Quận Hoàng Mai: Vùng đất ven đô đan xen giữa quá khứ và hiện tại

Cũng như những vùng đất trù phú có cư dân sinh sống lâu đời, quận Hoàng Mai là một kho tàng chứa đựng những di tịch lịch sử, những huyền sử, truyền thuyết được lưu giữ qua hàng ngàn năm.
Một góc khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Một góc khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Quận Hoàng Mai phía Bắc giáp quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, phía Tây và Nam giáp huyện Thanh Trì, phía Đông giáp sông Hồng-quận Long Biên. Trải rộng từ Đông sang Tây, được chia làm 3 phần tương đối đều nhau bởi đường Giải Phóng, Tam Trinh (theo trục Bắc-Nam).

Lịch sử hình thành và phát triển

Hoàng Mai xưa kia là một vùng quê rộng lớn với xóm làng, đồng ruộng, ao hồ. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả gọi là quả mơ (mai tiếng Hán có nghĩa là mơ). Vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ và tên chữ là Cổ Mai.

Năm 1390, tướng Trần Khát Chân lập công lớn bắn chết Chế Bồng Nga trên sông Hải Triều (sông Luộc) cứu thành Thăng Long khỏi bị quân Chiêm tàn phá. Ghi nhớ công ơn của vị tướng trẻ tài ba, vua Trần Thuận Tông đã lấy ấp Cổ Mai phong thưởng cho Trần Khát Chân và Trần Hãng.

Trải qua nhiều năm thăng trầm, những người dân sống ở các làng Tương Mai, Khuyến Lương, Yên Duyên vẫn thờ Trần Khát Chân làm Thành Hoàng làng, như một chứng tích của lịch sử hàng trăm năm dựng nước giữ nước.

Theo bản đồ tỉnh thành Hà Nội, vẽ năm 1831, ở phía Nam kinh thành còn có các cửa ô Kim Hoa, ô Yên Ninh, ô Thanh Lãng… thuộc huyện Vĩnh Thuận, đó là vành đai bắt đầu của Cổ Mai, tiếp giáp với huyện Thọ Xuân nội thành.

Ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/NĐ-CP về việc về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Theo Nghị định, quận Hoàng Mai gồm 14 phường là Hoàng Liệt, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ.

Văn hóa, di tích, danh thắng

Cũng như những vùng đất trù phú có cư dân sinh sống lâu đời, quận Hoàng Mai là một kho tàng chứa đựng những di tịch lịch sử, những huyền sử, truyền thuyết được lưu giữ qua hàng ngàn năm.

Ở làng Mai Động có đình thờ Tam Trinh, vị tướng, nhà giáo và còn truyền dạy nghề đấu vật cho thanh niên. Vào những năm 40-43 tướng Tam Trinh cũng nghĩa quân đã cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi tướng giặc đô hộ Tô Định tàn bạo.

Ở vùng quanh đầm Đại Từ, cả 7 làng (thuộc phường Đại Kim, Hoàng Liệt) đều có đền thờ Bỏ Ninh Vương, học trò Thủy Thần của Chu Văn An, người đã nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo và truyền thống thương dân.

Chùa Tương Mai và đình Tương Mai thờ Trần Khát Chân, danh tướng thời Trần có công đánh giặc cứu nước. Đình làng Hoàng Mai thờ tướng Trần Hương, còn gọi là Trần Hãng, là em của danh tướng Trần Khát Chân.

Quận Hoàng Mai: Vùng đất ven đô đan xen giữa quá khứ và hiện tại ảnh 1Tuyến đường Vành đai 3 trên cao đi qua bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tại làng Hoàng Mai còn có ngôi chùa Nga My nổi tiếng, bia ký còn ghi lại chùa này do Lý Đạo Thành cho xây dựng từ thời Lý. Đền Lừ ở làng Hoàng Mai, xưa thuộc bến Lư Giang, nên dân gọi nôm là Đền Lừ.

Trong đền vẫn còn tấm bia đá “Dịch Lư kiều bi ký” do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đỗ khoa Đinh Sửu (1637) ghi. Đền Lừ thờ hai tùy tướng của Trần Khát Chân là Phạm Thổ Tu và Phạm Ngưu Tất, cũng là những người cai quản hương Cổ Mai xưa.

Bên cạnh Đền Lừ còn có đền thờ đức Trần Hưng Đạo mà dân Hoàng Mai kính trọng gọi lễ hội đền này là ngày Giỗ Cha vào tháng Tám âm lịch.

Đặc biệt ở làng Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, phố Khuyến Lương, quận Hoàng Mai hiện còn có đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tương truyền ngày xưa hai người dạy học ở đây. Đền mới được khôi phục năm 1999-2004.

Hoàng Mai còn là nơi khởi điểm của nhiều nghề truyền thống như nghề làm quạt ở làng Lủ, nghề dát bạc ở làng Giáp Lục, nghề kim hoàn ở phường Định Công. Tại Định Công hiện có đền thờ ba anh em họ Trần là Tổ của nghề kim hoàn Việt Nam.

Hoàng Mai còn là nơi khởi nguồn của những món ăn ngon sau này trở thành đặc sản nổi tiếng đất Hà Thành như bánh cuốn Thanh Trì, rượu Hoàng Mai, bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân... được mà dân gian xưa vẫn nói“Rượu làng Mơ/ Cờ Mộ Trạch” hay “Rượu làng Mơ/ Thơ Kẻ Lủ.”

Hoàng Mai hôm nay

Cũng như những quận mới thành lập từ những vùng ven đô, Hoàng Mai có tốc độ đô thị hóa nhanh, với những tuyến đường giao thông quan trọng đi qua Quốc lộ 1A, 1B, đường vành đai 3, cầu Thanh Trì, đường vành đai 2,5 và đường thủy sông Hồng nối mạch giao thông giữa Hoàng Mai với các tỉnh phía Bắc, phía Tây và phía Nam.

Tuy nhiên, với địa hình rộng lớn cùng những cụm dân cư từ quá lâu đời, Hoàng Mai là khu vực có nhiều đường tắt, lối ngõ, đường quanh co, đặc biệt ở những khu vực ven sông Kim Ngưu. Mật độ dân cư đông đúc cũng đã khiến khu vực này càng trở nên sầm uất, nhộn nhịp.

Hoàng Mai là nơi có nhiều tuyến đường quan trọng đi qua như đường Vành đai 2, Vành đai 3. Nơi đây cũng có các bến xe, trạm trung chuyển quan trọng để người dân ra vào Hà Nội như Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước ngầm.

Quận Hoàng Mai: Vùng đất ven đô đan xen giữa quá khứ và hiện tại ảnh 2Bánh cuốn Thanh Trì của Hà Nội với hương vị tự nhiên được lưu truyền bao đời nay, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Thủ đô. Đây là loại bánh cuốn không nhân, tráng mỏng, được ăn kèm với chả quế. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hoàng Mai cũng là nơi có hàng loạt khu đô thị như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Đền Lừ, Kim Văn-Kim Lũ, Vĩnh Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Ao Sao, Thịnh Liệt, Đại Kim-Định Công… cùng hàng loạt chung cư trên đường Lĩnh Nam, đường Tam Trinh, đường Pháp Vân, đường Nghiêm Xuân Yên…

Trong đó, khu đô thị Linh Đàm là một trong những khu đô thị đầu tiên của Hà Nội, với mật độ dân cư cực kỳ đông đúc, tấp nập, lâu dài đã tạo nên một nếp sống riêng của “cư dân chung cư,” khác biệt với cuộc sống tại các khu tập thể, hay các căn hộ riêng của những người dân Hà Nội thời đó.

“Phố nghĩa địa”

Đặc biệt, Hoàng Mai cũng có một “phố nghĩa địa” độc nhất vô nhị, đó là phố Giáp Nhị, nơi có vô số những ngôi mộ nằm rải rác trong những khu nhà.

Những ngôi mộ được chôn cất từ thời Giáp Nhị còn là đồng ruộng. Trải qua hàng chục, hàng trăm năm, làng lên thành phố, những ngôi nhà lần lượt được xây dựng trên các khu đất trống.

Vì nhiều yếu tố, những ngôi mộ không được di dời mà thay vào đó, được bao bọc bởi những ngôi nhà, nằm cạnh, nằm trước cổng, thậm chí ở trong khuôn viên của các ngôi nhà.

Hình ảnh ấy có thể khiến những người nơi khác cảm thấy lạ lẫm, thậm chí sợ hãi, nhưng cuộc sống của những người dân nơi dây vẫn bình thường, bởi hầu như người nằm trong mộ đều là tổ tiên, ông bà của mình.

Những thế hệ con cháu tiếp tục sinh sống ở Giáp Nhị sau này còn nâng cấp, xây dựng để mộ của tổ tiên trở nên vững chãi, đẹp đẽ hơn, khiến phố nghĩa địa không hoang vu, lạnh lẽo mà rất đông vui, âm áp.

Công viên Yên Sở

Công viên Yên Sở có tổng diện tích 323ha nằm trong tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao Gamuda Gardens.

Có tới 280ha là hồ nước và cây xanh, công viên Yên Sở được ví như lá phổi xanh phía Nam cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội.

Công viên được nhiều người dân, học sinh, sinh viên lựa chọn làm nơi dã ngoại, làm địa điểm chụp ảnh kỷ yếu, hay các hoạt động tập thể quy mô lớn.

Bánh cuốn Thanh Trì

Trong khi bánh cuốn nhân thịt là đặc sản có mặt ở rất nhiều tình thành miền Bắc Hà Nội, thì bánh cuốn Thanh Trì lại là thứ bánh chỉ của riêng Hà Nội.

Món bánh này được cho là xuất hiện từ thời Hùng Vương, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những người dân làng Thanh Trì đã xây dựng nên cả một làng nghề sầm uất.

Bánh được làm từ bột gạo xay, tráng bằng tay trên khuôn hấp nóng, để những tấm bánh dẻo dai, mềm mà không nát, xếp lên nhau không dính, nhưng không phải là xêp lớp như bánh đa, bánh phở thông thường mà đặt sao cho bánh tại thành những nếp gấp, đường nhăn đẹp mắt.

Từ 80 năm trước, nhà văn Thạch Lam đã viết về loại bánh cuốn này . “Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa Vị bánh thơm bột mịn và dẻọ Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành...”

Đến nay, bánh cuốn Thanh Trì đã có mặt ở khắp Hà Nội và nhiều tỉnh thành, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là bánh cuốn Bà Hoành trên phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.

Bún Tứ Kỳ

Hà Nội có nhiều loại bún, có nhiều làng nghề làm bún, trong đó có bún Tứ Kỳ.

Ca dao cổ có câu: "Bún ngon bún mát Tứ Kỳ/Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa." Đó là bởi bún Tứ Kỳ lại gắn bó đặc biệt với một loại bún ốc chỉ thấy có ở riêng Hà Nội, bún ốc nguội.

Món ăn này được ăn kèm với bún đồng xu, những vắt bún nhỏ nhỏ, tròn tròn như đồng xu thể hiện bàn tay khéo léo của những người thợ. Người ăn gắp từng vắt bún nhỏ trắng muốt bày trên những tấm lá chuối xanh mát, chấm vào nước dùng chua chua ngọt ngọt thanh thanh, ăn cùng những con ốc giòn giòn sừn sựt.

Cho dù ngày nay, bún đồng xu không còn là thương hiệu riêng của Tứ Kỳ nữa, thì vẫn còn đâu đó những người mẹ, người chị Tứ Kỳ với gánh bún trắng muốt tinh khôi đang len lỏi bán trong những khu chợ cổ tấp nập của Hà Nội.

Quận Hoàn Kiếm

Quận Ba Đình

Quận Đống Đa

Quận Hai Bà Trưng

Quận Tây Hồ

Quận Thanh Xuân

Quận Cầu Giấy

Quận Long Biên

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục