Quản lý dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber, Grab tại Đông Nam Á

Singapore quy định các lái xe tư nhân hợp tác với Grab, Uber cần phải có giấy phép hành nghề; toàn bộ xe đều phải dán các đề can do Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) cấp từ giữa năm 2017.
Quản lý dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber, Grab tại Đông Nam Á ảnh 1Một khách hàng sử dụng điện thoại di động để gọi dịch vụ xe của Uber . (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không ai có thể phủ nhận là các dịch vụ đặt xe trực tuyến đem tới nhiều ích lợi cho các bên liên quan, song việc quản lý loại hình này như thế nào lại là một bài toán khó.

Một số nước đã có những bước tiến ban đầu trong việc quản lý Grab, đang dẫn đầu thị trường dịch vụ đặt xe trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.

Đảo quốc Singapore nổi tiếng là nước có chi phí sở hữu xe riêng đắt đỏ vào loại bậc nhất trên thế giới. Hạn chế xe tư nhân, đồng thời phát triển các loại hình xe taxi cũng như phương tiện vận chuyển công cộng được chính phủ nước này quán triệt ngay từ những ngày đầu phát triển. Đây là lý do Singapore sớm chấp nhận dịch vụ đặt xe trực tuyến và các dịch vụ tương tự.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung được Quốc hội Singapore thông qua từ tháng 2/2017 quy định các lái xe tư nhân hợp tác với Grab cũng như Uber cần phải có giấy phép hành nghề, mà theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ng Chee Meng là để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách một cách an toàn. Luật mới quy định “để nhận dạng xe, toàn bộ xe của người hợp tác với Grab, Uber…, đều phải dán các đề can do Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) cấp từ giữa năm 2017."

Quy định hiện hành của Singapore cũng yêu cầu các loại xe này phải được cấp phép là phương tiện phục vụ dịch vụ công cộng, phải có bảo hiểm đầy đủ cũng như trang bị xe đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nếu không sẽ bị phạt hành chính thậm chí bị ngồi tù.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung trao quyền cho LTA công bố hoặc thực thi các quy định khác như bắt buộc các công ty khai thác dịch vụ cung cấp cho cơ quan chức năng dữ liệu liên quan tới chuyến đi, dữ liệu về xe để hoạch định, điều tra giao thông khi cần. Những nhà khai thác vi phạm có thể bị phạt lên tới 10.000 đôla Singapore-SGD (7.300 USD)/một lần.

Cục Đăng kiểm Singapore có quyền đình chỉ toàn bộ đối với nhà khai thác (đồng nghĩa cấm toàn bộ tài xế của một nhà khai thác), nếu công ty này vi phạm từ ba tội nghiêm trọng trở lên trong vòng 12 tháng. Nếu tài xế tiếp tục điều khiển phương tiện trong thời gian bị đình chỉ sẽ bị phạt 2.000 SGD hoặc bị phạt tù tới sáu tháng hoặc cả hai, tùy thuộc vào số lần phạm lỗi. Cùng với đó, giấy phép hành nghề của họ cũng bị đình chỉ hoặc thu hồi. Những quy định “ngặt nghèo” của Singapore nhận được sự phối hợp thực hiện của Grab cùng các nhà khai thác dịch vụ khác.

[Uber, Grab từ chối trả lời mọi câu hỏi về yêu cầu giảm mức chiết khấu]

Nước láng giềng Malaysia hợp pháp hóa dịch vụ gọi đặt xe trên điện thoại và đưa ra các quy định cụ thể để quản lý loại hình này. Quốc hội Malaysia ngày 27/7/2017 thông qua hai dự luật sửa đổi bổ sung về Luật Giao thông công cộng Đường bộ và Luật Cấp giấy phép cho các Xe cộ thương mại (CVLB). Ủy ban Công cộng Đường bộ Malaysia (SPAD) là đơn vị giám sát và đưa ra quy định để quản lý dịch vụ đặt xe.

SPAD giám sát việc đổi/cấp mới, thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép và cấm chuyển nhượng giấy phép. SPAD cũng quy định nội dung, hình thức của thỏa thuận thuê-mua hoặc thỏa thuận giữa các nhà khai thác dịch vụ được cấp phép và tài xế.

Về vấn đề an toàn, SPAD phối hợp cùng cảnh sát, Cục Giao thông Đường bộ Malaysia (RTD) giám sát chặt chẽ các vi phạm kỷ luật của tài xế tham gia dịch vụ. Malaysia còn quy định mỗi tài xế phải có một Thẻ tài xế số ghi đầy đủ các thông tin chi tiết về họ. Để có thẻ này, tài xế phải có bằng lái xe chuẩn (CDL), tham gia đào tạo định hướng dịch vụ khách hàng, vượt qua yêu cầu kiểm tra sức khỏe, không có tiền án tiền sự… Tài xế cũng phải đưa xe đi kiểm định định kỳ sau ba năm kể từ ngày đăng ký với RTD.

Giới chức Malaysia ngày 31/3/2017 làm rõ thuế thu nhập cá nhân áp dụng với các tài xế thỏa thuận hợp tác với dịch vụ Grab và Uber tương tự mức thuế áp dụng với cá nhân kinh doanh. Loại thuế này được tính dựa trên thu nhập ròng từ hoạt động Grab, Uber, và các thu nhập khác, trong đó có tiền thù lao hằng tháng tài xế nhận từ đơn vị chủ quản. Các tài xế được quyền trừ các chi phí như nhiên liệu, lệ phí cầu đường, chi phí quảng bá, chi phí sửa chữa, bảo trì xe…

Tại Philippines, dịch vụ đặt gọi xe như Grab và Uber được coi là Công ty Mạng lưới Vận tải (TNC) dựa trên phân loại vận tải mới được chính phủ ban hành vào tháng 5/2015.

Các phương tiện hoạt động cho Grab, Uber và các dịch vụ tương tự là một phần của Dịch vụ Phương tiện giao thông trong Mạng lưới Vận tải (TNVS). Ủy ban Quản lý và Nhượng quyền Giao thông Đường bộ Philippines (LTFRB) phụ trách việc cấp giấy phép cho các tài xế TNVS: Quyền (lái xe) tạm thời có hiệu lực trong 45 ngày, và nhượng quyền Chứng nhận Thuận tiện Công cộng (CPC), có hiệu lực trên một năm và được gia hạn. Quyền (lái xe) tạm thời được cấp cho các tài xế trong thời gian họ chờ được chấp thuận CPC, có thể được gia hạn nhiều lần cho tới khi được cấp CPC.

Còn đối với dịch vụ đặt xe trực tuyến tại Indonesia, các tài xế hợp tác phải có giấy phép (KIR) và xe được dán nhãn đặc biệt. Dịch vụ đặt xe tại Indonesia chỉ được phép đưa vào hoạt động một số lượng ôtô nhất định, phải nộp thuế và tuân thủ quy định về chi phí sàn và trần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục