Cuối thế kỷ 15, Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, đồng thời phát hiện ra những người châu Mỹ bản địa hút thuốc lá.
Từ đó, thuốc lá đã theo chân những nhà thám hiểm, du nhập vào châu Âu và dần dà được sản xuất theo lối công nghiệp, trở thành những ngành công nghiệp lớn trên toàn cầu.
Xưa kia, nhiều người xem việc hút thuốc lá là phương cách kết nối con người với con người và con người với Thượng đế. Đến nay thì ai cũng hiểu rằng, thuốc lá có tính gây nghiện bởi thành phần nicotine có trong nguyên liệu thuốc lá, và do vậy ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá được xếp vào danh sách những ngành công nghiệp “kém thân thiện” với sức khỏe con người. Đây là nền tảng cho cuộc chiến chống thuốc lá trên toàn cầu bùng nổ.
Tuy nhiên, trái với “định kiến” sẵn có, ngày nay khoa học đã chứng minh, không phải nicotine mà chính quá trình đốt cháy thuốc lá điếu mới nguyên nhân chính của các bệnh do hút thuốc lá gây ra, bởi nó là tác nhân đưa đến sự “giải phóng” những chất độc hại có chứa trong khói thuốc lá. Việc hít khói thuốc lá dù chủ động hay bị động cũng đều có hại đối với sức khỏe con người.
Với thuốc lá điếu đốt cháy, có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng giữa các quốc gia trong chính sách phòng chống thuốc lá. Các biện pháp phức hợp được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng như cấm trẻ vị thành niên hút thuốc, hạn chế truyền thông quảng bá, cấm hút thuốc nơi công cộng, các biện pháp thuế quan, các chiến dịch tuyên truyền kêu gọi cai thuốc…
Hiện nay, việc kiểm soát, quản lý tiêu thụ thuốc lá tại các quốc gia đều được dựa trên những cơ sở khoa học, khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc điểm kinh tế-xã hội của từng quốc gia.
[Ngăn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá: Lập hàng rào pháp lý phù hợp]
Ra đời như một sự tất yếu trước yêu cầu giảm thiểu tác hại của ngành công nghiệp thuốc lá mà vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng hợp pháp, thuốc lá thế hệ mới, điển hình là thuốc lá ngậm snus, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, đã loại bỏ được quá trình đốt cháy tạo khói.
Như nhiều sáng tạo công nghệ mới khác, thuốc lá thế hệ mới đã dẫn tới nhiều tranh cãi gay gắt về tính hiệu quả trong việc giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu đốt cháy. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều quốc gia và WHO đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về chính sách quản lý đối với các dòng sản phẩm mới này.
Với thuốc lá điện tử, một số quốc gia cho phép lưu hành kèm theo những điều kiện bắt buộc khác (ví dụ cấm một số hương liệu khác với hương thuốc lá, độ tuổi được mua và sử dụng, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về truyền thông,…). Một số nước khác lại cấm mọi hình thức sản xuất, nhập khẩu và mua bán chính thức sản phẩm này.
Điều đáng nói là, ở các nước cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, việc mua bán bất hợp pháp vẫn diễn ra khá sôi động trên thị trường chợ đen. Thực tế cho thấy những trường hợp tử vong do thuốc lá điện tử diễn ra trong thời gian vừa qua đa phần đều có nguyên nhân gốc rễ liên quan tới các sản phẩm giả, nhái kém chất lượng hoặc do người tiêu dùng tự ý “bào chế” các loại hương liệu để sử dụng mà không tuân theo chỉ định của nhà sản xuất.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cấm đoán này đã tạo ra kẽ hở để những “con buôn” trục lợi và gây phương hại đến sức khỏe người dùng và cả các hãng sản xuất hợp pháp khác.
So với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ít “tai tiếng” hơn. Một trong những nguyên nhân của việc này là do sản phẩm này được thiết kế với dụng ý không cho phép người dùng được tự ý thay đổi mục đích sử dụng.
Họ chỉ có thể sử dụng đúng sản phẩm được cung cấp bởi nhà sản xuất (cả thiết bị lẫn sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá đặc chế đi kèm). Chính vì thế, những “tai tiếng” liên quan đến các ca tử vong do sử dụng thuốc lá thế hệ mới sai quy cách hoàn toàn không liên quan tới thuốc lá làm nóng.
Mặc dù chưa được 100% quốc gia trên thế giới công nhận là sản phẩm giảm thiểu tác hại như mong muốn của các nhà sản xuất, thuốc lá làm nóng ngày càng được phép thương mại và phát triển mạnh trên nhiều thị trường, trong đó có cả Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Tháng 7/2020, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về việc kiểm định, cấp phép lưu hành đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm… tại Hoa Kỳ đã công bố thông tin “thuốc lá làm nóng giúp giảm thiểu phơi nhiễm đáng kể với hàm lượng các chất gây hại hoặc có tìềm năng gây hại lên cơ thể người so với thuốc lá điếu đốt cháy.”
Thông báo của FDA được nhiều chuyên gia đánh giá là có ý nghĩa tham khảo quan trọng trong việc ra quyết sách liên quan đến thương mại hóa sản phẩm dù để có kết luận xác đáng cuối cùng, vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu tác động sản phẩm trên cả người dùng lẫn cộng đồng xung quanh họ thông qua quy trình đánh giá dịch tễ học./.