Quận Hoàn Kiếm kiến nghị tạm dừng hoạt động phố đi bộ từ ngày 5/2

Do dịch bệnh nên Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã không tổ chức Khai mạc chợ hoa Tết Hàng Lược. Đối với không gian phố đi bộ, quận kiến nghị từ ngày 5/2 sẽ tạm dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 3/2. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tạm dừng nhiều sự kiện để đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Nhiều F1 có kết quả âm tính

Thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 do thành phố Hà Nội tổ chức chiều 3/2, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 1/2 đến 14 giờ ngày 3/2, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Cụ thể, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, bệnh nhân mới là T.N.M (sinh năm 1970), trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Bệnh nhân là F1 của BN1814 (về từ Hải Dương). Đến nay, đã xác minh được 20 trường hợp F1 (đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm). Kết quả có 20/20 mẫu âm tính lần 1.

Mới nhất, BN1883 N.A.S (sinh năm 1976), trú tại 601 N03 Lạc Trung, Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng là công chứng viên, F1 của BN1814.

[Trước 4/2 phải có kết quả xét nghiệm các trường hợp F1]

Với trường hợp này, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết đến nay cơ quan chức năng đã xác minh được 57 trường hợp F1 (đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm).

“Kết quả có 28/57 mẫu âm tính lần 1, còn 29 mẫu vừa được các đơn vị lấy và chuyển gửi lên CDC nên chưa có kết quả. Các đơn vị y tế đã khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý dịch, phun khử trùng tại tất cả các địa điểm có liên quan tới ca bệnh,” ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.

Như vậy, cùng với 2 ca trên, từ ngày 27/1 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca mắc tại cộng đồng; trong đó quận Nam Từ Liêm (10 người); Đông Anh (4 người); Cầu Giấy (3 người); Mê Linh (2 người); Hai Bà Trưng (2 người). Đã xác minh được 757 trường hợp F1, tất cả đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả có 17 mẫu dương tính; 711 mẫu âm tính lần 1; còn 29 đang chạy xét nghiệm.

Ngoài số F1 như trên đã điều tra được 6.013 trường hợp F2 đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đúng quy định.

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, tổng số người về từ Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1/1 và người về từ khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh (từ ngày 5/1) là 17.844 người, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm. Đã có kết quả 17.502 người trong đó có 4 mẫu dương tính; 17.498 mẫu âm tính; còn lại 342 mẫu mới lấy trong ngày đang tiếp tục được chạy xét nghiệm.

Liên quan đến BN1883 N.A.S, trú tại 601 N03 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, theo bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, sau khi nhận thông tin về ca dương tính trên, quận Hà Đông đã phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội để truy vết, lập danh sách những người có mặt tại hội nghị ngày 28/1 gồm 114 người; lấy mẫu xét nghiệm cũng như thực hiện các biện pháp phun khử khuẩn tại các khu vực liên quan.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận cũng cho biết trong chiều ngày 3/2 đã hoàn thành lấy mẫu hơn 200 trường hợp tại toà nhà N03 và triển khai việc phòng chống dịch bệnh, phun khử khuẩn, tiến hành truy vết những người tiếp xúc gần.

Liên quan đến tòa nhà có ca nhiễm tại khu Time City, quận Hai Bà Trưng đã  xác định thêm 1 trường hợp tiếp xúc gần và đưa vào khu cách ly cũng như thực hiện các biện pháp y tế.

“Tại 2 chung cư này, quận đã lập 2 lớp để kiểm soát việc cách ly với sự hỗ trợ của các lực lượng công an, y tế, dân phòng. Song dịch còn diễn biến phức tạp nên quận rất cần hỗ trợ của thành phố và các cơ quan chuyên môn,” đại diện quận Hai Bà Trưng kiến nghị.

Tăng cường xử phạt các vi phạm

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, các quận huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các nơi công cộng, chợ hoa, chợ dân sinh, các siêu thị; đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, quận đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng đó, lãnh đạo quận tăng cường kiểm tra cơ sở trên địa bàn trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm còn tăng cường các xe lưu động tuyên truyền quanh khu vực chợ hoa, phố đi bộ, các phòng khám tư nhân… nhằm nâng cao ý thức người dân.

Đối với các trường học, cơ quan chuyên môn đã thực hiện phun khử khuẩn lớp học, theo dõi sức khỏe các giáo viên và thường xuyên liên hệ phụ huynh để theo dõi sức khoẻ các học sinh, việc này cũng nhằm phối hợp truy vết nếu dịch xảy ra.

Đáng chú ý, do dịch bệnh nên Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm sẽ không tổ chức Khai mạc chợ hoa Tết Hàng Lược. Còn tại khu vực diễn ra hoạt động mua bán hoa, cây cảnh đã tiến hành lập chốt ở 2 đầu để kiểm soát phòng chống dịch đối với người dân đến chợ...

Đối với không gian phố đi bộ, quận kiến nghị từ ngày 5/2 sẽ tạm dừng hoạt động và hoạt động lại khi có chỉ đạo của thành phố.

"Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt hành chính, bên cạnh công tác tuyên truyền thì người dân đã ý thức và chấp hành tốt hơn việc đeo khẩu trang nơi công cộng,” lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, với 21 ca mắc, thành phố đã xác định rõ chuỗi lây bệnh và nếu tiếp tục khoanh vùng, truy vết sẽ kiểm soát tốt tình hình.

Ông Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm và yêu cầu từ khi phát hiện F0, tối đa trong 4 tiếng, mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1 phải chuyển về CDC, trong vòng 6 tiếng sau CDC phải trả kết quả cả âm tính và dương tính bởi nếu âm tính sẽ giải phóng được F2, giảm gánh nặng cho địa phương.

Lãnh đạo thành phố cũng nêu rõ: Quan điểm của thành phố về việc thực hiện phong tỏa không làm tràn lan mà cần dựa trên cơ sở khoa học và phân tích.

"Việc phong tỏa diện rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng người dân rất khổ. Phong tỏa rộng mà ở trong lỏng lẻo thì còn nguy hiểm hơn. Phải khoanh vùng phong tỏa chính xác, an toàn,” ông Chử Xuân Dũng nói.

Để chuẩn bị cho người dân phải đón tết trong khu cách ly, Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị rà soát các trường hợp cách ly để có thể chuyển về khu cách ly ở gần địa phương, giúp họ có thể an tâm và thuận tiện hơn cho việc cung ứng nhu yếu phẩm.

Về việc xử lý các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Dũng ghi nhận việc các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và yêu cầu phải công khai tên tuổi, đơn vị các trường hợp vi phạm bởi theo ông: "Đây là việc không mong muốn nhưng phải xử phạt nghiêm."

Phó Chủ tịch thành phố cũng đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải về việc xe buýt Hà Nội phải giảm 50% công suất, mỗi chuyến chỉ được chở không quá 20 khách để đảm bảo khoảng cách phòng dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục