Quan hệ thương mại Việt Nam-Campuchia hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD

Hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD thương mại 2 chiều, thời gian tới, Việt Nam-Campuchia có nhiều hoạt động nâng cấp và xây dựng nhiều cửa khẩu, đường giao thông các tỉnh biên giới.
(Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Không chỉ dừng lại ở quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này có ý nghĩa đánh dấu chặng đường lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao và mở ra một kỷ nguyên mới cho tương lai giữa hai nước.

Chưa xứng với tiềm năng

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới 1.137km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia nên việc thông thương qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia có nhiều thuận tiện.

Hàng năm, hai nước đã thông qua các cơ chế phối hợp thường xuyên, luân phiên của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật và các hội nghị: xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới..., từ đó đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Thống kê từ Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cho thấy, đến nay Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD, tiếp tục nằm trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

[Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới]

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư vào đất nước chùa tháp thời gian qua như Ngân hàng Thương mai Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Công ty TNHH VinaCapital, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourists), Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…

Bên cạnh đó là hàng loạt dự án tiêu biểu mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại Campuchia thời gian qua như dự án trồng cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam; dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao Campuchia; Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh; Nhà máy phức hợp sản xuất đường, ethanol và nhiệt điện; các dự án trong lĩnh vực tài chính; hàng không và viễn thông.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, mặc dù là nước láng giềng kề cận nhưng hoạt động giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vì vậy, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu với nước này trong nhiều năm qua chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, khoảng từ 1,1-1,2%.

Riêng 3 tháng đầu năm ​nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt trên 1,08 tỷ USD; trong đó xuất khẩu là 640 triệu USD, giảm 19,6% và nhập khẩu là 446 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Campuchia vẫn là xăng dầu, sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm dệt may.

Theo nhận định từ các chuyên gia, nếu xét trong nội khối ASEAN, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia vào Việt Nam cao hơn nhập khẩu từ Lào, Myamar và Brunei; đồng thời chiếm 3% trị giá nhập khẩu hàng hóa từ tất cả các nước ASEAN vào Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su và đậu tương.

Ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Campuchia cho biết, bên cạnh việc gần gũi về địa lý và những thuận lợi từ phía Chính phủ Campuchia dành cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số bất cập như chính sách và môi trường đầu tư của Campuchia chưa thật ổn định, khó tiên liệu… khiến các nhà đầu tư Việt Nam chưa hoàn toàn yên tâm.

Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa nghiên cứu kỹ thị trường trước khi đầu tư khiến cho kinh doanh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì thế, theo Tham tán Nguyễn Bảo, tới đây hai bên cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm ký kết các Hiệp định cần thiết liên quan đến thương mại và đầu tư. Mặt khác, tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước này.

Hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD

Nhằm hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD thương mại 2 chiều trong thời gian tới, Việt Nam và Campuchia đã có nhiều hoạt động nâng cấp và xây dựng nhiều cửa khẩu, đường giao thông các tỉnh biên giới.

Hơn nữa, hai nước cũng đã ban hành thêm chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển chợ thương mại biên giới để thúc đẩy cơ hội giao thương.

Theo Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương, hai nước thống nhất thúc đẩy thực hiện quy hoạch phát triển chợ thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia, nâng cấp và ưu tiên mở thêm một số cửa khẩu.

Chẳng hạn như nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (Tây Ninh, Việt Nam) và cửa khẩu Mơn Chây (tỉnh Prey Veng, Campuchia) lên thành cửa khẩu quốc tế khi có đủ điều kiện.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất thúc đẩy việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan, kiểm dịch và hợp tác ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế và buôn bán hàng giả qua biên giới.

Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất gia tăng hạn ngạch xe thương mại qua lại hàng năm, sớm thực hiện kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Việt Nam) và Ba Vet (Campuchia). Bên cạnh đó, xây dựng đường giao thông đến các cửa khẩu biên giới để phục vụ lĩnh vực vận tải, thương mại, du lịch và đi lại của người dân hai nước.

Đáng chú ý, Việt Nam sẽ xem xét khả năng bán điện cho một số khu vực biên giới của Campuchia; trong khi đó phía Campuchia cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khảo sát, triển khai các dự án thủy điện tại đây.

Cùng đó, Campuchia cũng sẽ áp dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản tại nước này.

Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia sẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định Khuyến khích, bảo hộ đầu tư, sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại biên giới thay thế Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, Hiệp định Hợp tác lao động, Bản Ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030…

Theo Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương, bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại Việt Nam-Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục