Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: Tài sản quý báu của hai quốc gia

Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.
Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế: "Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam (1945-1975) - Lịch sử và kinh nghiệm."

Tọa đàm nhằm làm sáng tỏ chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô đặt trong bình diện quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, thời kỳ 1945-1975; làm rõ thêm bản chất, nội dung quan hệ giữa hai Đảng; nêu lên những kinh nghiệm, tôn vinh những giá trị đó, góp phần tăng cường "Quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược" giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các viện nghiên cứu, chuyên gia, học giả Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; một số chuyên gia, học giả đến từ Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên bang Nga).

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô được khởi nguồn từ rất sớm, có thể nói, từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại xác lập con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là đi theo quốc tế cộng sản, theo Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

[Đoàn đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc tại Nga]

Trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, quan hệ ấy không ngừng được vun đắp, trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng Cộng sản và nhân dân hai nước. Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành một biểu tượng đẹp trong quan hệ ngoại giao trên thế giới với tình đoàn kết hữu nghị, trong sáng, thủy chung.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo đề nghị, các đại biểu tập trung làm rõ về bối cảnh, tình hình tác động đến đường lối, quan điểm về thiết lập quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô; nội dung, đặc điểm quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô giai đoạn 1945-1975 trên các lĩnh vực cụ thể; đánh giá toàn diện những tác động, ảnh hưởng của mối quan hệ giữa hai Đảng, ý nghĩa lịch sử, những kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra đối với tăng cường mối quan hệ giữa hai Đảng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hiện nay.

Tham luận tại Tọa đàm, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học đánh giá: Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, bằng nhiều biện pháp, cách thức, nhiều con đường khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ, Việt Nam mong muốn "làm bạn với tất cả các nước dân chủ" trên thế giới. Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/1/1950 ngay sau khi Chính phủ Việt Nam đưa ra Tuyên bố về việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới (14/1/1950).

Sự kiện này đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước, là khởi điểm xúc tiến quan hệ song phương thông qua ký kết và thực thi nhiều hiệp định, hiệp nghị trên các lĩnh vực, nổi bật là sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô dựa trên những cơ sở nền tảng cốt lõi, đó là tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, giúp bạn là mình tự giúp vì lợi ích của phong trào xã hội chủ nghĩa và nền hòa bình trên toàn thế giới.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng, đối với Việt Nam, khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh có những quan điểm, tư tưởng rất sâu sắc về"giúp bạn là giúp mình." Người hiểu rằng, nếu giai cấp vô sản trên toàn thế giới không đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng xã hội mới thì chiến thắng mà giai cấp vô sản một số nước đạt được không phải là chiến thắng trọn vẹn và lâu bền. Đó chính là cơ sở để Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân và nhân dân Việt Nam hết lòng, hết sức giúp đỡ Lào, Campuchia thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của nước bạn.

Một trong những cơ sở nền tảng của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam, Liên Xô nhất là việc Liên Xô, một nước đã thực hiện thành công cách mạng vô sản, hết lòng, hết sức ủng hộ Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội xuất phát từ chủ trương, quan điểm "giúp bạn là giúp mình."

Giai cấp vô sản toàn thế giới chỉ có thể giành thắng lợi triệt để trong cuộc đấu tranh lật đổ áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa khi đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Phòng khẳng định, cơ sở nền tảng của mối quan hệ bền chặt giữa hai Đảng, hai Nhà nước trong lịch sử, cho đến nay vẫn cần được nhân lên, phát huy trong tình hình mới, nhằm tiếp tục vun đắp, tạo dựng và phát triển tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, củng cố mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Nêu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam (1955-1975), Tiến sỹ V.M. Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-ASEAN (Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên bang Nga) đánh giá: Sự hỗ trợ về kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi của Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên lĩnh vực kinh tế.

Chính sách kinh tế mới của Liên Xô gián tiếp đóng vai trò khuyến khích, gợi mở các quyết định để lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam có những thử nghiệm về thực hiện hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường ở miền Bắc Việt Nam.

Từ các luận điểm trên, tiến sỹ V.M. Mazyrin đưa ra kết luận các chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam có tính độc lập cao, quyết định đường lối kinh tế và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 1955-1975.

Nhìn nhận của nhà khoa học Elena Nikulina (Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên bang Nga) cho thấy, từ năm 1954-1975, Liên Xô với tư cách là nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, đã có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Một trong những sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc Liên Xô giúp Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Geneve (1954), tiến tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam được nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm chính thức Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 7/1955. Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ to lớn đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước Liên Xô trên lĩnh vực đối ngoại góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận một số vấn đề nổi bật trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô như: Những yếu tố quốc tế tác động đến đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học cho hiện nay; Quan hệ Việt Nam-Liên Xô trên lĩnh vực văn hóa, xã hội (1954 -1975) - Thành tựu và kinh nghiệm; Vai trò và ảnh hưởng của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc ký Hiệp định Paris năm 1973; Liên Xô với Hội nghị Geneve về Đông Dương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục