Quan hệ Myanmar-Bangladesh giúp thúc đẩy thương mại ASEAN-SAARC

Việc tăng cường quan hệ song phương Myanmar-Bangladesh có thể đóng góp vào tăng trưởng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước ASEAN và Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành.
Quan hệ Myanmar-Bangladesh giúp thúc đẩy thương mại ASEAN-SAARC ảnh 1(Nguồn: Myrepublica)

Theo tạp chí Eurasia Review, Myanmar là một trong những nước láng giềng gần gũi nhất của Bangladesh, với sự gắn kết lịch sử từ nhiều thế kỷ trước.

Đường biên giới dài tổng cộng 271km giữa hai nước rất quan trọng đối với Bangladesh. Mặc dù hiện tại khu vực này đang bị quân sự hóa do các cuộc xung đột nội bộ đang diễn ra, song nếu giải quyết được điều này, Bangladesh có thể phát triển các tuyến đường qua Myanmar để tiếp cận Trung Quốc ở phía Đông và các nước Đông Nam Á khác ở phía Nam.

Myanmar cũng có thể thông qua Bangladesh để phát triển tuyến đường vận chuyển, tiếp cận các thị trường như Nepal, Bhutan và Ấn Độ.

Cả Bangladesh và Myanmar đều là thành viên của Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật Đa ngành (BIMSTEC), một tổ chức bao gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và khu vực.

Bangladesh là quốc gia ở khu vực Nam Á và có thể được sử dụng như một trung tâm quan trọng để kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các thành viên Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), bao gồm các nước Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Myanmar cũng vậy, với tư cách là một thành viên ASEAN, nước này có thể tiếp cận khối thương mại tự do SAARC thông qua Bangladesh.

Theo cách đó, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ được hưởng lợi về kinh tế để thúc đẩy quan hệ thương mại.

Từ Indonesia-Malaysia-Brunei-Singapore-Philippines-Lào-Campuchia-Việt Nam-Thái Lan- Myanmar đến Bangladesh-Ấn Độ-Pakistan-Sri Lanka-Maldives-Nepal-Bhutan-thậm chí Afghanistan, tất cả các quốc gia sẽ có thể đảm bảo lợi ích kinh doanh tối đa của mình.

Hợp tác thương mại và năng lượng

Có những lộ trình khác để thúc đẩy hợp tác song phương. Myanmar rất giàu tài nguyên thiên nhiên như thiếc, kẽm, đồng, vonfram, than đá, đá cẩm thạch, đá vôi, khí đốt tự nhiên và thủy điện... Do đó, nước này có thể là nguồn cung cấp năng lượng chính cho Bangladesh để đảm bảo an ninh năng lượng.

Hơn nữa, các loại ngũ cốc như gạo được sản xuất với số lượng lớn ở Myanmar và có thể được xuất khẩu sang Bangladesh. Sản lượng gạo của Myanmar chiếm khoảng 43% tổng sản lượng nông nghiệp, khiến nước này trở thành nhà sản xuất gạo lớn thứ 7 thế giới. Trong số 67,6 triệu ha đất, 12,8 triệu được sử dụng để trồng trọt. Riêng năm 2019, Myanmar đóng góp khoảng 13.300 triệu tấn gạo xay xát. Sản xuất lúa gạo ở Myanmar phụ thuộc nhiều vào các phương pháp canh tác truyền thống.

Myanmar cũng là quốc gia sản xuất nông sản lớn. Trong cuộc khủng hoảng hành tây của Bangladesh với Ấn Độ vào năm 2019, Myanmar đã cung cấp hành tây cho Bangladesh. Bangladesh hiểu rõ tầm quan trọng của thương mại song phương với Myanmar vào thời điểm đó. Nếu Bangladesh cải thiện quan hệ với Myanmar, sự phụ thuộc của nước này vào Ấn Độ có thể giảm bớt và Bangladesh có thể tăng cường thương mại với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Myanmar cũng là nước cung cấp gỗ tự nhiên lớn cho thế giới. Trong khi thu hút đầu tư nước ngoài chỉ giới hạn trong lĩnh vực dầu khí, nước này gần đây đã chuyển trọng tâm sang thu hút đầu tư dựa trên sản xuất. Myanmar đang dẫn đầu về sản xuất điện do đầu tư hiệu quả vào sản xuất thủy điện. Du lịch cũng là một ngành có nhiều triển vọng của đất nước.

Thông qua việc nhập khẩu khí đốt và điện, Bangladesh có thể đảm bảo được an ninh năng lượng trong tương lai. Hai nước có thể cùng nhau thăm dò các mỏ dầu và khí đốt ở Vịnh Bengal. Bangladesh cũng có thể đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của Myanmar.

[Thúc đẩy thương mại khu vực để phục hồi kinh tế toàn cầu]

Cả hai nước đã giải quyết tranh chấp về biên giới biển của họ thông qua Tòa án Công lý Quốc tế. Vùng biển của Myanmar cũng được xác định một cách chính xác.

Việc xây dựng dự kiến tuyến đường cao tốc châu Á, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, có thể tăng cường kết nối trên bộ giữa hai nước và thúc đẩy việc buôn bán các sản phẩm như phân bón, nhựa, xi măng và đồ nội thất…

Myanmar, hiện đã có ngành sản xuất các sản phẩm tinh vi, có thể nhập khẩu các sản phẩm điện tử và dược phẩm được sản xuất sẵn từ Bangladesh và hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc và ASEAN

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar. Trung Quốc đã đầu tư hơn 3 tỷ USD kể từ năm tài khóa 2016-2017. Một trong những nhân tố chiến lược nhất trong các khoản đầu tư của Bắc Kinh là cảng biển nước sâu Kyaukphyu trị giá 1,3 tỷ USD. Khi hoàn thành, cảng này có thể tạo một lối tắt tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Lợi thế kinh tế lớn nhất của Myanmar là việc nước này là thành viên của ASEAN. ASEAN kiểm soát khoảng 24% tổng thương mại thế giới và thị phần của khối này trong thương mại thế giới đang tăng lên hàng năm. Quan hệ thương mại của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng đi vào chiều sâu do sự gia tăng thương mại và việc thực thi Hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các nước ASEAN chiếm hơn 50% tổng kim ngạch thương mại giữa khối này với ba nước nói trên.

Bangladesh mong muốn cung cấp hỗ trợ cho Myanmar. Phân phối vaccine phòng chống dịch COVID-19 và huấn luyện chống khủng bố là một số lĩnh vực hợp tác. Tuy nhiên, vấn đề người tị nạn Rohingya đã tạo ra một số căng thẳng giữa hai nước và việc tìm ra giải pháp có thể phục vụ lợi ích lâu dài của Bangladesh và Myanmar. Do đó, hai nước nên giải quyết vấn đề này để phục vụ lợi ích của chính mình và khu vực.

Tuy nhiên, Bangladesh và Myanmar cũng có thể tăng cường sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua liên doanh. Ngoài việc thông qua các dự án đầu tư chung, Bangladesh có thể tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp khác nhau bao gồm đậu, gia vị, cá và gạo.

Do đó, tăng cường quan hệ song phương có thể đóng góp vào tăng trưởng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước ASEAN và BIMSTEC. Do đó, Myanmar nên thực hiện các bước hiệu quả để tăng cường quan hệ song phương nhằm kết nối Đông Nam Á với Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục