Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng về mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam và Campuchia chuẩn bị kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022).
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
- Nhìn lại chặng đường lịch sử, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của mối quan hệ Việt Nam-Campuchia?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước sông Mekong; nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị lâu đời.
Tôi cho rằng mối quan hệ Việt Nam-Campuchia có vai trò rất quan trọng và to lớn đối với sự phát triển của mỗi nước.
Có thể nói, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Campuchia, thì Việt Nam sẽ rất khó bảo đảm về nguồn lực phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngược lại, nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Quân đội và nhân dân Việt Nam thì nhân dân Campuchia khó có thể lật đổ được chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc.
Ngày nay, mối quan hệ theo phương châm “láng giếng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước Việt Nam-Campuchia càng đóng vai trò quan trọng và to lớn trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của mỗi nước.
- Việt Nam và Campuchia có thể làm gì để gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022)?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, mặc dù có những bước thăng trầm nhưng có thể nói một cách tổng quát là mối quan hệ giữa hai nước đã vượt qua mọi thử thách và không ngừng phát triển. Việc giữ gìn, phát huy giá trị của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó đang đặt ra rất nhiều yêu cầu và đòi hỏi đối với cả hai nước.
Hướng tới kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), hai bên sẽ tập trung vào một số việc sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam và Campuchia sẽ duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Hai bên cần quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam-Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
[Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hữu nghị]
Thứ hai, hai nước sẽ tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Đây là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước.
Hai bên cần phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần tạo thuận lợi để Campuchia hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Thứ ba, Việt Nam và Campuchia sẽ đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước và trở thành nguồn lực và nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước.
Thứ tư, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học-kỹ thuật. Trong năm 2022, hai nước cần phối hợp tổ chức thành công tuần văn hóa và tuần phim của nhau ở mỗi nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước; đồng thời, tiếp tục coi trọng, thúc đẩy và tăng cường quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và y tế.
Thứ năm, Việt Nam và Campuchia sẽ cùng phát huy tốt quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.
- Đại sứ kỳ vọng gì về những đóng góp của hai nước cho ASEAN vào thời điểm khu vực đang nỗ lực hồi phục kinh tế-xã hội trong đại dịch COVID-19?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia sẽ đóng góp tích cực đối với ASEAN và khu vực tại thời điểm mà ASEAN và khu vực đang nỗ lực phục hồi kinh tế-xã hội.
Chúng ta có thể nhìn nhận sự đóng góp của mối quan hệ Việt Nam-Campuchia vào quá trình hồi phục kinh tế-xã hội của ASEAN và khu vực trên một số khía cạnh.
Trước nhất, hai nước có thể tiếp tục vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ cho Quỹ vaccine ASEAN để hỗ trợ các nước thành viên cũng như các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của mình, hai nước có thể chia sẻ với các nước ASEAN và khu vực về kinh nghiệm trong phối hợp kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, cũng như kinh nghiệm trong kết nối kinh tế, khắc phục tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ.
Ngoài ra, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN, cùng nhau đóng góp vào các mục tiêu chung của ASEAN, trong đó có việc triển khai “Khung phục hồi tổng thể ASEAN” nhằm khôi phục kinh tế xã hội trong dài hạn, đề ra các chiến lược sâu rộng và các biện pháp phục hồi phù hợp, đưa nền kinh tế và xã hội ASEAN trở lại tăng trưởng và phát triển bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.