Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử dù không được phép thương mại tại Việt Nam song nguồn cung của những sản phẩm này không hề thiếu thông qua đường xách tay, buôn lậu.
Trước tình hình trên, trong vòng 4 năm qua, Chính phủ đã ba lần đưa ra chỉ đạo các cơ quan bộ ngành đưa ra hướng quản lý phù hợp.
Sau công văn của chính phủ, nhiều hội thảo giữa các cơ quan bộ ngành đã diễn ra. Phần lớn các cơ quan quản lý liên quan cũng đồng ý: trong những sản phẩm thuốc lá không khói (hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới) nói trên, cần cân nhắc những sản phẩm đã nằm trong định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành để đưa vào quản lý ngay. Bởi dẫu sao thuốc lá vẫn là ngành nghề kinh doanh hợp pháp có điều kiện.
Do đó không thể cấm hoặc trì hoãn quản lý những sản phẩm thuộc định nghĩa hoặc đã được phân loại là thuốc lá.
Hiện chỉ có thuốc lá làm nóng do có nguyên liệu thuốc lá nên nằm trong định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, cũng như được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là sản phẩm thuốc lá.
Bên cạnh lợi ích của việc đưa sản phẩm thuốc lá làm nóng vào quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành, vấn đề mà các cơ quan y tế đang lo ngại là tác động của việc này tới giới trẻ, cũng như lo ngại sản phẩm này cũng sẽ lặp lại những hậu quả mà thuốc lá điếu đã và đang để lại.
Do vậy, dù có nằm trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì vẫn không thể để giới trẻ mua thuốc lá làm nóng “dễ như mua rau” như tình trạng thuốc lá điếu hiện nay.
Thu thuế, kiểm soát buôn lậu: những lợi ích trước mắt
Có thể thấy lợi ích đầu tiên của việc đưa thuốc lá làm nóng vào Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính là việc nhà nước sẽ tránh được tình trạng thiệt hại kép, đó là vừa thất thu thuế, vừa phải bù chi cho những hoạt động chống buôn lậu, tiêu hủy hàng phi pháp trong bối cảnh đất nước đang chịu tổn hại kinh tế do dịch bệnh kéo dài 2 năm nay.
Trong một hội thảo phòng chống buôn lậu thuốc lá diễn ra tại Hà Nội năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết hệ quả của tình trạng buôn lậu thuốc lá là hàng năm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng, “chảy máu” ngoại tệ khoảng 500 triệu USD.
[Thất thu ngân sách 8.500 tỷ đồng mỗi năm do thuốc lá nhập lậu]
Không chỉ liên quan đến thuế, việc hợp thức hóa sản phẩm này còn tạo cơ sở để xây dựng khung pháp lý, quy định xử phạt nghiêm minh các tội phạm buôn lậu nhằm tránh tình trạng hàng lậu kém chất lượng, thậm chí hàng trá hình tấn công vào cộng đồng, học đường.
Cũng tại các hội thảo về phòng chống buôn lậu thuốc lá, các cơ quan chức năng đã nêu lên khó khăn khi tốn nhân lực tổ chức bắt các tội phạm buôn lậu thuốc lá thế hệ mới, trong khi thiếu luật để xử phạt phù hợp. Chính vì vậy các đối tượng buôn lậu trở nên “nhờn” khi bị bắt.
Hệ lụy tất yếu là các nguồn hàng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới là hàng nhái, hàng giả, thiếu nguồn gốc xuất xứ, thiếu kiểm soát chất lượng vẫn có thể tuồn vào Việt Nam. Nguy hiểm hơn là tình trạng “quảng cáo” phi pháp đến giới trẻ của các tổ chức, cá nhân buôn lậu.
Hiện vẫn chưa ghi nhận được số liệu tác động đến giới trẻ của các sản phẩm thuốc lá làm nóng nhập lậu, trong khi đó Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội vừa công bố có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử.
Trước những hệ lụy do buôn lậu thuốc lá thế hệ mới gây ra, hiện các cơ quan y tế đang nỗ lực tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng trong giai đoạn chờ luật hóa theo chỉ định của chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn cần buộc các loại sản phẩm đã nằm trong định nghĩa là thuốc lá như thuốc lá làm nóng sớm chịu sự quản lý của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để có khung pháp lý xử phạt thích đáng các hành vi vi phạm.
Không để tình trạng mua thuốc lá “dễ như mua rau”
Hiện trong 66 thị trường đã chính thức thương mại hóa thuốc lá làm nóng, có khoảng 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) thuộc WHO.
Nhât Bản, nước đã hiện đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng hơn 5 năm nay, báo cáo dữ liệu tính đến hiện nay cho thấy giới trẻ bắt đầu sử dụng thuốc lá làm nóng là không đáng kể.
Một nghiên cứu năm 2018 của Nhật Bản cho biết chỉ có 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng hằng ngày trong cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng nhóm học sinh này cũng đã từng hút thuốc lá điếu trước đó. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của giới trẻ đối với thuốc lá làm nóng là rất thấp. Thực tế này cũng đã và đang được nhìn thấy tại Việt Nam.
Trong khi các số liệu cho thấy tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử lậu ở giới trẻ cũng đồng thời là những người chưa từng hút thuốc lá đang tăng, nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu nào ghi nhận vấn đề tương tự đối với thuốc lá làm nóng.
Tuy vậy, quan ngại về khả năng tăng nhóm thế hệ trẻ nghiện nicotin trong tương lai cũng cần phải được cân nhắc và đề ra các phương thức kiểm soát chặt chẽ khi đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý dưới luật quản lý thuốc lá hiện hành.
Tại các nước đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng, nhà cung cấp được yêu cầu áp dụng quy định bán hàng phù hợp: người mua phải khai báo và xác minh độ tuổi bằng các giấy tờ tùy thân khi mua hàng (cả trực tuyến và trực tiếp), nhận hàng, truy cập vào trang web sản phẩm và tương tác trực tiếp tại các điểm bán. Chỉ những người thỏa điều kiện về độ tuổi mới được cung cấp thông tin sản phẩm.
Ngoài ra, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại các điểm bán các sản phẩm thuốc lá làm nóng, cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng “lọt sổ” như thuốc lá điếu hiện nay.
Cụ thể, không được phép bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó. Nếu các cơ chế quản lý này được áp dụng, tỷ lệ giới trẻ tiếp cận đối với thuốc lá làm nóng gần như nằm trong tầm kiểm soát.
Thậm chí có thể nói là hiệu quả hơn so với việc kiểm soát tình trạng giới trẻ tiếp cận đến thuốc lá điếu hiện đang rất dễ dàng.
Rõ ràng với những biện pháp thắt chặt quản lý hợp lý, trong đó sự phối hợp giữa quy định của chính phủ và trách nhiệm các công ty thuốc lá sẽ tạo nên hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu tác hại thuốc lá trong cộng đồng.
Cùng với một khung chính sách quản lý kiểm soát những sản phẩm thuốc lá đã phù hợp luật định, thì cần một chính sách tuyên truyền tác hại của tất cả các loại thuốc lá và khuyến khích cai thuốc trong cộng đồng.
Đồng thời, phía các công ty thuốc lá cần thực hiện các giải pháp kiểm soát tác động đến giới trẻ, thực thi các quy định chính phủ đề ra, phối hợp tăng cường kiểm soát buôn lậu. Đây cũng là chính sách hiện đang được áp dụng phần lớn tại các quốc gia đã thương mại thuốc lá làm nóng và đã tạo được hiệu quả tích cực./.