tới chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Thời gian tới, cùng với việc tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trên, thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, các biện pháp ngăn chặn theo quy định đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Thành ủy - Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các quận ủy, huyện ủy, thị ủy và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các Đội quản lý trật tự xây dựng - đô thị cùng các phòng, ban chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên, kiểm tra, rà soát công trình xây dựng; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm mới phát sinh, phân loại, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định, lãnh đạo các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy - Ủy ban Nhân dân Thành phố về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý, về kết quả và tiến độ xử lý đối với các trường hợp vi phạm còn tồn đọng. Do đó, phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, đặc biệt có những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, dung túng, bao che vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục