Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đang đối phó với lực lượng chức năng bằng cách tránh né, không lên gặp khi được mời làm việc. Lãnh đạo ngành hải quan thừa nhận, công tác điều tra đang ngày càng khó khăn.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã bày tỏ điều này trong buổi họp báo chiều 27/12, tại Hà Nội.
"Đáng lẽ khởi tố được nhiều hơn"
Nhìn lại năm qua, một trong những vấn đề nhức nhối theo ông là tình trạng làm giả hồ sơ ngày càng phức tạp, nhất là hồ sơ nhập khẩu phế liệu. Theo ông, những tháng cuối năm, tình hình nhập khẩu phế liệu ngày càng nóng và cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định.
[Tìm cách xử lý gần 20.600 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng]
Những thủ đoạn phổ biến theo vị này là doanh nghiệp nhập về không dùng để sản xuất như giấy phép mà buôn bán. Cũng có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu với số lượng lớn, vượt hạn ngạch nhiều.
Đáng lưu ý là tình trạng sử dụng chứng từ giả trong xuất nhập khẩu hoặc phế liệu về Việt Nam không đủ tiêu chuẩn, tức là những mặt hàng rác thải cấm nhập khẩu.
Theo ông, tới hiện tại Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khởi tố 4 doanh nghiệp, cơ quan hải quan Hải phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, hải quan An Giang cũng đã khởi tố 7 đối tượng.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, việc điều tra đang càng ngày càng khó khăn vì các doanh nghiệp đang đối phó.
"Ban đầu việc điều tra thuận lợi hơn vì chúng tôi được cung cấp đủ hồ sơ nên so sánh, đối chiếu được. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng đã có sự đối phó như tránh né, mời không lên, chúng tôi tới xác minh thì không có tại chỗ ở," ông nói.
Đáng nói là theo đại diện ngành hải quan, cũng có hiện tượng một số cơ quan không hợp tác. "Đáng lẽ phải khởi tố thêm được nhiều đối tượng trong nhập khẩu phế liệu," ông Quang bày tỏ.
Trách nhiệm về ai?
Cũng về nhập khẩu phế liệu, câu hỏi đặt ra với lãnh đạo ngành hải quan việc để doanh nghiệp ma nhập hàng về Việt Nam thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Trả lời, ông Nguyễn Khánh Quang thẳng thắn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan ngành tài nguyên môi trường. Đây là các cơ quan cấp các loại giấy tờ để doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Vấn đề ở chỗ, để nhập phế liệu cho sản xuất doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện như nhà xưởng, máy móc, thiết bị,... Chỉ khi đủ các điều kiện trên thì doanh nghiệp mới được cấp giấy phép.
Tuy nhiên, theo ông Quang, thực tế, qua các vụ việc ngành hải quan điều tra, có tình trạng doanh nghiệp có giấy phép nhưng "không có gì về cơ sở vật chất."
"Như vậy là cấp phép không chính xác," ông khẳng định.
Ông cũng bóc tách kỹ hơn trách nhiệm của các đơn vị trong việc cấp phép từng lô hàng, thẩm định về tiêu chuẩn môi trường. Theo ông, đây cũng là công tác chưa được làm "chắc chắn" và trách nhiệm cũng là của ngành tài nguyên môi trường.
Với những container phế liệu ùn ứ tại các cảng, ông Quang thừa nhận, hiện có tới hơn 20.000 container như vậy đang chiếm dụng diện tích kho bãi, ảnh hưởng tới năng lực thông quan của các đơn vị.
Theo ông, nếu theo đúng quy định, để giải phóng số container này thì rất lâu vì quy trình hướng dẫn phải đợi 90 ngày sau khi chủ hàng không tới thì thông báo lên cơ quan truyền thông, sau đó còn phải thực hiện một loạt thủ tục như họp liên ngành, mở container,...
Trong khi ấy, với những container này, chủ hàng không dám xuất hiện vì sử dụng giấy tờ giả, hoặc hàng hóa bên trong là “hàng bẩn." Bởi vậy, theo ông, việc giải quyết tồn đọng phải có cơ chế mới theo chỉ đạo của Chính phủ thì mới mong thúc đẩy nhanh./.