Quản lý lưu vực sông: Không nên chia cắt theo địa giới hành chính

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 2.000 con sông lớn nhỏ. Tuy nhiên, việc khai thác gắn với sự phát triển bền vững các lưu vực sông vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Tạm ngừng thi công Dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Theo thống kê của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nước ta có hơn 2.000 con sông lớn nhỏ có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác gắn với sự phát triển bền vững các lưu vực sông vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều lưu vực sông đã bị khai thác bừa bãi, lấp sông, chặn dòng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, hệ sinh thái và cộng đồng dân cư.


Nhiều thách thức, bất cập

Theo tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu, xã hội ngày càng phát triển, dân số tăng lên, thì nguồn nước ngày càng bị đe dọa, suy thoái và cạn kiệt, tạo áp lực lớn cho công tác quản lý tài nguyên nước của quốc gia.

Trong khi đó, các hệ thống tài nguyên nước chưa thực sự theo phương pháp quản lý tổng hợp, bền vững theo lưu vực sông vẫn theo địa giới hành chính. Tài nguyên nước cũng chưa có quy hoạch phát triển toàn diện trên các hệ thống sông/lưu vực sông, mà thường là quy hoạch từng ngành riêng rẽ, như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện…

Ngoài ra, khi thiết kế, xây dựng và vận hành các hồ chứa thủy điện, nhu cầu nước cho duy trì môi trường hạ lưu công trình vẫn chưa được xem xét đầy đủ, tạo nên “đoạn sông chết” ở phía hạ lưu đập. Việc phân bổ nguồn nước giữa các lưu vực sông và giữa các địa phương trong lưu vực cũng chưa được xem xét một cách hợp lý, thường chỉ chú trọng đến lợi ích của một ngành dùng nước và cục bộ địa phương.

Có chung nhận định, Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới chuyển đổi với nhiều rủi ro khó lường, trong đó nguy cơ thiếu về số lượng và xấu về chất lượng của các nguồn nước. Chính vì thế, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước là hết sức quan trọng.

“Tuy nhiên, phương thức quản lý các hệ thống tài nguyên nước vẫn bị chia cắt theo ngành và chú trọng nhiều đến lợi ích ngắn hạn, bỏ qua lợi ích lâu dài. Nếu chúng ta tiếp tục phát triển thiếu bền vững và quản lý như vậy, tương lai sẽ phải đối mặt với cảnh ‘ảm đạm’ do mất cân bằng nước, nguồn năng lượng thay thế cho phát triển, gia tăng đói nghèo và mâu thuẫn lợi ích khai thác, sử dụng nguồn nước,” ông Hồi trăn trở.

Từ dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai,” tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học Miền Nam cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên nước, các quy định và chiến lược quốc gia đều hướng đến một nền kinh tế xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái thì dự án này tỏ ra rất bất hợp lý và có nhiều dấu hiệu vi phạm vào các luật và quy định hiện hành.

“Dự án không thân thiện với môi trường và cũng không phù hợp với hoàn cảnh xã hội xung quanh. Nếu triển khai có thể gây ra những bất bình đẳng về mặt sử dụng tài nguyên, nguy cơ sông bị khai thác quá mức. Do vậy, chúng ta cần phải dứt khoát với những hành vi lấn chiếm bờ sông, lấp sông như dự án này đồng thời cần phải có giải pháp phục hồi, trả lại dòng chảy vốn có của sông Đồng Nai,” ông Long nói.

Dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần quản lý thống nhất theo lưu vực

Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, tài nguyên nước là nguồn năng lượng thiết yếu đối với cuộc sống của con người và là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế-xã hội. Con người cũng đã nhận thức được nước là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, nhưng không phải là vô hạn và rất dễ bị tổn thương, cạn kiệt. Do đó, cần phải sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý và đảm bảo môi trường.

Về mặt quản lý, các tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông là cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả nhất, giúp chúng ta bảo vệ tốt hơn nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm. Cách tiếp cận “toàn bộ lưu vực” cho phép đánh giá tác động nguồn nước một cách hệ thống nhất.

“Như vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên nước là quản lý lưu vực sông để điều hòa, phân bổ nguồn nước, phối hợp điều tiết nguồn nước trên sông để sử dụng tổng hợp đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, cấp nước cho hạ du và các mục đích khác,” ông Tứ chia sẻ.

Ở góc độ người làm giáo dục, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều mục tiêu “cải tạo thiên nhiên” trước kia không được như mong muốn, thậm chí đảo ngược, các yếu tố “không chắc chắn” khá nhiều và phức tạp mà khả năng con người không hoàn toàn phỏng đoán được.

Xu thế mới là cư xử đúng mức với thiên nhiên, sống hòa hợp với các quy luật tự nhiên của dòng chảy, cũng như tạo thuận lợi cho một dòng chảy hài hòa. Trong quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, giải pháp “không hối tiếc” cần được lưu ý, khi đó việc tạo ra những công trình can thiệp vào tự nhiên được đặt ở thứ tự ưu tiên thấp hơn.

Đồng tình quan điểm, ông Tô Văn Trường, Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để phát triển bền vững lưu vực sông, trước hết cần có các mục tiêu, định hướng phát triển bền vững, từ đó đưa ra giải pháp phát triển đảm bảo tính thống nhất trong toàn lưu vực theo nguyên tắc “quản lý thống nhất theo lưu vực, không chia cắt theo địa giới hành chính.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục