Trong hai ngày qua, các phương tiện truyền thông Mỹ đăng tải nhiều bài bình luận xung quanh việc Israel sử dụng những thông tin tuyệt mật đánh cắp của Mỹ nhằm cản trở tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Những diễn biến mới này báo hiệu chiều hướng ngày càng xấu hơn trong quan hệ giữa Washington với đồng minh Tel Aviv trong gần hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama.
Mặc dù chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chối bỏ, nhưng Nhật báo Phố Wall số ra ngày 23/3 cho biết từ năm ngoái các quan chức cấp cao Nhà Trắng đã có những thông tin về việc Israel bí mật cài đặt các thiết bị nghe lén hoặc thông qua các nguồn tin ngoại giao để thu thập các báo cáo mật của Mỹ liên quan tới các cuộc đàm phán với Iran, sau đó cung cấp các thông tin này cho các nhà lập pháp Mỹ nhằm phá hoại, gây cản trở cho tiến trình đàm phán.
Tuy nhiên, Israel đã nhanh chóng bác bỏ thông tin trên và phủ nhận đã tiến hành do thám Mỹ. Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman khẳng định: "Đây là thông tin sai sự thật. Tất nhiên, Israel có những lợi ích an ninh cần được bảo vệ và chúng tôi có nguồn tin tình báo riêng. Tuy nhiên, chúng tôi không do thám Mỹ."
Tel Aviv tuyên bố họ có được các thông tin chi tiết về cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) với Iran là do theo dõi các báo cáo của các quan chức đàm phán Iran với lãnh đạo nước này sau các kỳ đàm phán.
Việc Mỹ và các đồng minh, trong đó có Israel, do thám lẫn nhau không có gì mới. Tuy nhiên, các thông tin về việc Israel đánh cắp các báo cáo mật của Mỹ được tung ra giữa lúc nhóm P5+1 và Iran chuẩn bị bước vào vòng thương lượng được mô tả là “mang tính quyết định,” bắt đầu từ ngày 26/3, nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước hạn chót 31/3 tới.
Các bên nhất trí giữ kín nội dung các cuộc thảo luận để tránh những ảnh hưởng từ bên ngoài có thể tác động tới kết quả thương thuyết.
Trong khi đó, liên quan đến quan hệ Israel-Palestine, ngày 24/3, Tổng thống Obama bày tỏ thái độ quan ngại trước triển vọng hiện thực giải pháp hai nhà nước, xuất phát từ tuyên bố vào phút chót về việc không đàm phán thành lập một nhà nước Palestine độc lập của Thủ tướng Netanyahu trong thời gian tranh cử.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ khẳng định rằng bất đồng của ông với Thủ tướng Israel Netanyahu về cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là vấn đề cá nhân mà dựa trên những khác biệt chính sách nền tảng về hòa bình Trung Đông.
Ông đồng thời cảnh báo những khác biệt trong chính sách giữa Washington và Tel Aviv có thể dẫn tới sự đổ vỡ của giải pháp hai nhà nước, từ đó gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Israel-Palestine và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các bên liên quan cũng như toàn khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố Mỹ sẽ không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy hòa bình Trung Đông, đồng thời cho biết Washington đang đánh giá lại các cách tiếp cận đối với giải pháp hai nhà nước hiện đang trên bờ vực nguy hiểm.
Trước đó một ngày, Chánh văn phòng Nhà Trắng Dennis McDonough cho rằng tuyên bố gần đây của Thủ tướng Israel Netanyahu từ bỏ các cuộc đàm phán về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập là “rất khó chịu,” đi ngược lại chủ trương mà chính quyền của Tổng thống Obama dốc sức theo đuổi.
Đại diện Nhà Trắng cho biết thành lập hai nhà nước Do Thái và Palestine sống hòa bình bên cạnh nhau là cách tốt nhất để mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Các quan chức Nhà Trắng thậm chí cũng đã dọa sẽ rút bỏ “sự che chắn” về mặt ngoại giao mà Mỹ đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua để bảo vệ Israel tại diễn đàn Liên hợp quốc./.