Hồ Văn Quán được xem là "lá phổi" của khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội), thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là nam thanh, nữ tú đến vui chơi, hóng mát mỗi ngày. Thế nhưng gần đây nơi đây lại được mệnh danh là hồ "than thở", bởi đang mất dần sự trong lành, thay vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước và rác thải.
Hồ nằm trong khuôn viên dự án khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc (Hà Đông-Hà Nội) rộng khoảng 2000 m2, hoàn thành năm 2007. Đây là dự án khu đô thị mới đầu tiên được xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông, góp phần tạo động lực phát triển đô thị cho khu vực.
Sau khi hoàn thành, khu đô thị đã nhanh chóng thu hút người dân đến sinh sống, tạo thành một khu dân cư có điều kiện sinh hoạt và môi trường sống cao. Hồ trở thành điểm nhấn quan trọng cho khu đô thị này bởi không khí trong lành, cảnh quan thơ mộng với những hàng liễu rủ mặt nước.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, cùng với các quán cà phê, nhà hàng, trà đá... mọc lên, môi trường hồ cũng trở nên ô nhiễm, nhiều lúc bốc mùi nồng nặc do rác bẩn, cá chết...
Bác Nguyễn Thị Chiên, đã sống ở đây hơn 40 năm cho biết, nước hồ ngày càng ô nhiễm, chất thải sinh hoạt xung quanh đổ thẳng ra hồ, không qua xử lý khiến cá chết bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ là do nước thải sinh hoạt không qua xử lý đổ trực tiếp vào hồ và nước thải từ khu đô thi mới.
Hồ "than thở" có hai bể lọc nước thải hoạt động tương đối tốt nhưng một số cá nhân đã tự ý làm những đường dẫn nước thải xả thẳng xuống hồ, khiến nước hồ bị ô nhiễm. Ngoài ra, theo quan sát hiện có một số ống cống bị vỡ nhưng vẫn không được khắc phục.
Còn công nhân vệ sinh cũng không thu dọn rác thải thường xuyên, khi cá chết bốc mùi nồng nặc mới có vài người đến thu dọn. Nhất là vào mùa hè, khu vực này tập trung rất đông người nhưng không có thùng đựng rác, nhiều người thiếu ý thức đã xả thẳng rác xuống hồ, mà không ai quản lý.
Tìm hiểu về thực trạng trên, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Quán cho biết, hiện nay, việc quản lý duy tu, duy trì, vệ sinh môi trường hồ trong khu đô thị Văn Quán vẫn do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUDS) quản lý. Khi người dân phản ánh cá chết gây ô nhiễm, phường đã nhiều lần gửi công văn đến HUDS và được xử lý kịp thời.
Trước đây, đơn vị quản lý cho đấu thầu thả cá nhưng đến năm 2011, sau khi phường có ý kiến, việc này đã chấm dứt. Tuy nhiên, trong hồ vẫn còn cá nên khi nước hồ ô nhiễm cá vẫn chết hàng loạt.
Về phía đại diện HUDS, Ban Quản lý dự án 1, đơn vị trực tiếp quản lý hồ khẳng định, không có tình trạng người dân xả nước thải xuống hồ và việc thu gom rác thải do công ty cổ phần Minh Quân đảm nhiệm.
Nhưng về phía đại diện công ty Minh Quân cùng chung ý kiến như phản ánh của người dân cho rằng, các hộ dân khu vực Học Viện An Ninh và các hộ dân khu đô thị ven hồ đã đấu trộm đường ống nước thải đổ thẳng xuống hồ, một số nhà hàng, người dân sinh sống ven hồ cũng thiếu ý thức vứt rác bừa bãi xuống hồ, gây ô nhiễm.
Bà Cao Thị Hương Giang - Công ty Minh Quân cũng cho biết, từ năm 2012, công ty đã có tờ trình và được HUDS chấp nhận bàn giao cho công ty thực hiện công tác vệ sinh môi trường hồ Văn Quán. Đồng thời, công ty cũng đề nghị HUDS hai phương án xử lý ô nhiễm nước hồ nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Việc thu gom rác thải vẫn được công ty thực hiện thường xuyên, tình trạng ô nhiễm môi trường và rác thải đã giảm hẳn nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí nào.
Trong khi đó lượng rác phát sinh hàng ngày do các nhà hàng, người dân xả xuống nhiều, nước hồ cũng ô nhiễm khiến cá chết bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân công ty vẫn phải tự bỏ kinh phí để thu gom, xử lý.
Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực hồ khu đô thị Văn Quán, HUDS cần kiểm tra khảo sát đánh giá đúng thực trạng tình trạng ô nhiễm nước hồ Văn Quán, đồng thời bàn giao cho một đơn vị chuyên nghiệp đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, vệ sinh môi trường và xử lý nước thải khu vực hồ, có cơ chế kinh phí rõ ràng, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc", biến một khu vực lý tưởng về môi trường trở nên ngày càng ô nhiễm./.