Quản lý hay cấm thuốc lá mới: Xét từ khía cạnh kinh tế

Các đại biểu đồng thuận thuốc lá nung nóng nên được nhìn nhận và kiểm soát nghiêm ngặt như đối với thuốc lá truyền thống nhằm cân bằng lợi ích các bên gồm người dùng, cộng đồng và ngân sách Nhà nước.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội phát biểu.

Tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 24/9, các chuyên gia, đại diện bộ ngành một lần nữa đặt lên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ của chính sách cấm hoặc quản lý thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Xét thuần túy ở khía cạnh kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội nhấn mạnh: "Chúng ta phải lấy tổng được, trừ tổng mất để ra hiệu số. Nếu tổng được càng lớn, chúng ta càng ủng hộ.”

Tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau trong chính sách quản lý thuốc lá mới

Đánh giá về tác hại của thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, các đại biểu tại tọa đàm nhất trí rằng dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá mới thì vẫn phải phòng chống tác hại bằng thể chế và hệ thống thực thi.

Do đó, thuốc lá mới nào đang có mặt trên thị trường dễ xác định là thuốc lá, như thuốc lá nung nóng, thì cần được kiểm soát bằng luật đang áp dụng cho thuốc lá truyền thống để tránh hệ lụy cho xã hội, Nhà nước và ngăn chặn nạn “hút trộm,” dùng hàng lậu...

Ông Phong cũng nhấn mạnh việc đưa ra quyết sách quản lý cần dựa trên kết luận đánh giá về thuốc lá mới từ các tổ chức quốc tế có uy tín, hướng tới phương án lựa chọn sản phẩm có tiềm năng ít gây hại hơn.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, “Việc xây dựng chính sách nên tham khảo số đông các quốc gia đang áp dụng.” Đây chính là lợi thế người đi sau mà Việt Nam có thể tận dụng.

Từ góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự phổ biến của thuốc lá nung nóng trên thế giới cho thấy sản phẩm này là giải pháp hơn là vấn nạn như nhiều định kiến hiện nay.

Bởi thực tế có 184 quốc gia không cấm thuốc lá nung nóng; và trong số 11 nước cấm, chỉ có Singapore, Australia là nước phát triển, còn lại là các quốc gia có thu nhập trung bình, thấp. Trong khi đó, các nước thuộc khối G7 cũng đều đã hợp pháp hóa thuốc lá nung nóng từ rất sớm.

Góc nhìn chuyên gia về lợi ích đa chiều trong kiểm soát thuốc lá mới

Nêu ra lợi ích đa chiều của việc quản lý thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, các đại biểu tại tọa đàm phân tích việc hợp pháp hóa giải quyết vấn đề thu thuế, trong khi lệnh cấm không chỉ gây hại cho Chính phủ thất thu thuế mà còn phải chi ngân sách cho việc phòng chống buôn lậu.

“Đây là thiệt hại kép,” ông Phong nhấn mạnh.

Tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức gần đây, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nói: “Thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, giúp tăng ngân sách Nhà nước. Ước tính, nếu thuế thuốc lá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giảm từ 5-8%.”

Có thể thấy, cần cân nhắc giữa việc cấm và hệ lụy đi kèm là “thất thu, bù chi,” hoặc quản lý để dùng thuế làm công cụ giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá.

Đồng thời, dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc đưa ra chế tài luật pháp cho một sản phẩm tiêu dùng đã xuất hiện phổ biến trên thị trường sẽ khẳng định tầm nhìn, năng lực, trách nhiệm, khả năng quản lý hiệu quả của Nhà nước.

Dù các đại biểu cũng đồng quan điểm cùng Bộ Y tế ở góc độ cần bảo vệ sức khỏe cộng đồng bởi một xã hội không thuốc lá là điều tốt đẹp nhất, làm giảm gánh nặng cho ngành y tế, nhưng điều kiện lý tưởng này là bất khả thi.

Một số nước áp dụng lệnh cấm cũng đang gặp nhiều vấn đề cần xem xét lại. Như Thái Lan đã thành lập một Ủy ban Đặc biệt nhằm đánh giá lại hiệu quả của 10 năm áp dụng lệnh cấm để đề xuất cải cách.

Kết quả, hai trong ba phương án mới đang được đề xuất là quản lý riêng thuốc lá nung nóng, hoặc quản lý cả thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác.

Trong khi đó, tại một số nước áp dụng chính sách quản lý thuốc lá mới, tỷ lệ hút thuốc lá truyền thống lại giảm đáng kể. Ví dụ như tại Nhật Bản, tỷ lệ hút thuốc lá điếu hiện đã giảm từ 20,7% xuống còn 10%, do người dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá nung nóng (4,6%).

Khảo sát quốc gia Nhật Bản về tình hình sử dụng thuốc lá (tháng 8/2024). (Nguồn: mhlw.go.jp)

Từ thực tiễn, các đại biểu đồng thuận thuốc lá nung nóng nên được nhìn nhận và kiểm soát nghiêm ngặt như đối với thuốc lá truyền thống, nhằm cân bằng lợi ích các bên, gồm người dùng, cộng đồng và ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào Luật Đầu tư, Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP điều chỉnh các loại thuốc lá mới được định danh là sản phẩm thuốc lá để mặt hàng này chịu kiểm soát bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các luật liên quan.

Theo các đại biểu, luật và văn bản dưới luật của Việt Nam đã được kiện toàn và chặt chẽ đủ để ngăn chặn và phòng ngừa tác hại của thuốc lá, đối với cả thuốc lá truyền thống hay thuốc lá nung nóng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục