Tại Hội chợ Thương mại Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) lần thứ 12 ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) và các sự kiện liên quan, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường mỗi bên, đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác ở nước láng giềng.
Theo các chuyên gia phân tích, những nỗ lực đó của giới doanh nghiệp hai nước sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại Việt-Trung phát triển hơn nữa.
Cán đích
Trong những năm gần đây, bất chấp nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm dần, quan hệ thương mại Việt-Trung vẫn phát triển hết sức mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 30%/năm.
Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 58,64 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2013; trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 14,93 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 43,71 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2015, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt 43,6 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 11 tỷ USD. Với kết quả này, nhiều khả năng hai nước sẽ hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD trong năm 2015.
Một trong những nhân tố quan trọng giúp quan hệ thương mại Việt-Trung phát triển mạnh như vậy là Chính phủ và các cơ quan chức năng hai nước đã quan tâm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề CAEXPO, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Trung Quốc là một thị trường rất lớn và có nhu cầu rất cao. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập thị trường này.
Theo ông Linh, đáng chú ý, trong số đó có một số doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà còn bán các sản phẩm đó bằng chính thương hiệu của mình. Đó là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, giày dép.
“Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp có hướng tiếp cận bài bản, chuyên nghiệp và có tầm nhìn lâu dài đối với thị trường Trung Quốc để khai thác tốt các tiềm năng của thị trường này,” ông Linh nói.
Về phía Trung Quốc, bà Dương Nhạn Nhạn, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký CAEXPO khẳng định Việt Nam là một đối tác vô cùng quan trọng của Trung Quốc trong khối ASEAN. “Việt Nam là quốc gia có số lượng gian hàng cũng như quy mô gian hàng lớn nhất tại CAEXPO nên chúng tôi vô cùng trọng thị Việt Nam,” bà Yanyan nói.
Tiềm năng vẫn còn lớn
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN bên lề CAEXPO 2015, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tiếp cận thị trường Việt Nam và chủ động tiếp cận các doanh nghiệp của nước láng giềng để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Tommy He, Giám đốc Kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Tập đoàn Xây dựng Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết theo đánh giá của công ty, trong số các nước ASEAN, Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng nhất với nhiều cơ hội hợp tác bởi vì, nước láng giềng có xã hội ổn định, chính trị ổn định, dân số đông. Vì vậy, công ty muốn đẩy mạnh xuất khẩu máy móc thiết bị sang Việt Nam, đồng thời nhập khẩu gạo, tinh bột sắn.
Cùng chung quan điểm đó, ông Allan Chen, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ in nhãn EMICO Thâm Quyến nói tiềm năng của thị trường Việt Nam rất là lớn vì Việt Nam có dân số đông và lại giáp biên giới với Trung Quốc. Vì vậy, ông đã đăng ký để tham dự Hội nghị Giao thương Doanh nghiệp Việt-Trung (diễn ra bên lề CAEXPO) để tìm kiếm các đối tác Việt Nam.
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm các đối tác Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khổng lồ này. Ông Huỳnh Thanh Nhuận, Phó Giám đốc ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời nói: “Với dân số đông, Trung Quốc là một thị trường lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.”
Theo ông Nhuận, hiện tại, doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này qua trung gian. Với việc tham dự CAEXPO 2015, Tập đoàn Lộc Trời muốn chuyển hướng sang xuất khẩu trực tiếp với phía Trung Quốc.
Tại CAEXPO 2015, Tập đoàn Lộc Trời đã giới thiệu các sản phẩm gạo của Việt Nam tới các bạn hàng Trung Quốc và ASEAN. Các hoạt động quảng bá của tập đoàn tại hội chợ đã mang lại các kết quả đáng khích lệ. Nhiều đối tác Trung Quốc đã gặp gỡ và trao đổi về khả năng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty Cổ phần Việt Phúc cho biết mục đích tham gia CAEXPO là tìm kiếm các đối tác cung cấp các sản phẩm mà công ty đang cần và thiếu, đồng thời học hỏi từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và ASEAN để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Hiện tại, công ty đã có một số nhà cung cấp Trung Quốc để sản xuất hóa mỹ phẩm và bàn chải đánh răng.
Cần cách tiếp cận chuyên nghiệp hơn
Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Qua trao đổi với các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu thông tin và chưa tổ chức nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về thị trường Trung Quốc.”
Ông Linh khuyến nghị để thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở hoạt động thương mại biên mậu mà cần phải nghiên cứu thị trường một cách tốt hơn.
Cùng chung quan điểm đó, thạc sỹ Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn tới công tác nghiên cứu thị trường và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
“Doanh nghiệp làm xúc tiến thương mại sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò ‘bà đỡ’ cho các doanh nghiệp,” ông Dự nhấn mạnh.
Bàn về các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường Trung Quốc, bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến nói: “Thị trường Trung Quốc là một thị trường đông dân và dễ thâm nhập. Tuy nhiên, để đứng vững trên thị trường này, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng, uy tín với khách hàng, không ngừng cải tiến mẫu mã theo hướng khác biệt hơn so với các sản phẩm khác cùng loại.”
Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến là một doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo của tỉnh Bến Tre. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu sản phẩm sang rất nhiều thị trường nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường chủ chốt, chiếm 60% sản lượng.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Vũ khuyến nghị: “Thị trường Trung Quốc rất phong phú nhưng các doanh nghiệp phải sàng lọc đối tác. Doanh nghiệp Trung Quốc tính ổn định không cao về cả thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các nhà cung cấp mới có khả năng đảm bảo tiến độ và chất lượng sản phẩm mà mình mong muốn”./.