Trang worldpoliticsreview.com mới đây đăng bài viết có tựa đề "Thổ Nhĩ Kỳ và NATO mâu thuẫn nhưng vẫn cần nhau," nội dung như sau:
Hội nghị thượng đỉnh gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô London (Anh) đã cho thấy mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong khối này đang rơi vào thế đối đầu.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa phủ quyết kế hoạch quốc phòng của NATO đối với Ba Lan và các nước Baltic trừ phi các cường quốc chủ chốt phương Tây chú ý nhiều hơn đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
[Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm đến 2027]
Mặc dù Tổng thống Erdogan cuối cùng cũng ký vào tuyên bố chung của hội nghị, nhưng người Thổ tiếp tục gây cản trở cho việc thông qua kế hoạch quân sự cho Ba Lan cho đến khi phương Tây đồng ý đưa tổ chức Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vào danh sách khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng than phiền về sự ủng hộ của phương Tây đối với YPG và các tay súng người Kurd ở Syria trong những năm qua.
Người Kurd ở Syria, do YPG làm chủ đạo, là đối tác quan trọng nhất của liên minh do Mỹ lãnh đạo trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Đông Bắc Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh của tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật.
PKK đã chiến đấu cho một nhà nước người Kurd độc lập trong nhiều năm và Thổ Nhĩ Kỳ coi tổ chức này là khủng bố.
Ông Erdogan cũng nhiều lần đe dọa mở cửa cho 3,6 triệu người Syria tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi nước này và tràn vào châu Âu nếu NATO và Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất với Ankara về vấn đề người Kurd ở Syria.
Cách tiếp cận cứng rắn của ông Erdogan thực tế không khác với quan điểm của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người Thổ mất niềm tin hoặc công khai phản đối Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua. Hơn 80% người Thổ tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhân vật không đáng tin cậy.
Các nhân vật trong quân đội ủng hộ Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công khai lên truyền thông chỉ trích NATO, cho rằng tổ chức này tích cực thực hiện âm mưu ngăn chặn tham vọng trở thành cường quốc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu cũng có một danh sách ngày càng tăng về những bất bình đối với Ankara, bao gồm việc Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ - dưới sự điều hành của ông Edorgan - ngày càng phi dân chủ; quyết định của nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga; không mạnh tay với các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan tại Syria; và hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt phi pháp trong lãnh hải của Cộng hòa Síp tại Đông Địa Trung Hải. Người ta không ngạc nhiên khi hậu quả đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng.
Washington đã đình chỉ việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án phát triển máy bay tấn công F-35, Quốc hội Mỹ sắp sửa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì cách hành xử của nước này.
Lãnh đạo châu Âu công khai thảo luận về việc có nên đình chỉ tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO hay không sau chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria hồi tháng 10/2019.
EU đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019 vì nước này có các hoạt động khoan thăm dò tại Địa Trung Hải.
Tháng trước, Brussels có bước đi đầu tiên hướng tới áp đặt trừng phạt các cá nhân và công ty Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động khoan thăm dò.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gần đây đưa ra cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang "trượt ra khỏi quỹ đạo của NATO."
Như nhà phân tích kỳ cựu Max Boot đã nói: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập NATO hôm nay, nước này sẽ không thể bước vào bằng cửa trước."
Đây là một đánh giá công bằng. Nói chung, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952 là một phần trong nỗ lực của Chính quyền Truman để tiếp tục kiềm chế Liên Xô.
Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn định hướng theo chủ nghĩa phục quốc Ottoman, trong đó tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc độc lập, không bị chi phối và lệ thuộc vào bất kỳ khối địa chính trị nào đối với an ninh của nước này.
Mặc dù bối cảnh khá bi quan nhưng sự chia tay hoàn toàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO là không có khả năng. Hiện nay, vẫn có những giá trị để cả hai để tiếp tục mối quan hệ không hoàn hảo như hiện nay. Phương Tây cần tiếp cận các căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy mục tiêu địa chính trị đối trọng với Nga và Iran.
Hai bên cũng tham gia nhiều hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, từ chống khủng bố cho đến các nỗ lực chống nổi dậy tại Afghanistan và nhiều nơi khác.
Đối với phương Tây, mất đi thành viên có quân đội lớn thứ hai trong khối sẽ là một món quà chính trị và địa chính trị lớn cho Nga và Trung Quốc.
Trong cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ, nhiều người tiếp tục xem Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh không thể thay thế.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hưởng lợi lớn từ cơ chế chia sẻ tin tình báo của phương Tây, kiến thức về quân sự và những tiêu chuẩn tương tác của NATO, điều làm cho các quân đội của liên minh này hoạt động tương hợp.
Các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất hàng tỷ USD trong các hợp đồng hiện tại và trong tương lai nếu Ankara rời khỏi quỹ đạo của NATO.
Ngoài ra, "ô an ninh" phương Tây cho phép Ankara gia tăng tối đa vị thế địa chính trị và thực hiện chính sách kép tại khu vực bất ổn và nguy hiểm nhất thế giới.
Không đâu phức tạp hơn phía Bắc Syria, nơi là nguồn gốc của sự giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đồng minh.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chưa thành công trong thuyết phục được các cường quốc phương Tây hoàn toàn bỏ rơi người Kurd ở Syria, nước này đã thành công trong việc gia tăng ảnh hưởng trong mối quan hệ với Moskva và Washington để loại bỏ khả năng về một nhà nước cho người Kurd tại Syria.
Người Thổ hiểu rõ tình trạng này và định hướng công chúng một cách phù hợp. Trong khi Tổng thống Erdogan thường lựa chọn giọng điệu cứng rắn nhất đối với NATO, ông ta đã cho phép các Bộ trưởng dưới quyền tạo ra một giọng điệu cân bằng hơn.
Trong một bài viết trước Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar và cựu Tổng tham mưu trưởng đã hạ giọng khi đưa ra các bình luận về NATO, gọi tổ chức này là "tổ chức kiên định và linh hoạt, lý do cho thấy tổ chức này có thể phát triển trong những giai đoạn thay đổi khác nhau."
Bộ trưởng Hulusi Akar cũng cho biết Ankara "chắc chắn tin rằng NATO là tổ chức rất phù hợp và nên được thúc đẩy."
Sau những căng thẳng chính trị gần đây đã bộc lộ ra ngoài, cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO là vấn đề cơ bản lâu dài đối với liên minh này, chủ yếu là làm thế nào để đạt được thống nhất về chính sách khi các đe dọa mà tổ chức này đối mặt phức tạp hơn và phi đối xứng, khác nhau với mỗi thành viên, nhưng ít đe dọa đến sự tồn tại của tổ chức hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tranh cãi về kế hoạch quốc phòng Ba Lan và Baltic là một ví dụ rõ ràng.
Các nước Đông Âu xem Nga là đe dọa lớn nhất trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem chủ nghĩa ly khai của người Kurd tại biên giới phía Nam nước này là ưu tiên lớn hơn. NATO sẽ cần phải giải quyết những vấn đề trung tâm nếu tổ chức này muốn giữ được sự thống nhất trong thế kỷ 21.
Trong một dấu hiệu tích cực, NATO đã nhận ra được thách thức, Tuyên bố London của liên minh này được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã cam kết xử lý thách thức trên là một phần của "quá trình phản ánh tầm nhìn về phía trước."
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tốt hơn hết nên xử lý những bất đồng hiện nay, việc tự đánh giá của mỗi bên cần được tiến hành bí mật thay vì phơi bày ra trước công chúng như hiện nay./.