Quản lý thuốc lá mới: Kinh nghiệm từ các nước đi trước trong khu vực

Trước sự hiện diện của thuốc lá làm nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác, 3 quốc gia Thái Lan, Philippines, Việt Nam đã có hướng ứng xử khác nhau và chứng kiến kết quả khác nhau sau 10 năm.

Ủy ban Đặc biệt của Thái Lan đề xuất 3 phương án quản lý thuốc lá mới sau khi cấm không hiệu quả. (Nguồn: Quốc hội Thái Lan)
Ủy ban Đặc biệt của Thái Lan đề xuất 3 phương án quản lý thuốc lá mới sau khi cấm không hiệu quả. (Nguồn: Quốc hội Thái Lan)

Trong khối ASEAN hiện có 5 nước cấm thuốc lá thế hệ mới, gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, là Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia và Brunei.

Các nước còn lại, có thể coi là có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam bao gồm Philippines, Malaysia, Indonesia quy định quản lý, cung cấp hợp pháp thuốc lá làm nóng như thuốc lá điếu.

Thái Lan sau 10 năm thực hiện lệnh cấm gần đây đã có động thái hướng đến việc quản lý mặt hàng này. Thời điểm này Việt Nam cũng đang thảo luận giữa các bộ ngành về việc cấm hay quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Thái Lan, Philippines: Kết quả tương phản trong kiểm soát thuốc lá mới

Thái Lan, Philippines, Việt Nam là 3 nước ASEAN tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) từ sớm (2004-2005).

Trước sự hiện diện của thuốc lá làm nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác, 3 quốc gia này đã có hướng ứng xử khác nhau, và chứng kiến kết quả khác nhau sau 10 năm.

Năm 2014, Thái Lan ra lệnh cấm thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới khác. Theo đó, hành vi trốn thuế và buôn bán trái phép thuốc lá thế hệ mới bị phạt từ 500.000 baht (trên 300 triệu đồng) đến 10 năm tù, hoặc vừa phạt tiền vừa phạt tù.

Chính phủ nước này hy vọng hình phạt nặng có thể ngăn chặn triệt để thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, điều này đã không giúp giảm số người dùng thuốc lá điện tử, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, số vụ và giá trị hàng thuốc lá điện tử nhập lậu ngày càng tăng.

Do đó, tháng 9/2023, Quốc hội Thái Lan thành lập Ủy ban Đặc biệt để đánh giá hiệu quả của lệnh cấm. Mới đây Ủy ban này đề xuất 3 phương án: quản lý riêng thuốc lá làm nóng; quản lý cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử; hoặc sửa đổi tất cả luật và văn bản dưới luật liên quan để hình sự hóa việc sử dụng thuốc lá điện tử. Dự kiến trong năm nay, Quốc hội Thái Lan sẽ thông qua đề xuất.

Theo các chuyên gia, dù Việt Nam chưa cấm như Thái Lan, nhưng việc chưa cho phép thuốc lá mới lưu hành hợp pháp cũng tương tự như lệnh cấm. Sau động thái của Chính phủ năm 2017 về việc cần có hành lang pháp lý kiểm soát thuốc lá thế hệ mới, thị trường “chợ đen” của các mặt hàng này vẫn đang leo thang, kéo theo nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, tại Philippines, từ năm 2022 Chính phủ đã thông qua Luật quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới khác, cùng các điều luật chặt chẽ để ngăn ngừa giới trẻ tiếp xúc với sản phẩm này.

Thuốc lá làm nóng được phân loại là “thuốc lá không khói,” với mức thuế bằng 1/2 thuốc lá điếu, nhằm hỗ trợ người hút thuốc dễ tiếp cận thuốc lá làm nóng để chuyển đổi.

Tại Hội nghị Các bên tham gia FCTC lần thứ 10 (COP10) tháng 2/2024, Philippines báo cáo năm 2023 thu về 3 triệu đôla thuế từ thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới. Ngân sách này được đầu tư trở lại cho chính sách công phục hồi sau đại dịch.

Cấm thuốc lá mới: Tranh luận không chỉ xảy ra ở Việt Nam

So với thuốc lá điện tử, ít quốc gia cấm thuốc lá làm nóng hơn và có xu hướng giảm. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã đảo ngược lệnh cấm để hợp pháp hóa sản phẩm, vì việc bất tuân dân sự của người dùng cũng như sự phản đối của các cơ quan quản lý, như Uruguay (năm 2021) hay Đài Loan (năm 2023). Thậm chí, có nước còn coi việc cấm sản phẩm này là “vi hiến.”

Cụ thể, Panama đã từng cấm sử dụng, nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá làm nóng. Song tháng 5/2024, Tòa án Tối cao nước này tuyên bố, theo Luật 315, lệnh cấm trên là vi hiến, mở ra khả năng hợp pháp hóa các mặt hàng này.

Trong nước, tại các kỳ họp liên quan, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị giải trình về căn cứ cấm thuốc lá làm nóng khi đã được WHO khẳng định là thuốc lá, và phù hợp với định nghĩa thuốc lá của các luật hiện hành, gồm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Luật Đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần làm rõ căn cứ pháp lý bởi liên quan đến người dùng và tính thống nhất trong cách thực thi, ứng xử giữa thuốc lá điếu và sản phẩm đã được quốc tế xác nhận là thuốc lá như thuốc lá làm nóng.

Ngoài việc quản lý như thuốc lá, nhiều nước còn áp dụng thuế đối với thuốc lá làm nóng thấp hơn thuốc lá điếu như Philippines, Nhật Bản, Indonesia, New Zealand...

Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc Việt Nam quản lý thuốc lá làm nóng như thuốc lá không đi ngược khuyến nghị của WHO. Báo cáo mới nhất của tổ chức này cho thấy có 175 quốc gia không cấm thuốc lá làm nóng.

A2.png
Bộ Y tế New Zealand giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá làm nóng từ ngày 1/7/2024. (Nguồn: rnz.co.nz)

Thuốc lá làm nóng cũng được chính phủ nhiều nước đánh giá là giải pháp có tiềm năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu, đồng thời chưa ghi nhận hệ lụy ngoại ý, như việc dùng sai mục đích hoặc thu hút giới trẻ.

Như vậy, nếu chọn phương án cấm thuốc lá làm nóng, Việt Nam sẽ thuộc số ít các nước như Lào, Campuchia… Song, dựa trên thực tiễn, liệu Việt Nam có cần làm lại “phép thử” như Thái Lan?

Vấn đề này cần được cân nhắc, khi tiềm lực quốc gia và hệ thống pháp lý hiện hành đã được kiện toàn để kiểm soát mọi loại thuốc lá.

Bài tiếp theo sẽ đề cập đến năng lực của Việt Nam trong kiểm soát thuốc lá mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục