Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 15 và 16/10, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tập trung thảo luận về nhiều vấn đề cấp bách như đàm phán quan hệ tương lai với Anh, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mục tiêu khí hậu và chính sách quan hệ đối ngoại.
Ngoài ra, gói khôi phục kinh tế trị giá 750 tỷ euro cũng sẽ được đề cập.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các lãnh đạo EU đánh giá về tiến trình đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh vốn đã rơi vào bế tắc, và về việc thực hiện thỏa thuận Brexit (Anh rút khỏi EU).
[Chủ tịch EC phải cách ly ngay sau khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU]
Công tác chuẩn bị cho tất cả các kịch bản diễn ra sau ngày 1/1/2021, sau khi giai đoạn chuyển tiếp thực hiện Brexit kết thúc, cũng sẽ chiếm thời lượng quan trọng trong chương trình nghị sự lần này.
Sau khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1, hai bên bước vào giai đoạn chuyển tiếp với mục tiêu hoàn tất đàm phán về các mối quan hệ tương lai, bao gồm các thỏa thuận thương mại, để đảm bảo việc thực thi Brexit diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, hai bên vẫn chưa thể tháo gỡ nhiều bất đồng, trong đó có các vấn đề lớn phải kể đến như cạnh tranh bình đẳng, đánh bắt cá và trợ cấp nhà nước.
Trong thư mời các lãnh đạo các nước thành viên tới hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh việc hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc là vô cùng cần thiết vì lợi ích của cả Anh và EU.
Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra với bất kỳ giá nào và những ngày sắp tới là thời gian mang tính quyết định.
Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ giao nhiệm vụ cho trưởng đại diện đàm phán Brexit của EU Michel Barnier tăng cường đàm phán để có thể đạt được thỏa thuận.
Nếu hai bên không đạt thỏa thuận vào cuối năm nay, các rào cản thương mại như thuế quan sẽ được thiết lập.
Những quan ngại về nguy cơ đàm phán đỗ vỡ ngày càng gia tăng sau khi Chính phủ Anh thúc đẩy luật về luật thị trường nội địa, có điều khoản cho phép vô hiệu hóa một số nội dung của thỏa thuận Brexit đã ký với EU trước đây Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thúc giục Vương quốc Anh thực hiện Thỏa thuận Brexit, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống "không có thỏa thuận" thương mại.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó đã đề xuất ngày 15/10 là thời hạn chót để đưa ra đánh giá cuối cùng về khả năng các bên đạt thỏa thuậnvề các mối quan hệ trong tương lai.
Về phần mình, EU cũng nhấn mạnh rằng một thỏa thuận cuối cùng sẽ phải đạt được vào cuối tháng này mới kịp phê chuẩn và triển khai từ ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao của EU cho biết Brussesl có thể chấp nhận đàm phán cho đến giữa tháng 11 để giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ.
Ngoài ra, tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận về tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và mục tiêu của khối trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong mục tiêu chống lại đại dịch COVID-19, các lãnh đạo sẽ xem xét các nỗ lực chung được thực hiện trên cấp độ khu vực, sau khi thông qua khuyến nghị của Hội đồng châu Âu về việc hạn chế di chuyển tự do và cập nhật báo cáo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về vấn đề vắcxin phòng bệnh.
Các bước hành động tiếp theo cũng sẽ được thảo luận trước khi đi vào thực thi.
Tuy không được đưa vào chương trình chính nhưng kế hoạch phục hồi châu Âu chắc chắn sẽ trở thành nội dung được thảo luận gay cấn tại hậu trường của hội nghị thượng đỉnh lần này.
Nhiều quan chức EU bày tỏ tin tưởng rằng các thủ tục sẽ được hoàn tất để kế hoạch phục hồi có thể triển khai ngay từ đầu năm 2021.
Cũng trong hội nghị lần này, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận một số vấn đề đối ngoại của Brussels như quan hệ với châu Phi, tình hình căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải cùng một số vấn đề khác./.