Quản lý thuốc lá mới và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan

Hiện có 2 loại thuốc lá mới gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, do vậy, việc thống nhất về tên gọi và có nghiên cứu khoa học khách quan về các sản phẩm này là điều cần thiết.
Quản lý thuốc lá mới và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan ảnh 1Toàn cảnh tọa đàm. (Nguồn: Vietnam+)

Tại cuộc tọa đàm mới đây do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, nhiều chuyên gia có mặt đã nêu ý kiến về vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Theo ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cấp cao, Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ, thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, là mặt hàng đã tồn tại trên thị trường nhiều năm qua.

Riêng thuốc lá làm nóng theo xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã có 185/195 nước đưa vào quy định quản lý.

Vai trò cụ thể các Bộ, ngành trong quản lý thuốc lá mới

Mở đầu phần thảo luận của mình, ông Thảo phân tích, Luật Phòng, Chống Tác hại của Thuốc lá đã được thông qua. Theo đó, nếu liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế, còn điều kiện kinh doanh, quản lý thuốc lá thì sẽ có thể do quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính...

Vai trò của các bộ, ngành cũng đã đã được chỉ rõ trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Đặc biệt, Chiến lược cũng đã nhấn mạnh nghiêm cấm bán thuốc lá cho trẻ em và lợi dụng trẻ em đi bán thuốc lá.

[Chuyên gia: Cân nhắc giải pháp giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu]

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng kiến nghị khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội sắp tới nên có nội dung là giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định quản lý thuốc lá theo thẩm quyền của mình, trong khi chưa sửa đổi Luật Phòng, Chống Tác hại của Thuốc lá.

Mặt khác, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cho rằng, theo quy định hiện hành, quá trình sửa luật phải tuân theo quy trình nên sẽ mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, thực trạng buôn lậu thuốc lá mới đang đòi hỏi phải sớm có giải pháp quản lý mặt hàng này. Chính vì thế, Chính phủ có thể xem xét sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP trong đó quy định rõ các khái niệm về thuốc lá mới; điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cho các sản phẩm này.

Ông Hải cũng khẳng định theo định nghĩa tại Luật Phòng, Chống Tác hại của Thuốc lá, thuốc lá nung nóng chính là sản phẩm thuốc lá.

Luật Đầu tư có quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Đây là các cơ sở pháp lý có thể tận dụng, việc thực thi còn lại là trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Trước ý kiến cho rằng cần sửa đổi Luật Phòng, Chống Tác hại của Thuốc lá để sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với thuốc lá mới, ông Thảo thông tin, vấn đề này dự kiến sẽ được đưa vào báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VII sắp tới. “Trong lúc này, quyết định phê duyệt chiến lược là quan trọng nhất,” ông Thảo nhìn nhận.

Nên có những đánh giá khoa học cụ thể về thuốc lá mới

Ông Thảo thông tin, tháng 11 sắp tới, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia khác góp tiếng nói tại COP10 (Hội nghị các Bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10) ở Panama, trong đó sẽ bao gồm đối tượng thuốc lá mới.

Quản lý thuốc lá mới và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan ảnh 2 Ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cấp cao, Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ. (Nguồn: Vietnam+)

Thực tế, thuốc lá mới đã tồn tại nhiều nơi trên thế giới và 185/195 nước đã đưa vào diện quản lý.

“Vấn đề đặt ra, Việt Nam có xem thuốc lá mới là một sản phẩm thương mại và có cho phép nhập khẩu vào Việt Nam hay không? Thực tế trong nước chúng ta chưa sản xuất, việc cấp phép và nhập khẩu lại không thuộc chức năng, quyền hạn của Bộ Y tế mà do Bộ Công Thương. Nếu bây giờ Việt Nam cũng tham gia thị trường sản xuất và thậm chí xuất khẩu thì phải do quan điểm của các Bộ, chuyên ngành kiến nghị Chính phủ,” ông Thảo nhấn mạnh.

Ông Thảo cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề quản lý thuốc lá mới nhưng chưa có khái niệm cụ thể về các loại sản phẩm này. “Hầu hết mọi người đang hiểu sai về khái niệm ‘thuốc lá mới’," ông Thảo nhận định.

Hiện có 2 loại thuốc lá mới gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Do vậy, việc thống nhất về tên gọi và có nghiên cứu khoa học khách quan về các sản phẩm này là điều cần thiết.

Về câu chuyện thuốc lá mới ảnh hưởng thế nào tới đối tượng người dùng là thanh thiếu niên, hiện chưa có đủ đánh giá về mặt khoa học, vậy có nguy hiểm đến mức tuyệt đối cấm hay không, ông Thảo nhấn mạnh vấn đề này phải do các nhà khoa học đánh giá cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục