Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) số ra mới đây có bài viết nhận định vào ngày 20/3/2022, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy trong cuộc gặp với giới doanh nhân Trung Quốc sống ở Moskva đã tuyên bố rằng các doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga nên “nắm bắt cơ hội và lấp đầy những khoảng trống đang xuất hiện trên thị trường Nga.”
Đại sứ nói: “Các công ty lớn đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thanh toán. Đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy vai trò của mình.”
Cuộc gặp mặt khá hẹp, chỉ có 8 doanh nhân Trung Quốc và 3 đại diện của Hiệp hội Quảng bá Văn hóa Khổng tử ở Nga tham gia. Việc tổ chức sự kiện này đã vô tình lọt vào ống kính của giới truyền thông toàn thế giới.
[Ngoại trưởng Nga-Trung Quốc điện đàm về tình hình Ukraine]
Có lẽ bản thân các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng muốn tế nhị trong vấn đề này, bởi Trung Quốc đã bất chấp những đe dọa và khiêu khích từ phía Washington, nhưng vẫn giữ thế cân bằng, giữ không gian cho sự cơ động trong quan hệ với cả Nga và Mỹ.
Mặc dù vậy, Đại sứ Trương Hán Huy vẫn nhắc lại những gì hiện đang được nói tới rất nhiều ở cả hai nước Nga và Trung Quốc, trong điều kiện kinh tế xã hội và chính sách đối ngoại mới của Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới thắt chặt quan hệ hơn nữa với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, giới doanh nghiệp Trung Quốc được coi là lực lượng có thể bù đắp những rạn vỡ với phương Tây đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, mọi thứ có phải rõ ràng như vậy và liệu những kỳ vọng này có chính đáng hay không?
Sự thận trọng của các doanh nghiệp lớn
Như Đại sứ Trương Hán Huy đã nhắc tới trong bài phát biểu của mình, các doanh nghiệp lớn khi đối mặt với áp lực trừng phạt chưa từng có chống lại Nga từ phương Tây đang gặp phải nhiều vấn đề khác nhau. Vì vậy, trong một tình huống khó khăn, những doanh nghiệp này thường có xu hướng thụ động chờ đợi hoặc thậm chí phá sản vào thời điểm này.
Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến nỗi lo bị rơi vào cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Giờ đây, cơ quan quản lý Mỹ có quyền trừng phạt bất cứ ai tiếp tục hợp tác với các công ty nằm trong danh sách trừng phạt.
Do đó, không chỉ các công ty bị phản đối (có thể gọi ra ở đây là ngân hàng VTB), mà trong một số trường hợp, tất cả các đối tác nước ngoài của họ đều đang chịu tác động từ các lệnh trừng phạt.
Ngay cả khi tình hình bớt căng thẳng hơn, các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cố gắng không hợp tác với các đối tác Nga.
Vì vậy, bất đầu từ năm 2017-2018, bất chấp “chiến tranh thương mại” Mỹ-Trung, việc mở tài khoản tại một ngân hàng Trung Quốc đã trở thành một vấn đề thực sự đối với các công ty đến từ Nga.
Ngoài ra, hiện nay các chuỗi thương mại, hậu cần và sản xuất đã bị phá vỡ, nhiều chuỗi bị ràng buộc với “đường biển” của phương Tây hoặc các tổ chức tín dụng tài chính.
Tình hình đầy những rủi ro tiềm ẩn, và trong bối cảnh này, ngay cả những công ty dường như không có gì phải lo sợ cũng trở nên thận trọng hơn.
Ví dụ như tập đoàn dầu khí Sinopec tuyên bố tạm ngừng đàm phán với Sibur về việc thành lập một nhà máy khí hóa học mới.
Tất nhiên, tất cả những điều nêu trên đều là vấn đề của thời điểm hiện tại. Theo thời gian, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy kẽ hở, và các trung gian sẽ xuất hiện trong lĩnh vực hậu cần và ngân hàng, có thể giúp một số người kiếm thêm được, và một số khác tiêu tiền của mình.
Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình lâu dài và sẽ có thiệt hại, xuất phát từ sự thận trọng của Trung Quốc và sự không sẵn sàng của các đối tác Nga trong việc hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, bao gồm cả do tâm lý hướng về phương Tây, thiếu năng lực và kinh nghiệm. Nếu không có bất thường xảy ra (chẳng hạn như rạn nứt tương tự giữa Trung Quốc và phương Tây), thì quá trình này sẽ mất vài năm.
Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc có thể chiếm lĩnh những lĩnh vực nào trong tương lai?
Thứ nhất, sản xuất công nghệ cao (ôtô, thiết bị gia dụng…). Đây là lĩnh vực vốn được thực hiện tại Nga bởi các công ty phương Tây và Nhật Bản, hiện đã tuyên bố “tạm ngừng” hoạt động của họ.
Thứ hai, các dự án trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ (trước hết là kinh doanh khách sạn) cũng mất đi sự tham gia của nguồn vốn phương Tây. Thực tế cho thấy rằng những công ty đã đặt chân đến Nga một cách nghiêm túc sẽ không rời đi (ví dụ, Auchan hoặc Leroy Merlin), nhưng vị trí ngách trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ bị bỏ trống.
Thứ ba, các dự án tiên tiến trong lĩnh vực khai thác, đòi hỏi cả vốn đầu tư lớn và công nghệ. Đã có liên doanh chung Yamal-LNG, trong đó có 20% vốn của Tập đoàn CNPC của Trung Quốc, và gần 10% của Quỹ Con đường Tơ lụa. Và dự án “Bắc Cực LNG-2,” trong đó vốn của Trung Quốc là 20%.
Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng vào việc thu hút các doanh nghiệp lớn và công nghệ cao của Trung Quốc. Quá trình phê duyệt cho bất cứ dự án nào như vậy, ngay cả trong tình hình ổn định và có thể dự đoán được, cũng phải mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm.
Hiện nay, cho đến khi có kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cho đến khi “cỗ máy trừng phạt” của Mỹ giảm bớt và đến khi Chính phủ Nga định hình được những biện pháp hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề sẽ không có cải thiện.
Hy vọng của các doanh nghiệp nhỏ
Nếu mọi thứ đều khó khăn đối với các doanh nghiệp lớn, thì đối với các doanh nghiệp nhỏ có dễ dàng hơn hay không?
Trên thực tế, ý tưởng của Đại sứ Trương Hán Huy là tích cực thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp nhỏ theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Ví dụ, nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất ở vùng Viễn Đông của Nga trong thời gian dài là công ty Huaxin, có nguồn gốc từ huyện biên giới nhỏ Đông Ninh của tỉnh Hắc Long Giang.
Chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc sở hữu rất nhiều nhà hàng và khách sạn ở Nga, hầu hết trong số đó chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ từ các khu vực biên giới Trung Quốc đang tìm cách có được quy chế cư trú tại các địa điểm ưu đãi khác nhau ở vùng Viễn Đông, như tại các khu vực ưu tiên phát triển và cảng tự do Vladivostok.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.
Thứ nhất, trong những ngành có lợi suất cao đang dần bị thay thế bởi các công ty lớn của cả Trung Quốc và Nga. Một ví dụ minh chứng là công ty Huaxin. Năm 2016, công ty con của Huaxin là “Armada-Land” đã bán toàn bộ tài sản cho tập đoàn Nga “Rusagro” và rời khỏi thị trường.
Thứ hai, những khó khăn trong việc thuê lao động Trung Quốc do đồng ruble mất giá, cũng như các biện pháp hành chính nhằm “đưa ra ánh sáng” các doanh nghiệp nước ngoài của Nga, đã khiến nhiều công ty nhỏ Trung Quốc rơi vào tình thế rất khó khăn.
Thứ ba, do đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc. Dòng khách du lịch Trung Quốc, lĩnh vực có nhiều công ty Trung Quốc hoạt động, đã dừng lại.
