Trong bài phân tích trên mạng tol.org, chuyên gia Martin Ehl nhận định sự điều chỉnh chính sách của Mỹ trong quan hệ với Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang buộc các nước khu vực Trung và Đông Âu phải tính toán định hình lại mối quan hệ song phương với Washington.
Theo ông Ehl, Slovakia là quốc gia đã xếp việc tái định hình quan hệ với Mỹ là cấp thiết nhất bởi trong năm 2018, Bratislava sẽ phải quyết định về việc có mua các máy bay chiến đấu hiện đại của Washington hay không.
Slovakia có 3 lựa chọn cơ bản: hiện đại hóa các máy bay được trang bị từ thời Liên Xô; mua máy bay chiến đấu Gripen từ Thụy Điển hoặc hợp tác với các nước láng giềng đang sở hữu loại máy bay này là Cộng hòa Séc và Hungary để xây dựng một trung tâm bảo dưỡng chung nhằm giảm chi phí và mua phiên bản hiện đại của loại máy bay chiến đấu F16 từ Mỹ như cách mà Ba Lan đang thực hiện.
Theo các chuyên gia an ninh, dường như Bratislava hiện đang nghiêng về phương án thứ ba. Mặc dù F16 không phải là thế hệ máy bay chiến đấu mới và thậm chí đắt hơn so với Gripen nhưng thương vụ này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa Slovakia và Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ủng hộ việc bán 14 máy bay chiến đấu F16 cho Slovakia.
So với Sovakia, Ba Lan không phải đối mặt với việc ra các quyết định mang tính chiến lược như trên bởi Vacsava đã và đang cố gắng xây dựng mối quan hệ ở mức gần gũi nhất có thể với Washington.
Gần đây, trang mạng Onet.pl đưa tin, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã đề xuất chi 2 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc đồn trú của một tiểu đoàn thiết giáp của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Động thái của Bộ Quốc phòng Ba Lan được cho là chưa có sự tham vấn với Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống nước này.
Hiện các nước Trung-Đông Âu cũng như cả châu Âu đang cố gắng xác định cách thức hợp tác với đồng minh Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Chính sách khó đoán định của Tổng thống Trump khiến các nước đồng minh lo ngại về các cam kết của Mỹ, nhất là việc đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh châu Âu.
Các nước trong khu vực cũng lo ngại về mối quan hệ của ông Trump với phía Nga - quốc gia bị coi là “kẻ thù số một” ở Trung và Đông Âu, nhất là đối với những nhân vật mong muốn duy trì khu vực này trong vòng ảnh hưởng của phương Tây.
Trong bối cảnh hiện nay, việc mua các máy bay chiến đấu F16 của Mỹ dường như là sự lựa chọn tốt hơn đối với Slovakia so với việc duy trì hợp đồng bảo dưỡng, hiện đại hóa thế hệ máy bay chiến đấu MiG-23 với Nga.
Đối với Ba Lan, một căn cứ quân sự với sự hiện diện thường trực của binh sỹ Mỹ trên lãnh thổ nước này sẽ là phương án đảm bảo an ninh tốt nhất cho Vacsava.
Xét về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa các nước Trung và Đông Âu với Mỹ luôn khác biệt so với mối quan hệ của các nước Tây Âu với Washington. Đối với nhiều nước trong khu vực, con đường giành độc lập 100 năm trước nhờ nhiều vào quyết tâm lập các quốc gia mới từ “tàn tích” của đế chế Áo-Hung của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc.
Vai trò này của Mỹ cũng là một trong những nội dung của lễ kỷ niệm 100 năm độc lập của nhiều nước trong khu vực trong năm 2018.
Chiến thắng của Mỹ trước Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh đã giúp các nước Trung và Đông Âu “giành lại độc lập”, sau đó gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - nhân tố chính đảm bảo an ninh - trong các năm 1999 và 2004.
Cùng với đó là sự gia tăng “ảnh hưởng mềm” của Mỹ trong khu vực thông qua phim ảnh, viện trợ, trung tâm tiếng Anh... Điều này giúp tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung và Đông Âu.
Các cuộc khảo sát dư luận gần đây của hãng CBOS cho thấy Cộng hòa Séc và Ba Lan là những nước mà người dân có thiện cảm nhất với Mỹ.
Mặc dù vậy, quan hệ giữa các nước Trung-Đông Âu và Mỹ cũng từng trải qua các giai đoạn thử thách trong xung đột ở Liên bang Nam Tư (cũ) những năm 90 của thế kỷ 20.
Giai đoạn “xem nhẹ” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã qua. Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị toàn cầu đang biến động cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, nhất là trong chiến lược nhằm giành lại khu vực ảnh hưởng của Điện Kremlin ở Trung Âu.
Hiện chỉ có duy nhất chính phủ bảo thủ ở Ba Lan là vẫn theo đuổi chính sách nhất quán củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ.
Thực tế, bất chấp chính sách khó đoán định, Tổng thống Trump chính là nhân vật đưa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong đó có quan hệ với các nước Trung-Đông Âu trở lại là ưu tiên ngoại giao của Mỹ.
Washington đã và đang yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, triển khai thêm quân đội NATO tại Trung và Đông Âu và gia tăng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Dường như Mỹ mới là đồng minh hiểu mối đe dọa an ninh của các nước Trung và Đông Âu hơn là các nước đối tác Tây Âu.
[Việc Mỹ áp thuế ôtô nhập khẩu sẽ làm "rối loạn" thị trường toàn cầu]
Chẳng hạn như việc Mỹ đã và đang vận động ngăn chặn việc triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga - dự án mà nhiều nước Trung và Đông Âu cũng phản đối.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wess Mitchell từng tuyên bố trong chuyến thăm Slovakia gần đây rằng “dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến châu Âu dễ bị tổn thương hơn trong lĩnh vực năng lượng.”
Tuy nhiên, cũng chính Tổng thống Trump đang đẩy châu Âu vào cuộc chiến tranh thương mại với Washington, tác động trực tiếp tới các nước Trung và Đông Âu.
Chẳng hạn, dự định áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu từ châu Âu sẽ tác động mạnh tới nền công nghiệp của các nước Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan - nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất ôtô lớn.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng châu Âu cần trở nên “tự tin hơn”, trong đó có việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ với Mỹ bởi EU cũng đang có “sức ảnh hưởng và quyền lực mềm lớn.”
Tuy nhiên, điều này khó thực hiện trong bối cảnh EU cũng đang phải vật lộn nhằm đạt được sự đồng thuận nội khối và bất cứ thông điệp nào của ông Trump cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở phạm vi toàn cầu.
Chuyên gia Ehl kết luận, một thế kỷ sau khi Mỹ giúp tạo lập các quốc gia mới ở khu vực Trung Âu, mối quan hệ song phương đang bị đẩy đến giới hạn với Nga - đây được xác định là nhân tố cuối cùng giúp gắn kết Washington với khu vực này.
Các giá trị chung về tự do, dân chủ đang bị đe dọa trong bối cảnh toàn cầu mới và các nước Trung-Đông Âu cần học cách tồn tại mà không có sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong tương lai. Đối với các nước khu vực, đây thực sự là bước điều chỉnh mang tính “cách mạng”./.