Theo nhà phân tích chính trị Jose Antonio Egido hiện đang sinh sống tại Venezuela, việc Mỹ và Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về kinh tế cho Mỹ Latinh và Caribe, nếu chính phủ các nước trong khu vực có thể nắm bắt những cơ hội đến từ sự thay đổi đó.
Ông nói đến việc Chính phủ Cuba đã có cơ hội để thương lượng về việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế và điều này sẽ cho phép các nước Mỹ Latinh và Caribe như Venezuela để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với Cuba.
Trong hơn 14 năm, Venezuela vẫn duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Cuba, hỗ trợ nước này nhờ năng lực về tài chính và công nghệ.
Tuy nhiên, Venezuela hiện đã có thể chờ đợi vào một quan hệ đối tác kinh tế mang đến sự thịnh vượng với Cuba.
Theo thống kê của Chính phủ Venezuela, riêng trong năm 2014, hai nước đã ký 56 thỏa thuận kinh tế, trị giá trên 1,2 tỷ USD, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng.
Ông Egido tin rằng con số này có thể tăng vọt khi Cuba tăng cường các hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế.
Logic tương tự có thể áp dụng với các nước khác trong khu vực, với việc xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn với Cuba và thúc đẩy thương mại, mà không lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ông Egido cho rằng triển vọng đó cũng dựa trên cơ sở là các dự án đầu tư hiện nay ở Cuba như Đặc khu phát triển Mariel.
Trong 1 tỷ USD ước tính cần để đầu tư cho cảng này, 700 triệu USD đến từ Brazil.
Cảng Mariel đang nhằm được đầu tư để trở thành một trong những cảng hiện đại nhất trong khu vực, với một tuyến đường sắt nối với phần còn lại của quốc đảo này và với trên 400 công ty nước ngoài đang bày tỏ mong muốn được đầu tư ở đây.
Tuy nhiên, ông Egido khẳng định việc dỡ bỏ cấm vận phải diễn ra trước khi Cuba có thể biến triển vọng đó thành hiện thực.
Ông nhấn mạnh đến thiệt hại ước tính đối với Cuba do các biện pháp trừng phạt là trên 1.112 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông tin rằng Chính phủ Mỹ sẽ không muốn bỏ lỡ những cơ hội kinh tế mới sẽ đến từ hòn đảo này để có thể đảm bảo những lợi ích và giá trị tối đa cho các doanh nghiệp của mình.
Theo ông, trong khi vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đang đối mặt với sự giảm sút nhanh chóng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, đặc biệt là khi khu vực này tăng cường quan hệ với các nền kinh tế lớn khác như các nền kinh tế mới nổi BRICS./.