Sau khi tình hình dịch tễ học ở Nga xấu hơn nhiều so với ở Trung Quốc, họ đã trở về quê hương. Có khoảng 1/3 đến một nửa số doanh nhân Trung Quốc kinh doanh tại Nga đã rời về quê. Nhiều người trong số họ đã bán doanh nghiệp của mình.
Liệu họ có quay trở lại Nga vào lúc này? Không có rào cản chính thức nào cho việc này.
Vào tháng 6/2021, Nga đã đơn phương gỡ bỏ mọi hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn của tình hình hiện tại và định kiến về Nga như một “quốc gia không thể đối phó với dịch bệnh” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mong muốn sinh sống và làm việc tại Nga.
Một số người làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết phía đối tác cũng quan tâm rất nhiều đến những cơ hội đang mở ra ở thị trường Nga. Số lượng khá lớn đối tác Trung Quốc đã đưa ra những đề nghị liên kết trong một số ngành cụ thể. Lời giải thích cho sự quan tâm này rất đơn giản. Với tỷ giá hối đoái hiện tại của đồng ruble ở Nga, hàng hóa và dịch vụ đang trở nên rẻ hơn nhiều đối với người Trung Quốc.
Tuy nhiên, lời nói vẫn chưa biến thành hành động. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có xu hướng chờ đợi và quan sát - không chỉ đối với những biến động của tỷ giá đồng ruble, mà còn về sự sẵn sàng hỗ trợ của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính toán chính của người Trung Quốc là Nga nên dành cho Trung Quốc những “điều kiện đặc biệt, đặc quyền.”
Nếu dịch sang ngôn ngữ kinh tế thì điều này có nghĩa là Trung Quốc muốn có được sự đảm bảo của nhà nước đối với các giao dịch đầu tư nhằm đảm bảo rằng các nhà đầu tư không bị các đối tác Nga lừa.
Thứ hai là khả năng tiếp cận các ngành chiến lược (cảng, khai thác mỏ), đơn giản hoá thủ tục đăng ký sử dụng lao động từ Trung Quốc và miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc để thực hiện các dự án đầu tư.
Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc có thể muốn được hưởng những lợi thế bất thành văn so với các nhà đầu tư từ các nước khác.
Trước đây, điều này đã không xảy ra, nhưng liệu hiện nay tình hình đã thay đổi? Có thể đoán rằng sự thay đổi là không đáng kể.
Thứ nhất, điều này không đáp ứng lợi ích của Nga, quốc gia không muốn thay đổi từ sự phụ thuộc này sang sự phụ thuộc khác.
Thông qua việc bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược không nằm dưới sự kiểm soát của tư bản nước ngoài, Nga muốn tập trung ưu tiên sử dụng các chuyên gia trong nước và nội địa hóa sản xuất - là những “trụ cột” trong chính sách đầu tư. Và không có ngoại lệ nào được đưa ra trong đó, ngay cả đối với một đối tác quan trọng như Trung Quốc.
Thứ hai, vốn của Trung Quốc vẫn sẽ có quyền lựa chọn đầu tư vào các quốc gia có sức mua của người dân ở mức thấp, nhưng là một quốc gia yếu hơn nhiều và không thể đưa ra các quy định chặt chẽ đối với các đối tác nước ngoài. Người Trung Quốc đầu tư ở các quốc gia này thoải mái hơn nhiều ở Nga.
Do đó, viễn cảnh của thập kỷ tới, tình hình có vẻ như sẽ ngày càng nhiều hàng Trung Quốc xuất hiện trong các cửa hàng ở Nga, và trong hầu hết các ngóc ngách sẽ dần thay thế các sản phẩm phương Tây.
Theo thời gian, du khách Trung Quốc cũng sẽ quay trở lại Nga vì có giá thành rẻ và có lẽ, hai hoặc ba “dự án trọng điểm” giống như Yamal-LNG cũng có thể được thực hiện.
Tuy nhiên, việc thu hút ồ ạt các nhà đầu tư Trung Quốc theo những “điều kiện đặc biệt” mà Trung Quốc hy vọng sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng tới sự bền chặt của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung Quốc./.