Nếu như trước đây, Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông (Tiền Giang) chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân, làm việc theo phương thức thủ công… thì gần đây, tình trạng này dần được đẩy lùi nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện.
Thông tin trên được lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông đưa trong buổi Hội nghị báo cáo và giới thiệu các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ ngành y tế vào ngày 10/4 tại Gò Công Đông, Tiền Giang.
Theo Bác sĩ Lê Duy Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông, trước đây, công tác khám chữa bệnh tại đơn vị này thực hiện bằng thủ công. Các khoa, phòng làm việc riêng lẻ không theo hệ thống nhất định nên có những công việc chưa theo dõi kịp thời trong việc kiểm tra, giám sát và điều hành.
Bên cạnh đó, việc chưa áp dụng công nghệ thông tin trong công việc khiến năng suất lao động không cao, tốn nhiều nhân sự. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ của người dân, phải chi phí nhiều khoản cho công việc khi làm thủ công.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng phần mềm Quản lý Bệnh viện qua mạng (HIS) do VNPT Tiền Giang triển khai từ tháng 5/2014, tình trạng trên đã được khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gò Công Đông nói, nếu như trước đây, bệnh nhân đến khám sẽ phải nhận số thứ tự và chờ đến lượt khám. Sau đó, điều dưỡng gọi tên, kiểm tra (thuốc khám lần trước, thời gian sử dụng thẻ bảo hiểm y tế); bác sĩ thăm khám, thực hiện lâm sàng (nếu có), kê toa; bệnh nhân đến bàn nhận bệnh vào sổ, đến quầy nhận thuốc… thì nay, mọi việc đã được rút gọn.
Theo đó, bệnh nhân đến khám sẽ được lưu thông tin hành chính, mã thẻ bảo hiểm y tế, các đơn thuốc khám lần trước, được gọi tên qua hệ thống gọi số tự động; bác sĩ kê toa trên máy tính với chữ viết rõ ràng…
Về phía đơn vị kỹ thuật, đại diện của VNPT cho biết, HIS được phát triển theo mô hình mới dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Giải pháp này cho phép quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, xuyên suốt toàn hệ thống. Các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám có thể kế thừa dữ liệu bệnh án của bệnh nhân giúp quá trình khám, điều trị cho người bệnh được hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng đăng ký khám bệnh từ xa qua điện thoại, giúp ngành bảo hiểm xã hội thẩm định, quản lý hồ sơ thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tập trung. Cùng lúc, hệ thống y bạ điện tử do VNPT triển khai kết nối với hệ thống HIS sẽ giúp bệnh nhân đặt lịch khám mọi nơi, theo dõi thứ tự khám, nhắc lịch khám, thông báo kết quả xét nghiệm, cảnh báo uống thuốc, tìm bệnh viện, hiệu thuốc gần nhất…
Cả bà Hạnh và ông Hải đều cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện là hết sức cần thiết để cải cách hành chính và công tác quản lý, điều hành khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả công việc, giảm chi phí và tránh thất thoát.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ giúp lưu trữ dài lâu, chính xác và thuận tiện khi tra cứu để đảm bảo công tác thống kê, báo cáo chuyên môn cũng như minh bạch thông tin tài chính trong khám và điều trị…
Tại Hội nghị, Giáo sư, tiến sĩ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá vai trò quan trọng của công nghệ với việc vận hành xã hội và đặc biệt là trong ngành y tế.
Đánh giá cách tiếp cận của VNPT khá phù hợp, ông Cường nói cái khó nhất trong việc ứng dụng công nghệ trong các bệnh viện là sự thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen làm việc chứ không phải vấn đề công nghệ.
Ông Cường cũng đề nghị các bên cần quan tấm tới vấn đề bảo mật thông tin cho khách hàng và đề nghị phía VNPT làm tốt việc triển khai, tạo tiếng vang để phần mềm của đơn vị này sẽ được nhân rộng tới các bệnh viện khác, giúp công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tốt hơn.
Đại diện VNPT Tiền Giang cho hay, phần mềm này đã được triển khai tại 3 bệnh viện đa khoa gồm Cái Bè, Gò Công Đông, Mỹ Phước Tây, Bệnh viên Tâm thần Tiền Giang, 5 Trung tâm y tế và 72 trạm y tế phường, xã (dự kiến hết quý 2 sẽ triển khai đến 173/173 trạm y tế xã, phường)./.