Theo phân tích của báo Le Monde số ra mới đây, bất chấp những bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai đối thủ trước đây là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ tin cậy, được nuôi dưỡng bằng sự phẫn nộ chung đối với phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trở về tay trắng từ Hội nghị thượng đỉnh các nước bảo lãnh tiến trình hòa bình ở Syria (gồm Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) được tổ chức ngày 14/2 tại Sochi trên bờ Biển Đen.
Ông đã không thể thuyết phục các đồng minh mới của mình là Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về đề xuất thành lập "khu vực an toàn" tại miền bắc Syria - khu vực đã được giải phóng khỏi các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và hiện nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể nói, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang ở một thời điểm khó khăn, mắc kẹt về ngoại giao với "một chân" trong NATO, còn "chân kia" bên ngoài.
Kế hoạch tấn công quân sự vào Syria của ông không nhận được sự đồng tình từ cả Moskva lẫn Washington.
"Khu vực an toàn," được Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn vào giữa tháng 12/2018 với Thổ Nhĩ Kỳ, khó trở thành hiện thực.
Hết kiên nhẫn, Erdogan đe dọa sẽ điều động quân đội đến khu vực này bất chấp sự phản đối của các đồng minh.
Cả Moskva lẫn Teheran và Washington đều không muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát tối cao ở miền Bắc Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm lại Afrine, khu vực người Kurd ở Tây-Bắc, từ tay YPG vào tháng 3/2018.
Ngay từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã hướng xa hơn về phía Đông, giữa các thành phố Azaz và Jarablous, một vành đai tiếp giáp với biên giới. Tuy vậy, các chiến dịch quân sự này không được thực hiện do Nga không đồng ý.
Ở Sochi, Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani nhấn mạnh với người đồng cấp Erdogan rằng các vùng lãnh thổ phía Đông-Bắc Syria sẽ nhất thiết phải được trả lại cho Damascus. Hài lòng vì quyết định rút quân của Mỹ, nhưng 3 nhà lãnh đạo không đồng thuận về ranh giới quản lý trong tương lai.
Moskva và Tehran muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát toàn bộ đất nước, trong khi đó, Ankara - vốn ủng hộ phiến quân Syria - lại yêu cầu Assad rời đi. Putin đã thúc giục Erdogan tiến gần đến Assad hơn, dù quan hệ hai bên căng thẳng trong suốt 8 năm xảy ra cuộc chiến ở Syria.
Để đạt được điều này, Điện Kremlin đã dựa vào một thỏa thuận an ninh cũ được ký kết cách đây 21 năm giữa Ankara và Damascus, coi đó là cơ hội đối với Erdogan ở Sochi.
Thỏa thuận này có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ khi cho phép quyền can thiệp vào Syria cách biên giới 5km để truy đuổi Đảng Công nhân Kurd (PKK).
Thỏa thuận này có hiệu lực với điều kiện Ankara công nhận tính hợp pháp của chế độ lãnh đạo Syria hiện tại, một triển vọng khó chịu đối với Erdogan.
Bất chấp mong muốn của Moskva, cái bắt tay Erdogan-Assad sẽ không diễn ra trong nay mai, cho dù báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đang dọn đường dư luận.
Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah số ra ngày 13/2 nhận định giữa Moskva ủng hộ Assad và Mỹ hợp tác với YPG, Ankara sẽ không khó khăn gì trong việc lựa chọn phe của mình, đó là Kremlin thay vì Nhà Trắng. Erdogan chú ý đến mọi thứ mà Putin gợi ý với sự tin cậy toàn diện vì trên hết ông cảm thấy được đối xử bình đẳng.
"Trong khi mối quan hệ với các đồng minh truyền thống đang bị bào mòn, mối liên hệ với Nga tăng lên mạnh mẽ," nhà nghiên cứu Selim Koru nhận xét trong một báo cáo do Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) của Philadelphia công bố.
Năm 2018, hai tổng thống đã gặp nhau 7 lần trong các cuộc gặp song phương và điện đàm 18 lần. Hợp đồng bán khí đốt và vũ khí, thương mại, du lịch đang nuôi dưỡng mối quan hệ đó.
Ankara đang chờ đợi Nga chuyển giao tên lửa S-400 dự kiến vào tháng 7 tới, bất chấp nguy cơ phẫn nộ từ các đồng minh NATO.
[Nga, Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại về căng thẳng giữa Ấn Độ, Pakistan]
Nga-Thổ còn có chung mối bận tâm khác. Họ thảo luận về "chủ nghĩa đa phương", chống lại "quyền bá chủ của đồng USD."
Theo giáo sư Evren Balta thuộc trường Đại học Özyegin ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga muốn tạo đối trọng với ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở Trung Đông. Mỗi bên đều đánh giá bên kia là đồng minh tốt.
Nga dự định khôi phục vị thế là một cường quốc. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga giữ vai trò cần thiết để tái cân bằng quan hệ với phương Tây.
Theo khảo sát mới nhất của trường Đại học Kadir Has ở Istanbul về phát triển chính trị-xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại này phù hợp với dư luận trong nước.
Nga được mô tả là "một quốc gia đồng minh hoặc bạn bè" đối với 37,4% số người được hỏi, so với 23,7% đặt niềm tin vào Đức, nơi có cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất ở châu Âu và là đối tác thương mại số một của Ankara.
Không quan tâm đến các hoạt động giao thương, những người được hỏi chú trọng tới bản sắc. 60% mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là "một quốc gia Hồi giáo,"19,6% cho rằng cần phải hợp tác trước hết với các quốc gia Hồi giáo, 18% chọn Nga, 17,5% cho rằng Ankara "phải hành động một mình."
Tuy nhiên, có một nghịch lý: trong khi Mỹ bị 81,9% người tham gia khảo sát coi là "mối đe dọa," song có tới 70% lựa chọn việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên NATO./.