Quản lý kinh doanh qua biên giới không tốt sẽ dẫn đến bất bình đẳng

Bên cạnh việc tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, bền vững, các cơ quan chức năng cần chú trọng vấn đề an toàn thông tin và kinh doanh qua mạng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thị trường công nghệ thông tin-truyền thông ở Việt Nam còn rất lớn. (Ảnh: M.Q/Vietnam+)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam 2017 sáng 18/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, bên cạnh việc tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, bền vững, các cơ quan chức năng cần chú trọng vấn đề an toàn thông tin và kinh doanh qua biên giới.

Tạo môi trường thông thoáng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, công nghệ thông tin-truyền thông đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Việt Nam đang ở thời kỳ của dân số vàng với trên 60% dân số dưới 35 tuổi và cứ 100 người có 52 người sử dụng Internet.

“Tại Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp, Chính phủ đặt mục tiêu tới 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Chúng ta không kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp làm công nghệ thông tin và truyền thông nhưng chúng ta muốn rằng đầu tư vào công nghệ thông tin sẽ giúp đầu tư vào các ngành khác, giúp các doanh nghiệp khác cùng sử dụng lợi ích của công nghệ đem lại để giúp cho nền kinh tế phát triển hiệu quả hơn,” Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là tăng năng suất lao động quốc gia. Có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra phải làm những gì, nhưng cốt tử nhất là phải chuyển dịch lao động. Hiện chúng ta có 40% lao động còn làm nông nghiệp, vì đất chật người đông nên lao động nông nhàn còn nhiều. Như vậy, phải tạo ra công ăn việc làm mới cho những người ở nông thôn làm công nghiệp, làm dịch vụ.

Bên cạnh đó, phải làm sao để mọi lĩnh vực công nghệ mới được áp dụng, nhân lực được đào tốt hơn. Phó Thủ tướng cho rằng để làm được ba điều đó thì công nghệ thông tin và truyền thông là “niềm hy vọng rất lớn.”

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại các quy định đề tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khi tạo ra môi trường thông thoáng thì phải bền vững. Trong đó, vấn đề cần phải quan tâm là an toàn thông tin và kinh doanh qua biên giới.

Nhiều doanh nghiệp như VNPT, VTC, VNPT đã trình diễn những công nghệ mới, thu hút khách thăm quan. (Ảnh: M.Q/Vietnam+)

Theo Phó Thủ tướng, kinh doanh dịch vụ qua biên giới là xu thế, là lợi thế lớn của kinh tế số đem lại nhưng nếu không có môi trường quản lý tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng, thể hiện rõ nhất là thất thu thuế. Trong khi, đây là nguồn thu sẽ được dùng vào các công việc phúc lợi...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; cùng cộng đồng tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho đầu tư…


Lợi thế

Đưa ra một chỉ số, lãnh đạo Chính phủ cho rằng thị trường tại Việt Nam còn vô cùng lớn. Đó là việc trong khi trên thế giới thương mại điện tử chiếm gần 8% tổng doanh thu ngành bán lẻ thì con số này ở Việt Nam mới trên 3%.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng nhận định, Việt Nam đầu tư vào công nghệ thông tin so với các lĩnh vực công nghệ cơ bản khác không lớn nhưng hiệu quả và sự tác động nhanh chóng khiến đây là một trong những mục tiêu hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.

“Tôi có quan sát và thấy các nhà đầu tư, các cộng đồng công nghệ, các tổ chức hỗ trợ startup đều quan tâm đến thị trường công nghệ như mục tiêu mũi nhọn. Điều này thúc đẩy tôi cũng như các cán bộ đầu tư thời gian vào cùng hỗ trợ thúc đẩy và tháo gỡ các vướng mắc,” ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, có ba điểm lợi ích khi đầu tư vào công nghệ thông tin ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, đó chính là quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan chức năng với các chính sách ưu tiên về thuế, nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng. Thứ hai là nền kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh. Thứ ba là sự phát triển công nghệ nhanh, mạnh.

Doanh nghiệp của Hàn Quốc-Dasan Zhone Solutions với những công nghệ mới nhất. (Ảnh: M.Q/Vietnam+)

Theo ông Tuấn, đơn vị này đã và đang tập trung cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thông tin với các thế mạnh là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ với mức tăng trưởng mục tiêu đạt trung bình 15%/năm, để công nghiệp công nghệ thông tin trở thành mũi nhọn kinh tế số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ đẩy mạnh một số nội dung quan trọng để thúc đẩy hình thành kinh tế số, tận dụng tối đa ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như xúc tiến theo hướng tạo hệ sinh thái tương hỗ, kết nối nội lực của các đơn vị trong, ngoài nước và Chính phủ; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy nhân lực; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin với đơn vị hành chính sự nghiệp để chia sẻ, trao đổi thông tin…

“Nếu chúng ta đồng hành đầu tư vào công nghệ thông tin thì thời cơ bây giờ là rất thuận lợi. Nếu đủ tâm, đủ tầm và đủ quyết tâm thì các nhà đầu tư sẽ thành công lớn và giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ phát triển và thu ngắn nhanh khoảng cách với các nước trên thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin,” ông Tuấn chốt lại./.

Trải nghiệm công nghệ dùng ZaloPay để thanh toán khi mua hàng bằng máy bán tự động. (Ảnh: M.Q/Vietnam+)

“Khoe” nhiều công nghệ mới


Với chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số,” Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông thu hút hơn 500 đại biểu tham dự.

Cùng với diễn đàn, nhiều doanh nghiệp ICT cũng đem đến các giải pháp công nghệ mới như VNPT với smart city, ứng dụng du lịch thông minh, MyEnglish, nông nghiệp thông minh…

Đặc biệt, gian hàng của VNG đã thu hút đông đảo người xem với loạt sản phẩm đón bắt xu hướng thanh toán điện tử do chính đơn vị này nghiên cứu như ZaloPay (thanh toán qua QR code) cho các máy bán hàng dựa trên QR code (mô hình này sắp được áp dụng thử nghiệm tại chuỗi nhà hàng Pizza Domino).

Cùng lúc, các gian hàng của địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa… cũng sẽ giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin-truyền thông của mình.

Hội nghị cũng diễn ra phiên kết nối với sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, địa phương để trao đổi về các giải pháp công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện doanh nghiệp công nghệ thông tin chỉ chiếm 4% trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp Việt.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục