Quan hệ Việt Nam và Italy đang trên đà phát triển tích cực

Trải qua hơn 45 năm, quan hệ Việt Nam-Italy vẫn đang trên đà phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và hợp tác địa phương.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Huy Thông/TTXVN)
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Huy Thông/TTXVN)

Nhân dịp Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sắp có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN-Italy lần thứ 3” tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5-6/6, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ về quan hệ Việt Nam-Italy cũng như quan hệ Italy-ASEAN.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đến Việt Nam và dự “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN-Italy lần thứ 3,” xin Đại sứ đánh giá mối quan hệ Việt Nam-Italy, triển vọng phát triển quan hệ hai nước, các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh để tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới?

 Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Trải qua hơn 45 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Italy vẫn đang trên đà phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và hợp tác địa phương.

Về chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao (các chuyến thăm Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2014, Chủ tịch nước Trần Đại Quang năm 2016, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình năm 2018; các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Matteo Renzi năm 2014, Tổng thống Sergio Mattarella năm 2015…

Các cơ chế hợp tác được duy trì, củng cố như Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế.

Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, ủng hộ lẫn nhau trên các tổ chức/diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, IPU...

Về kinh tế, trao đổi thương mại tăng vượt bậc, gấp 3 lần trong vòng 10 năm qua (từ 1,5 tỷ USD năm 2009 lên hơn 4,6 tỷ USD năm 2018). Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Italy tại ASEAN và ngược lại, Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch diễn ra sôi động. Số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Italy tăng nhanh và hiện đã có hơn 1.000 sinh viên theo học tại Italy dưới các hình thức khác nhau; khoa tiếng Italy của Đại học Hà Nội ngày càng thu hút được nhiều sinh viên Việt Nam.

Trong hai năm trở lại đây cũng đã có hơn 100 sinh viên Italy sang Việt Nam học tập. Năm 2018, số lượng du khách Italy đến Việt Nam lần đầu tiên đã đạt mốc 65.000 lượt khách.

Đây là cầu nối, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đưa hai nước xích lại gần nhau hơn, là nhân tố thúc đẩy hợp tác trên các mặt khác.

Giao lưu nhân dân ngày càng sôi động, nhất là qua hợp tác giữa các địa phương. Ngày càng có nhiều địa phương hai nước trao đổi, kết nối đối tác, hợp tác như Bình Dương với Vùng Emilia Romagna, Bà Rịa-Vũng Tàu với Vùng Veneto, Hà Nội với Lazio...

Lĩnh vực hợp tác đa dạng từ giáo dục đào tạo, quản lý môi trường, đô thị, thành phố thông minh đến nông nghiệp công nghệ cao…

Tuy nhiên, dư địa hợp tác trong quan hệ Việt Nam-Italy còn rất lớn và sẽ được khai thác tích cực trong thời gian tới nhờ các yếu tố sau:

Một là, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ những năm chiến tranh. Quyết tâm chính trị được nuôi dưỡng bởi sự quan tâm của cộng đồng người dân và lãnh đạo hai nước đã thúc đẩy quan hệ hai nước liên tục duy trì và phát triển.

Quan hệ chính trị ổn định tốt đẹp góp phần tạo thuận lợi lớn cho hợp tác trên các bình diện khác. Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Giuseppe Conte-  chuyến thăm cấp cao nhất của Italy trong vòng 5 năm trở lại đây-có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nối đà phát triển đó.

[Giới thiệu tiềm năng thị trường Việt Nam với doanh nghiệp Italy]

Hai là, tiềm lực phát triển của mỗi bên là rất lớn. Việt Nam - nền kinh tế đang trỗi dậy trong một khu vực kinh tế năng động - là thị trường có gần 100 triệu dân, với dân số trẻ tại châu Á và có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh.

Việt Nam còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Italy tiếp cận thị trường ASEAN và các thị trường khác thông qua các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Italy, thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) , là một nền kinh tế phát triển, có nhiều thế mạnh về công nghệ, máy móc, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, có thể đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của Việt Nam.

Với quy mô hơn 60 triệu dân, Italy là thị trường lớn, là cửa ngõ đường biển quan trọng để đưa hàng hóa vào châu Âu.

Nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau. Kinh tế hai nước đều dựa trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm.

Do đó, nền kinh tế Italy và Việt Nam không mang tính cạnh tranh mà chỉ mang tính hợp tác. Đây là lợi thế lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước.

Do vậy, tôi tin tưởng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại Italy thông qua việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, và ngày càng có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Italy thành công tại Việt Nam như Piaggio, Ariston, Bonfiglioli …, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

- Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN-Italy là một sự kiện quan trọng đối với cả Việt Nam và Italy trong bối cảnh vị thế của Việt Nam trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế đang ngày càng tăng. Đại sứ có thể đánh giá ý nghĩa của cuộc Đối thoại cấp cao ASEAN-Italy lần thứ ba? Liệu việc Italy, quốc gia có ảnh hưởng trong Liên minh châu Âu (EU), tăng cường quan hệ với ASEAN và Việt Nam có phải là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy để Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sớm được phê chuẩn và có hiệu lực, mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên? 

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ: Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á với vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... và đặc biệt là ASEAN.

ASEAN, với tư cách là một tổ chức khu vực, có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định, thịnh vượng khu vực và trên thế giới. ASEAN là thị trường có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân, các nền kinh tế đều năng động và tăng trưởng cao.

Năm 2018, có 4/10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới thuộc về các nước ASEAN. Các nền kinh tế mới như Lào, Campuchia, Myanmar đang chuyển mình tích cực, và là thị trường tiềm năng cho hàng hoá của EU nói chung và Italy nói riêng.

Có thể nói, những gì mà Italy đang cần thì tại các nước ASEAN đều có, đó là: lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp, thị trường tiêu thụ lớn, năng lực hấp thụ vốn và công nghệ cao, môi trường sản xuất tốt…

Ngoài việc đầu tư sản xuất để cung cấp cho thị trường ASEAN thì hàng hóa Italy còn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác với những ưu đãi lớn nhờ các Hiệp định thương mại tự do mà các nước ASEAN là thành viên.

Đối thoại cấp cao ASEAN-Italy về hợp tác kinh tế là diễn đàn quan trọng kết nối trực tiếp lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN và Italy.

Đối thoại lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hai lãnh đạo cấp cao hai nước. Sự quan tâm của công chúng, của cộng đồng doanh nghiệp đối với Đối thoại ngày càng gia tăng.

Đối thoại lần thứ hai năm 2018 tại Singapore đã thu hút hơn 300 đại biểu trong 60 lĩnh vực ngành hàng của 22 nước tham dự, gấp rưỡi so với năm 2017.

Năm 2019, chỉ riêng Italy đã có hơn 100 doanh nghiệp với 200 đại biểu đăng ký tham dự sự kiện. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Italy đối với thị trường ASEAN.

Qua đối thoại, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Italy sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích hợp tác đầu tư và thương mại với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đựơc ký kết và phê chuẩn./.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục