Quan hệ Nga-Trung Quốc: Phô trương nhiều hơn thực chất?

Mặc dù sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Nga đang ngày càng lớn mạnh, song nhiệm vụ hàng đầu của sự hợp tác quân sự này chủ yếu vẫn chỉ mang tính cảnh báo chính trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: TASS)

Theo trang mạng asiatimes.com, trong bối cảnh phương Tây đang xúc tiến chiến dịch tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, Trung Quốc và Nga lại tận dụng sự kiện này làm cơ hội để phô trương mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chụp ảnh chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2022, cùng tuyên bố phản đối sự mở rộng của NATO và kêu gọi liên minh phương Tây “từ bỏ những cách tiếp cận theo kiểu chiến trạnh lạnh về hệ tư tưởng của mình.”

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã công bố một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ song phương “không giới hạn” và “vượt trội hơn so với các liên minh chính trị và quân sự trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.”

Trong khi đó, họ nói rằng NATO cần phải “tôn trọng chủ quyền, an ninh và những lợi ích của các quốc gia khác... và nên có thái độ công bằng và khách quan đối với sự phát triển hòa bình của các nhà nước khác.

Trước lập trường hiếu chiến của Nga với Ukraine và những giọng điệu hung hăng tương tự từ phía Bắc Kinh đối với tương lai của Đài Loan, nhiều nhà quan sát quốc tế đang quan tâm đến mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia này.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Anh Tobias Ellwood mới đây viết rằng phương Tây đã thức tỉnh quá muộn trước thách thức mà mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nga và Trung Quốc đặt ra.

Ông nói thêm: “Nga đang cung cấp dầu mỏ, khí đốt và thiết bị quân sự hạng nặng (cho Trung Quốc). Về phần mình, Trung Quốc cung cấp công nghệ tiên tiến. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một liên minh chống dân chủ có thực lực. Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến thế giới bị chia rẽ thành 2 vùng ảnh hưởng cạnh tranh nhau, và chúng ta đang để cho điều đó xảy ra.”

[Lãnh đạo Nga, Trung Quốc khẳng định quan hệ đối tác chiến lược]

Phải đến năm 2021, NATO mới nhận thức được rõ ràng thách thức mà một sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc đặt ra. Hai cường quốc này đã tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược” vào thập niên 1990 và từ đó đã liên tục ra hiệu về sự hội tụ ngày càng lớn giữa họ, từ đó kết hợp thành một khối có chung thái độ ác cảm với dân chủ tự do và phản đối cái họ coi là sự thay đổi chế độ do bên ngoài thao túng - chẳng hạn như “các cuộc cách mạng màu,” khi các làn sóng nổi dậy buộc những nước như Ukraine và Gruzia phải chuyển hướng sang hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây.

Tuy nhiên, cả các cuộc biểu tình năm 2020-2021 tại Belarus lẫn thế đối đầu giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine hiện nay đều gây ra nhiều vấn đề cho Trung Quốc, nước đang duy trì các mối quan hệ thương mại và đầu tư đáng kể với cả 2 quốc gia vốn đóng vai trò then chốt trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Mặc dù xung đột hiện nay giữa Nga và phương Tây rõ ràng đang làm chệch hướng sự chú ý của Mỹ khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đài Loan, Trung Quốc vẫn không muốn một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng tại Ukraine phủ bóng lên Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.

Những tín hiệu chính trị

Với những thực tế mâu thuẫn này, các thông tin về sự hợp tác an ninh giữa Nga và Trung Quốc chỉ nên được coi là “muối bỏ bể.”

Mặc dù sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Nga đang ngày càng lớn mạnh, song nhiệm vụ hàng đầu của sự hợp tác quân sự này chủ yếu vẫn chỉ mang tính cảnh báo chính trị hơn là một sự chuẩn bị cho các hành động quân sự chung.

Trong những tháng gần đây, Moskva đã công khai ủng hộ việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng quân sự như một công cụ gây sức ép lên các quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tháng 10/2021, hải quân Nga và Trung Quốc đã tiến hành cuộc tuần tra hàng hải chung đầu tiên xung quanh Nhật Bản. Đến tháng 11/2021, các máy bay ném bom chiến lược của 2 quốc gia đã tổ chức cuộc tuần tra chiến lược chung trên không lần thứ ba trại Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, và điều này cho thấy Nga và Trung Quốc đang có ý định liên thủ với nhau để chống lại liên minh Mỹ-Nhật.

Họ cũng đã thực hiện một cuộc tập trận quân sự chung tại Khu tự trị Hắc Kỉ Tử ở Tây Tạng, Trung Quốc hồi tháng 8/2021.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không đáp lại thiện chí của Nga theo cách tương tự khi né tránh việc ủng hộ chính sách bên miệng hố chiến tranh của Nga tại châu Âu. Các binh lính Trung Quốc không tham gia vào phiên bản mới nhất của các cuộc tập trận chiến lược của Nga Zapad-21, vốn được tổ chức tại phía Tây của Nga và Belarus, trong khi các binh lính Nga vẫn tham gia tập trận chung với các đối tác Trung Quốc dù sự kiện được tổ chức cách xa châu Âu.

Bắc Kinh đang ở giữa ranh giới giữa việc nhắm vào từng nhà nước châu Âu - như điều họ đang làm với Litva, nước trở thành mục tiêu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, chẳng hạn như bị loại bỏ khỏi hệ thống hải quan của nước này - và việc tự mô tả mình là một đối tác hòa bình của châu Âu.

Sự công khai ủng hộ chính sách "bên miệng hố chiến tranh" về chính trị và quân sự của Moskva tại châu Âu có thể đẩy các nước EU xích lại gần Mỹ hơn.

Ngay cả tuyên bố chung với Nga, trong đó có đưa ra lời cảnh báo về sự mở rộng của NATO, cũng mang tính nước đôi với Ukraine. Trong khi Nga tái khẳng định việc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan, bản tuyên bố lại chẳng có từ nào cụ thể nhắc đến Ukraine. Cả hai bên chỉ nhất trí phản đối các nỗ lực nhằm làm suy yếu an ninh và ổn định tại các “khu vực lân cận chung”, có nghĩa chỉ là Trung Á.

Sự trung lập tuyệt đối

Nga có vẻ đã chuyển từ lập trường trung lập với các chính sách của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương sang thẳng thừng lên án sáng kiến an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ, còn gọi là Thỏa thuận an ninh ba bên Anh-Mỹ-Australia (AUKUS) và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Washington nói chung.

Tuyên bố chung lưu ý rằng hai nước đang quan ngại nghiêm trọng về những diễn tiến này. Tuy nhiên, khi Moskva nỗ lực duy trì sự ủng hộ của Ấn Độ, thì sự ủng hộ của nước này dành cho các chính sách của Trung Quốc tại Nam Á vẫn còn hạn chế. Vì vậy, mức độ ủng hộ tiềm năng của Trung Quốc dành cho Nga trước một vòng trừng phạt tiềm tàng mới của phương Tây hiện vẫn chưa rõ ràng. Lúc này, như lời một nhà bình luận đã nói, “Trung Quốc chỉ cần duy trì sự trung lập tuyệt đối là đủ.”

Moskva đã đặt kỳ vọng cao vào sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc sau năm 2014, nhưng mặc dù Bắc Kinh đã cung cấp một số sự hỗ trợ cho Tổng thống Putin và những người trong êkíp của ông, hầu hết các công ty Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc do lo ngại làm tổn hại mối quan hệ của họ với các thị trường phương Tây.

Khả năng là Moskva và Bắc Kinh sẽ không tham gia một nỗ lực chung nhằm lôi kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh hai mặt trận, nhưng phương Tây cũng không nên sao lãng với nguy cơ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục