Quản lý Thị trường thu giữ hàng nghìn sản phẩm tại các điểm nóng về hàng giả

Với việc đồng loạt ra quân kiểm tra, lực lượng Quản lý Thị trường đã thu giữ gần 2.900 các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại 15 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra các điểm kinh doanh hàng hóa nghi vấn về hàng giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dưới sự giám sát của Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đồng loạt tiến hành kiểm tra một số điểm nóng tại 4 quận, huyện trọng điểm trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, trong khuôn khổ của chương trình đôn đốc triển khai Kế hoạch 888, lực lượng Quản lý Thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả.

Cụ thể, ngày 6/12, đồng loạt 5 Đội Quản lý Thị trưởng của Hà Nội chia thành nhiều đoàn và đột xuất kiểm tra nhiều điểm kinh doanh thuộc 4 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Hoài Đức.

Tại địa bàn trung tâm quận Hoàn Kiếm, Đội Quản lý Thị trường số 2 đã thu giữ gần 400 sản phẩm là quần áo giả mại thương hiệu: The North Face, Nike, Aiddas, LV, Gucci tại các cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc; Cửa hàng kinh doanh quần áo Fox Sport tại phố Hàng Đường, phường Hàng Đào và Cửa hàng quần áo - HKD Đỗ Anh Quân, tại 78-80 Hàng Khoai, phường Hàng Mã.

Mũi kiểm tra của Đội Quản lý Thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh kính mắt, giày dép, phụ kiện điện thoại trên địa bàn Phố Bạch Mai, Trần Khát Chân và Kim Ngưu, thu giữ trên 400 sản phẩm giày dép, kính mắt giả mạo nhãn hiệu.

Đặc biệt, ra quân kiểm tra tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - một trong những tụ điểm có tiếng về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại miền Bắc, Đội Quản lý Thị trường số 8 và số 14 đã thu giữ gần 2.000 sản phẩm là quần áo, giày dép mang các thương hiệu nổi tiếng như: Prada, LV, Gucci, Adidas.

Tương tự, trên địa bàn huyện Hoài Đức, kiểm tra các cửa hàng, hộ kinh doanh giày dép, quần áo, tổ công tác của Đội Quản lý Thị trường số 24 cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm là giày dép giả mạo các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Như vậy, với việc đồng loạt ra quân kiểm tra, lực lượng Quản lý Thị trường đã thu giữ gần 2.900 các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại 15 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Tính đến ngày 27/10/2023, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước đã kiểm tra 8.549 vụ việc theo Kế hoạch 888. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng nằm trong chương trình đôn đốc, giám sát của Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp chỉ đạo các Đội Quản lý Thị trường kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các địa bàn: Thành phố Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng.

Theo đó, trong 81 cơ sở kinh doanh trên 4 địa bàn là Thành phố Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và xử 62 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 360 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 330 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu.

Đây không phải là lần đầu tiên việc kiểm tra được tiến hành đồng loạt trên địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội và Lạng Sơn. Hoạt động này thuộc khuôn khổ chương trình đôn đốc triển khai Kế hoạch 888 tại các tỉnh, thành phố trọng điểm từ năm 2021 đến nay, hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 không còn địa điểm bày bán công khai hàng hóa vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 27/10/2023, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước đã kiểm tra 8.549 vụ việc theo Kế hoạch 888, trong đó xử lý 8.224 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 83,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 110 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý chủ yếu là các hành vi: kinh doanh buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh buôn bán hàng hóa giả về chất lượng, công dụng; vi phạm giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; vi phạm giả tem, nhãn, bao bì hàng hóa; vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng vi phạm được lực lượng Quản lý thị trường xử lý chủ yếu tập trung là thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện thời trang…

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường cho hay, trong quá trình đôn đốc, giám sát các tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch 888 thì thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.

“Kế hoạch 888 được triển khai nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thông qua đó, từng bước đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dần xử lý triệt để các hành vi vi phạm,” ông Nguyễn Đức Lê nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục