Sau khi điều chuyển luồng tuyến vận tải tại thành phố Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, lượng khách quá ít khi xuất bến Nước Ngầm trong đó nguyên nhân chính là do trùng luồng tuyến vận tải; xe hợp đồng, “xe dù bến cóc” đã “nuốt” trọn toàn bộ lượng khách giữa các bến dẫn đến các nhà xe đứng trước nguy cơ phá sản.
Thậm chí, các doanh nghiệp chất vấn trực tiếp đến lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về lý do vì sao thời gian điều chuyển xe khách quá gấp đồng thời xin cho quay lại bến xe Mỹ Đình hoạt động hoặc phải có lộ trình từ 6-12 tháng mới tính đến việc “bốc xe” khỏi bến.
Xe hợp đồng “giết chết” xe khách
Tại buổi đối thoại giữa Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với các doanh nghiệp vận tải trong diện điều chuyển luồng tuyến vào chiều 1/3, đại diện các đơn vị vận tải thống nhất và cho rằng, doanh nghiệp vận tải nhận được lệnh điều chuyển đã chấp hành tốt nhưng trong quá trình điều chuyển gặp khó khăn bởi bến Nước Ngầm không có khách, kể cả các ngày lễ, Tết. Tất cả các nhà xe đều lỗ vốn dẫn đến nguy cơ phá sản.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Nam Định, việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, làm thiệt hại trong kinh doanh vận tải, doanh nghiêp điều chuyển thua lỗ quá nặn nề.
Lý giải rõ hơn, ông Thạc đưa ra dẫn chứng, đơn vị có 10 đầu xe điều chuyển, ngay trong tháng đầu tiên đã thua lỗ khoảng 325 triệu, tháng sau đó lỗ tiếp 272 triệu đồng. Với 150 xe của tỉnh Nam Định bị điều chuyển đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây nguy cơ phá sản, trái với chủ trương của Thủ tướng trong việc hỗ trợ kinh doanh doanh nghiệp.
[Nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến: Lỗ quá sức chịu đựng!]
Hơn nữa, ông Thạc cho rằng, sau khi điều chuyển, Sở Giao thông Vận tải lại cấp phép nhiều xe Limousine hoạt động về Nam Định, đây là xe hợp đồng hoạt động trá hình trên tuyến Mỹ Đình-Nam Định.
“Việc điều chuyển là chưa công tâm, công bằng trong quá trình khai thác vận tải, gây bức xúc cho nhân dân đặc biệt là các doanh nghiệp, là nguyên nhân chính dẫn đến đình công, đình chỉ phương tiện trong ngày 28/2 vừa qua,” ông Thạc nhìn nhận.
Thừa nhận tình trạng xe dù bến cóc ở Mỹ Đình gia tăng nhanh sau khi điều chuyển, ông Trần Văn Quảng, doanh nghiệp vận tải Hà Sơn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, các xe hợp đồng trá hình lúc đầu ở Thanh Hóa chỉ có 50-70 xe nhưng sau 2 tháng đã tới gấp 3 lần.
“Việc điều chuyển là cơ hội cho ‘xe dù bến cóc’ trá hình hoạt động đặc biệt là đón trả khách tại nhà, không có bến cố định, trong khi doanh nghiệp vận tải kinh doanh chịu các chi phí bến bãi thì ‘xe dù’ không mất một đồng nào. Nếu loại hình dịch vụ này liên tục phát triển nhanh chóng thì ai còn đi xe khách,” ông Quảng than thở.
Đặc biệt, theo tiết lộ ông Quảng, sau điều chuyển, qua khảo sát của các nhà xe và doanh nghiệp cho thấy, bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm lượng khách không tăng lên đáng kể. Và các nhà xe đều đưa ra câu hỏi, lượng khách ở Mỹ Đình đến các địa phương và ngược lại họ đi đâu và đi bằng gì?
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hữu Huỳnh, doanh nghiệp vận tải ôtô Đức Bình (Nghệ An) tỏ ra nghi ngờ khi có ý kiến cho rằng xe về đâu, khách đến đó. Thế nhưng, “xe dù” hoạt động quanh khu vực bến xe điều chuyển đã “nuốt trọn khách” nên khách không về bến mới.
Chưa kể, vị này cũng phản biện, xe buýt phải vận chuyển trung chuyển giữa các bến sẽ khiến ngân sách thành phố trợ giá nhiều hơn, tiền chi phí của người dân bỏ ra đi taxi hoặc xe ôm đẩy giá vé cao lên sẽ rất lãng phí, thậm chí, lượng khách di chuyển giữa các bến thông qua các phương tiện trung gian làm gia tăng xe trên đường thì có tắc đường thêm hay giảm?
Nhà xe xin quay lại bến Mỹ Đình
Tại buổi đối thoại, các đơn vị vận tải bày tỏ không tin tưởng trong việc xóa sổ “xe dù. bến cóc”, bởi lực lượng Thanh tra giao thông, Công an chỉ ra quân một thời gian sẽ không bao giờ giải quyết triệt để do thiếu lực lượng, tính quyết liệt đồng thời nhấn mạnh chỉ có doanh nghiệp vận tải tuyến cố định mới có thể triệt tiêu được xe hợp đồng, khi cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đầy đủ các quy định và siết chặt việc cấp phép loại hình này.
Ngoài ra, đại đa số doanh nghiệp vận tải đề nghị ổn định luồng tuyến như cũ bằng cách cho xe khách quay trở lại bến Mỹ Đình.
Chia sẻ những tổn thất về mặt kinh doanh doanh nghiệp trong việc chuyển giao luồng tuyến ổn định gây thụt giảm doanh thu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, Bộ Giao thông Vận tải tôn trọng ý kiến của các doanh nghiệp vận tải. Các cơ quan chức năng Nhà nước sẽ lắng nghe ý kiến để tiếp thu, tập hợp trước ngày 10/3 báo cáo với Thủ tướng.
[Gần 100 xe khách đổ ra Hà Nội phản đối điều chuyển luồng tuyến]
Trả lời câu hỏi vì sao phải điều chuyển, Thứ trưởng Trường cho rằng, bến xe Mỹ Đình quá tải dẫn đến tiêu cực như cò mồi, móc túi, xe khách và luồng tuyến chéo nhau… người dân bức xúc. Lỗi đầu tiên là về quy hoạch chậm, thiếu tầm nhìn so với thực tế phát triển của thành phố Hà Nội. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành sắp xếp lại bến xe này. Vấn đề đặt ra là cách làm như thế nào để thỏa mãn được tất cả mục tiêu của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Khẳng định xe hợp đồng, “xe dù, bến cóc” thực tế đang quản lý quá kém, nên hành khách thấy thuận lợi là sẽ đi, đặc biệt trong quá trình điều chuyển gấp gáp, xe kết nối giữa 2 bến chưa có mà chủ yếu dựa vào xe buýt, Thứ trưởng Trường cho biết sẽ kiên quyết xóa xe hợp đồng bằng cách phải tạm dừng cấp phép xe hợp đồng, vi phạm thì thu hồi phù hiệu và phải có xe kết nối giữa các bến.
Đề cập đến khả năng doanh nghiệp vận tải đề xuất quay lại bến xe Mỹ Đình, theo Thứ trưởng Trường, nếu quay lại thì lại giống luồng tuyến vận tải như trước đây, sẽ rất lộn xộn. Trường hợp đưa một bộ phận nào đó về bến cũ thì không công bằng, đưa toàn bộ lại lộn xộn, ùn tắc. Bản thân các doanh nghiệp vận tải phải chia sẻ cho Hà Nội.
Về lâu dài, lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, không có nước nào lại đặt bến xe ở trung tâm xe khách tỏa đi 4 hướng. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tìm giải pháp đưa khách về bến Nước Ngầm.
Trước mắt, Bộ giao Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải khảo sát thực tế bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm về lượng khách để có số liệu khách quan báo cáo với Chính phủ. Chậm nhất thứ Bảy trong tuần này sẽ tiến hành đếm từng doanh nghiệp “cõng” khách.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo Công an thành phố ra đợt ra quân cao điểm kiểm soát toàn bộ xe 9 chỗ trở xuống chạy dọc vành đai 3 từ bến Mỹ Đình và Nước Ngầm. Sở Giao thông Vận tải rà soát pháp nhân bến xe Nước Ngầm, công khai minh bạch về giá thu phí ở mức hợp lý nhất bằng các quyết định của thành phố làm sao tổng thu các chi phí không vượt bến cũ Mỹ Đình.
Thứ trưởng Trường cũng cam kết Bộ cùng Hà Nội kiến nghị Thủ tướng giải pháp tích cực nhất trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho người dân đồng thời giúp hoạt động quản lý Nhà nước tốt hơn./.