Quản lý Tài nguyên Nước: Cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành

Để đảm bảo nguồn nước sạch bền vững, nhiều ý kiến cho rằng Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) lần này cần phải phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, nhất là vừa qua nhiều hồ, đập cung cấp nước cho thủy điện đã bị cạn kiệt, dẫn tới thiếu điện nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần phải sớm có cơ chế quản lý phù hợp để xử lý triệt để những tồn tại phát sinh trong thực tế.

Theo đó, Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) lần này cần phải thống nhất theo hướng nhiều luật tích hợp trong một bộ luật, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, để tránh tình trạng chồng chéo ngay trong việc quản lý tài nguyên nước của quốc gia.

Quản lý chồng chéo trên... một dòng sông

Chia sẻ tổng quan về bức tranh tài nguyên nước quốc gia, ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, đạt tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ mét khối. Với lượng tài nguyên nước thế này, nếu xét theo bình quân đầu người thì Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước.

Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40%, và 60% xuất phát từ nước ngoài thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421 mét khối/người/năm; thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á.

Cũng theo ông Hà, với sự ra đời của Luật Tài nguyên Nước từ năm 1998, sửa đổi năm 2012, đến nay, về cơ bản công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đã tạo ra sự chuyển biến hết sức tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng nước.

“Tuy vậy, cũng phải nhìn thẳng vấn đề là thực trạng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập,” ông Hà lưu ý.

[Hồ thủy điện Sơn La cạn trơ đáy, nắng nóng gây thiệt hại cho người dân]

Theo ông Hà, thứ nhất là do có sự chồng chéo trong quản lý. Đơn cử, trên một dòng sông có rất nhiều bộ, ngành cùng quản lý; nhiều đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến dòng sông.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về nguồn nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương quản lý khai thác các công trình hồ chứa, đập dâng, các trạm bơm, các công trình thủy lợi, công trình thủy điện; Bộ Giao thông Vận tải quản lý về giao thông đường thủy trên dòng sông.

“Với sự giao thoa đó, khi triển khai sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên Nước năm 1998 và năm 2012, còn thiếu hẳn khung pháp lý về an ninh nguồn nước,” ông Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc sử dụng nước cũng không hiệu quả và chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi, khâu thực thi pháp luật ở địa phương còn chưa nghiêm và nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định về pháp luật.

Ông Hà cho biết mặc dù trong quá trình xây dựng quy hoạch quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nước trong xây dựng quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề triển khai các quy hoạch xây dựng, các quy hoạch tỉnh, cũng có một số địa phương chưa thực sự chú trọng, dẫn đến trong một số quy hoạch tỉnh, nội dung về khai thác, sử dụng nước còn hết sức mờ nhạt.

“Như vậy vấn đề cấp bách là phải sửa đổi hệ thống pháp luật về tài nguyên nước,” ông Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cũng lưu ý tổng lượng nước của Việt Nam nhiều, nhưng có tới 81% dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng. Như vậy, có tới 92% lượng nước dùng cho ngành nông nghiệp, chỉ có 3% nước cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp.

“Số liệu trên cho thấy nếu không tiến hành điều tra khảo sát tốt, không phân định mục đích sử dụng sẽ rất khó quản lý. Việc quản lý nguồn nước hiện nay cơ bản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên có sự liên quan tới nhiều bộ khác như nông nghiệp, công thương. Nếu không có sự phối hợp tốt thì Bộ Tài nguyên và Môi trường khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ này,” ông Huân nói.

Phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành

Trước thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi), với kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; khắc phục những bất cập trong quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Thực tế, tại phiên thảo luận Hội trường về Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) diễn ra chiều 20/6, có đến 20 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận và còn 22 đại biểu bấm nút tranh luận, nhưng hết giờ. Điều này cho thấy sự quan tâm của cử tri, của đại biểu Quốc hội đối với việc sửa đổi Luật Tài nguyên Nước lần này là rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh tài nguyên nước hết sức đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và còn liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Từ đó, ông Huân đề xuất trong lần sửa luật này, khi đề cập việc sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, công bằng, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý.

Để nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong thời gian tới, ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước cho rằng vấn đề quan trọng mà Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) lần này phải xử lý triệt để, đó là cần phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tài nguyên nước.

Theo đó, quan điểm xây dựng luật sửa đổi lần này là phải tích hợp nhiều luật trong bộ luật chung và trên nền tảng xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Điều này không có nghĩa là Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) sẽ phủ hết tất cả các luật khác, mà liên quan bộ, ngành nào thì luật phân công cụ thể trách nhiệm cho các bộ, ngành đó thực hiện, để tránh chồng chéo trong quản lý.

“Yêu cầu cao nhất trong sửa đổi luật lần này chính là xuất phát từ yêu cầu từ thực tế, cũng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Trong kết cấu của luật lần này, chúng tôi xây dựng theo hướng tổng thể, tức là các bộ, ngành đều phải chịu trách nhiệm liên quan đến an ninh nguồn nước, chứ không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường,” ông Hà nói thêm.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi luật này, ông Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra những quy định chung liên quan đến việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục