Quản lý mùa lễ hội năm 2013: Lực bất tòng tâm

Địa phương ra sức “bài binh bố trận” lực lượng bảo vệ, thậm chí cả biện pháp "cứng rắn" nhưng sự lộn xộn vẫn phổ biến ở các lễ hội.
Sau nhiều mùa lễ hội Xuân mà cả người dân và các cấp quản lý đều đã quá mỏi mệt với những cảnh chen lấn, xô đẩy, giá cả "chặt chém", các trò đỏ đen… năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh có cam kết rằng lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để Xuân Quý Tỵ có một mùa Lễ hội an ninh, an toàn.

Nhưng phải thừa nhận thực tế rằng, dù có cố gắng “bài binh bố trận” lực lượng bảo vệ, với nhiều biện pháp được cho là "cứng rắn" ở các lễ hội lớn, thì vẫn còn nhan nhản hình ảnh phản cảm.

Hãy khoan đổ lỗi cho năng lực quản lý yếu kém của các cấp, mà trước hết những người dân tham gia lễ hội cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại nhiều hành vi được cho là có phần thiếu văn hóa của mình…

"Lực bất tòng tâm"

Đến hẹn lại lên, hàng trăm lễ hội đã và đang diễn ra trên khắp các tỉnh, thành cả nước như hội Lim, hội Làng Quậy, hội Đền Và, hội Núi Voi, lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn, hội Chùa Keo, hội Thổ Hà, hội Chọi trâu Hải Lựu, hội Vật, Rước “ông lợn” khao quân ở La Phù, hội đền Trần, Hội núi Bà Đen-Tây Ninh…

Tưng bừng thì có tưng bừng, vui thì có vui nhưng dường như có một điều dễ nhận thấy, cứ có lễ hội là gắn với hình ảnh rác tràn ngập, hàng quán bao quanh bốn bề, người người chen lấn, giá cả đắt đỏ… và sự mỏi mệt khi ra về.

Trong khi đó, ngay trước mùa Lễ hội 2013, trong cuộc họp cuối năm với lãnh đạo ngành của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đích thân chỉ đạo những biện pháp cụ thể nhằm có một mùa lễ hội văn minh và tiết kiệm cho người dân.

Biện pháp cụ thể đầu tiên là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở các lễ hội; sắp xếp và chấn chỉnh lại hệ thống các hàng quán nhếch nhác, dứt khoát không đốt đồ mã trong những dịp tổ chức lễ hội, trong các di tích hoặc những nơi công cộng.

Riêng ở các di tích Bộ trưởng chỉ đạo xem xét lại việc tổ chức nơi đặt các hòm công đức sao cho văn minh, lịch sự đặc biệt là vấn đề quản lý thu, chi các hoạt động lễ hội công khai, minh bạch, tiết kiệm.

Lãnh đạo Bộ cho biết, trước mùa lễ hội 2013 đã cử bảy đoàn đi các địa phương có tổ chức lễ hội để xem xét ban tổ chức được kiện toàn thế nào, quy chế tổ chức ra sao, các biện pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa của các lễ hội và đặc biệt là pháp luật để bảo vệ di tích được triển khai đến đâu nhằm "dọn đường" cho mùa Lễ hội Quý Tỵ, bớt đi những hình ảnh thiếu mỹ quan.

Tuy nhiên, kết quả thanh kiểm tra đầu năm của Bộ và thực tế cho thấy công tác quản lý hoạt động lễ hội vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, dịch vụ trông xe tại Văn Miếu-Hà Nội, lễ hội Chợ Viềng-Nam Định rất lộn xộn. Tình trạng phương tiện giao thông ùn tắc và du khách chen lấn, xô đẩy là phổ biến ở Chùa Bái Đính-Ninh Bình, Chùa Hương-Hà Nội, Hội núi Bà Đen-Tây Ninh…

Đặc biệt, hình ảnh phản cảm nhất vừa diễn ra ở Lễ hội Đền Trần-Nam Định hôm 14 tháng Giêng Âm lịch, có không ít hơn năm vòng kiểm soát của lực lượng bảo vệ cũng không thể ngăn được dòng người ùn ùn xông vào đạp đổ hàng rào bảo vệ để giành giật, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ. Trước đó, hàng trăm người dân còn chen nhau “gửi gắm niềm tin” bằng cách ném rào rào những đồng tiền lẻ lên kiệu rước…

Hổ thẹn ở chốn linh thiêng!

Người ta đến với đình chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an... Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những ước mong tốt đẹp ấy không bị biến thành từng mớ tiền bị dúi vô tội vạ vào tượng Phật, ban thờ và mọi ngóc ngách ở chốn linh thiêng một cách rất... thô thiển.

Những hành vi, hình ảnh phản cảm như thế còn có “đất sống" và nhan nhản như hiện nay ở các lễ hội, theo lãnh đạo Bộ là vì: công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung lễ hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nội dung tuyên truyền chưa thực sự hấp dẫn. Từ đó dẫn tới tình trạng người đi dự hội thì nhiều, nhưng hiểu biết về các giá trị văn hóa của lễ hội còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng bảo vệ còn mỏng so với hàng chục vạn người dân tìm đến các lễ hội lớn đã không thể đảm bảo trật tự và an toàn cho “cả huyện người.”

Đặc biệt, các “tín đồ” đầu năm đi lễ không thể thiếu hàng "núi" vàng, mã bày, đốt hàng ngày ở nhiều đền, chùa.

Các đoàn thanh tra chức năng thường xuyên phải chứng kiến lượng đồ vàng, mã lớn vận chuyển qua lại ngay trong khuôn viên nhưng cũng… lực bất tòng tâm. “Vì không có quy định nào cấm việc vận chuyển hàng mã, mà chỉ phạt khi nào số hàng mã đó được đốt,” Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc bức xúc.

Thực tế đó cũng khiến cho thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đau đầu bấy lâu nay.

Thế nhưng, điều đáng nói hơn cả trước tất cả những bất cập này, cam kết của Bộ chủ quản cũng lại "một điệp khúc quen thuộc" là "sẽ phải bổ sung vào nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch” để giảm thiểu tình trạng lãng phí xã hội...

Cứ như vậy, các quy định của ngành văn hóa luôn chạy theo sau những lộn xộn, bát nháo của không chỉ các lễ hội Xuân./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục