Trang Diễn đàn Đông Á của Đại học Quốc gia Australia mới đây đăng bài viết của James Laurenceson, Giám đốc Viện quan hệ Trung Quốc-Australia (ACRI) tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định rằng quan hệ thương mại ngày càng phát triển với Trung Quốc khiến Australia gặp khó trong việc thực thi chính sách đối ngoại trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau đây là nội dung bài viết:
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trải dài từ phía Đông Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương được Chính phủ Australia xác định là môi trường quốc tế cho chính sách đối ngoại của nước này.
Về chiến lược, khu vực này bao gồm các cường quốc như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ - một khu vực đa cực chống lại sự xuất hiện của một bá quyền mới.
Về kinh tế, Australia hy vọng khu vực này đem lại quan hệ thương mại đa dạng hơn, nhất là với Ấn Độ. Điểm này đã được đề cập đến trong Chiến lược kinh tế với Ấn Độ cho đến năm 2035, được Chính phủ Australia công bố vào năm 2018.
Về chiến lược, Canberra rất hài lòng với những tiến triển trong năm 2019. Vào tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản.
Bà Reynolds đã thông báo với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Australia-Nhật Bản, “củng cố nhận thức rằng Tokyo và Canberra hiện coi nhau là đối tác an ninh quan trọng và đáng tin cậy nhất, chỉ sau khi liên minh với Mỹ.”
Vào tháng Chín, các cuộc họp nhóm Bộ tứ đối thoại an ninh (Quad) bao gồm Australia, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ đã được nâng lên cấp bộ trưởng. Nhưng trong cùng tháng đó, Australia không được mời tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar do Ấn Độ tổ chức có sự tham dự của ba thành viên Quad là Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
[Australia lập quỹ quốc gia để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc]
Tuy nhiên, trong năm qua, khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thể hiện vai trò hạn chế về kinh tế đối với Australia, không như kỳ vọng của các chính trị gia và các quan chức ở Canberra.
Vào năm 2012, khi thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu chính thức của các chính phủ, Trung Quốc chiếm 27,3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Australia.
Trong khi đó, các đối tác thương mại quan trọng khác của Australia trong khu vực, bao gồm các nền kinh tế ở Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan), Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore), Ấn Độ, và Mỹ chiếm lần lượt là 33,3%, 9,5%, 4,9% và 3,8%.
Sau khi có sự xuất hiện của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong 12 tháng tính đến tháng 10/2019, xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đã tăng thêm 10% lên 37,7%.
Trong khi đó, xuất khẩu và các khu vực Đông Á (trừ Trung Quốc), Đông Nam Á, Ấn Độ và Mỹ đều giảm lần lượt xuống còn 26,4%, 8,8%, 3,8% và 3,7%.
Xu hướng trên cũng được phản ánh trong hoạt động nhập khẩu. Năm 2012, Trung Quốc chiếm 17,3% hàng nhập khẩu của Australia trong khi tỷ lệ này của khu vực Đông Á (trừ Trung Quốc), Đông Nam Á, Ấn Độ và Mỹ lần lượt là 13,2%, 16%, 1% và 11,8%.
Trong 12 tháng tính đến tháng 10/2019, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Australia tăng lên 25,5%. Thị phần xuất khẩu của Đông Á (trừ Trung Quốc), Đông Nam Á và Mỹ đều giảm lần lượt xuống 12,9%, 14,2% và 11,1%. Tỷ lệ hàng hóa của Ấn Độ nhập khẩu vào Australia là tăng lên, nhưng chỉ ở mức 1,6%.
Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng có quan điểm khác nhau về các cơ chế kinh tế đa phương mà Australia tham gia. Nhật Bản và Singapore đã nổi lên như những quốc gia có cùng chí hướng, cùng tham gia các sáng kiến như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hoặc TPP-11) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngược lại, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi CPTPP. Giờ đây, Mỹ cũng có những hành động ngăn cản việc bổ nhiệm thành viên của Cơ quan giải quyết tranh chấp khiến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đưa ra phán quyết đối với các vụ khiếu nại mới.
Quan hệ của Australia với Ấn Độ cũng khá ảm đạm. Mặc dù các cuộc đàm phán Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế Toàn diện của Ấn Độ-Australia đã được khởi động vào năm 2011, song tiến trình hướng tới thỏa thuận song phương này đã bị đình trệ.
Vào tháng 11/2019, Ấn Độ đã từ chối ký kết RCEP sau khi 15 quốc gia thành viên kết thúc đàm phán thành công.
Tháng 11 năm ngoái, Peter Varghese, tác giả của Chiến lược kinh tế Ấn Độ đến năm 2035 của Chính phủ Australia, thừa nhận rằng “các doanh nghiệp lớn vẫn chưa tin vào câu chuyện Ấn Độ."
Báo cáo của Varghese đề ra một mục tiêu tham vọng là tăng gấp ba lần xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ vào năm 2035, đạt 31 tỷ USD. Tuy mục tiêu này không phải là thấp, nhưng chưa thể so với xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc - ở mức hơn 112 tỷ USD.
Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Australia vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại. Vào tháng 7/2019, báo cáo của Viện Quan hệ Trung Quốc-Australia đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác nghiên cứu quốc tế hàng đầu của Australia về mặt số lượng các ấn phẩm khoa học chung được xuất bản.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Australia Scott Morrison tới Mỹ vào tháng 9/2019, đánh giá của ông về quan hệ với Trung Quốc khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Morrison lưu ý Australia và Mỹ có quan điểm khác nhau về vấn đề này và cho rằng quan hệ với Trung Quốc đem lại lợi ích rất lớn và trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Australia hy vọng sẽ tiếp tục.
Các xu hướng thương mại nói trên cho thấy thực tế kinh tế không dễ đồng hành với giấc mơ chiến lược. Australia sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự căng thẳng giữa các lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược, khiến cho việc thực thi chính sách đối ngoại, đặc biệt là đối với Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn./.