Quan hệ Trung Quốc-ASEAN bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN nhận định, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới được thể hiện trên 5 phương diện.
Đại diện 10 nước ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao về hợp tác truyền thông tại Jakarta ngày 23/7 (Nguồn:The Jakarta Post)

Truyền thông Trung Quốc ngày 25/7 dẫn phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hoàng Khê Liên tại Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc-ASEAN diễn ra ngày 24/7 ở thủ đô Jakarta (Indonesia), trong đó đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc cho rằng giai đoạn phát triển toàn diện mới này được thể hiện trên 5 phương diện.

Thứ nhất, lộ trình phát triển đã trở nên “rõ ràng hơn.” Lãnh đạo hai bên nắm vững và dẫn dắt phương hướng phát triển quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN lên tầm cao mới, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-ASEAN và xác định rõ phương hướng phát triển lâu dài trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN.

[Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư sang các nước ASEAN]

Thứ hai, sự tin cậy chiến lược giữa hai bên đã nâng lên tầm cao mới, và trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc-ASEAN diễn ra thường xuyên.

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại song phương “nhanh hơn”. Năm 2018, kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN lập kỷ lục mới, đạt 587,8 tỷ USD và tăng 14,1%.

Trong nửa đầu năm 2019, ASEAN vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương đạt 291,85 tỷ USD, và triển vọng cả năm đột phá ở mức 600 tỷ USD.

Thứ tư, giao lưu hữu nghị nhân dân “nóng hơn.” Năm 2018 có 57 triệu lượt người qua lại giữa Trung Quốc và ASEAN, mỗi tuần có gần 4.000 chuyến bay giữa Trung Quốc với các thành phố của ASEAN.

Hiện Trung Quốc vẫn giữ vị trí ổn định là nguồn khách du lịch lớn nhất của ASEAN.

Thứ năm, hai bên chia sẻ quan điểm chung “rộng hơn” trong các vấn đề quốc tế và khu vực như cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, đẩy nhanh đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo vệ thể chế thương mại đa phương và thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương…

Hội nghị lần này là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Năm giao lưu truyền thông Trung Quốc-ASEAN, nhằm tăng cường đối thoại và trao đổi chính sách, đạt nhận thức chung về hợp tác, phát triển giữa các bộ ngành truyền thông Trung Quốc với các nước ASEAN.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố chung tăng cường hợp tác giao lưu truyền thông Trung Quốc-ASEAN” và “Kế hoạch 5 năm hợp tác truyền thông Trung Quốc-ASEAN (2020-2024)”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục