Quan hệ một chiều ảnh hưởng đến não bộ của chúng ta như thế nào?

Mạng xã hội mang đến cho người hâm mộ quyền tiếp cận chưa từng có với các ngôi sao và người của công chúng. Nhưng giới chuyên gia cho rằng những mối quan hệ này không phải lúc nào cũng lành mạnh.

Quan hệ một chiều giữa fan và ngôi sao của họ có thể mang tới tác động tốt hoặc xấu. (Nguồn: National Geographic)
Quan hệ một chiều giữa fan và ngôi sao của họ có thể mang tới tác động tốt hoặc xấu. (Nguồn: National Geographic)

Khi nữ ca sĩ nhạc pop Chappell Roan, chủ nhân bản hit “Good Luck, Babe!”, lên tiếng về việc bị người hâm mộ (fan) xâm phạm quyền riêng tư - như bị theo dõi hay bị fan liên lạc với bạn bè và người thân dù cô không cho phép - cô đã khơi mào cho một cuộc thảo luận lớn về mối quan hệ giữa người nổi tiếng và fan của họ, cũng như mặt trái của cái gọi là “quan hệ một chiều”.

Quan hệ một chiều (PSR) thường được định nghĩa là một mối quan hệ mà trong đó một bên không hề biết đến sự tồn tại của bên kia - ví dụ như fan yêu thích một người nổi tiếng, nhưng người nổi tiếng không biết họ là ai.

Sự phát triển của công nghệ số đã cho phép fan tiếp cận người nổi tiếng một cách gần gũi hơn. Nhưng liệu các nền tảng như X (Twitter) và Instagram có góp phần sinh ra thói đòi hỏi quá đáng từ phía người hâm mộ?

Điều gì khiến một mối quan hệ trở thành một chiều?

Những nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ một chiều xuất hiện vào những năm 1950, khi giới nghiên cứu tâm lý học thử tìm hiểu phản ứng của khán giả truyền hình đối với những người dẫn chương trình (MC) và nhân vật truyền hình. Các nhà nghiên cứu Richard Horton và Donald Wohl đã đưa ra thuật ngữ PSR, nêu lo ngại rằng khán giả sẽ có những phản ứng thái quá do không thể phân biệt rạch ròi giữa nhân vật trên truyền hình và người diễn viên thủ vai ngoài đời thực.

Sau đó vào những năm 70 và 80, các học giả bắt đầu đưa ra giả thuyết rằng việc hình thành PSR bắt nguồn từ sự cô đơn và cảm giác cô lập, rằng những người cô đơn hơn có xu hướng hình thành các mối quan hệ một chiều mạnh mẽ hơn nhằm bù đắp cho cuộc sống chán chường của mình.

Tuy nhiên, theo Gayle Stever, một chuyên gia về mối quan hệ một chiều, các nghiên cứu sau đó không chứng minh được giả thuyết này. "Đúng là người cô đơn hình thành các mối quan hệ một chiều," cô nói, "nhưng những người không-cô-đơn-lắm cũng vậy."

"Con người chúng ta có bộ não được lập trình sẵn để sinh tồn và sinh sản," Stever nói. Nếu một nhân vật hay người nổi tiếng mang lại cảm giác thoải mái, an toàn, não bộ không quan tâm liệu bạn có thực sự biết người này trong đời thực hay không. Nó sẽ tự động hình thành một sự gắn kết lâu dài.”

Điều này không nhất thiết là xấu. Mối quan hệ một chiều lành mạnh có thể là nguồn sức mạnh, động viên và cảm hứng. Việc một người yêu thích một ca sĩ, diễn viên hay nhân vật nổi tiếng không nhất thiết cho thấy họ đang cô đơn. Thực tế, như Stever đã quan sát, một người có các mối quan hệ tốt đẹp trong đời thực thì các PSR của họ càng mạnh mẽ và lành mạnh hơn.

Một kiểu quan hệ một chiều chỉ xuất hiện trên mạng

Nhưng tương tác kỹ thuật số đã phức tạp hóa những mối quan hệ một chiều tự nhiên. Các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, TikTok và Instagram chủ động vun đắp các mối quan hệ một chiều với khán giả, như một phần trong mô hình kinh doanh của họ.

Kể từ khi mạng xã hội phát triển, những người ảnh hưởng (influencer) đã dựa vào mối quan được cho là chân thật giữa họ và khán giả để đảm bảo lòng trung thành về mặt thương mại. Nhưng giống như trường hợp của Chappell Roan đã cho thấy, điều này có thể phản tác dụng. "Khi người hâm mộ được tiếp cận các nhân vật nổi tiếng qua mạng xã hội, cảm giác thân mật sẽ tăng lên. Mọi người nghĩ rằng họ thực sự có mối quan hệ sâu sắc hơn thực tế," theo Mel Stanfill, giáo sư tại Đại học Central Florida.

Ông chỉ ra rằng hiện tượng quan hệ một chiều đã được mạng xã hội khuếch đại lên rất nhiều. Fan dù không có liên hệ thực tế với người nổi tiếng hay người sáng tạo nội dung, nhưng vì xuất hiện các diễn đàn giao tiếp mới nên họ có thể khiến người nổi tiếng đọc tin nhắn, thậm chí trả lời tin nhắn của mình. Ảo giác về sự thân mật có thể tạo cảm giác rất thực với não người - bắt đầu từ việc nhìn ngắm ai đó trên màn hình, và được tăng cường bởi khả năng giao tiếp trong phần bình luận.

Lúc này, mối quan hệ có thể trở nên độc hại hơn so với cái gốc ban đầu. "Những kiểu hành vi độc hại mà Chappell mô tả là đặc trưng của tuổi vị thành niên," Stever cho biết. Hành vi độc hại, lẽ ra chỉ giới hạn ở một người hoặc một vài người, nhưng nhờ mạng xã hội lại có cơ hội lan rộng.

Những cộng đồng người hâm mộ trực tuyến, đặc biệt là cộng đồng nhiều thanh thiếu niên với cảm xúc mạnh mẽ, có thể gây ra hành vi xấu. Một mối quan hệ một chiều bắt đầu với những ranh giới lành mạnh có thể trở nên xấu đi khi tâm lý đám đông hình thành.

"Những người có hành vi xấu trong cộng đồng fan giờ dễ thấy hơn bao giờ hết. Họ có thể phối hợp với nhau dễ dàng hơn. Và vì vậy họ ồn ào hơn, mặc dù họ chỉ là một phần nhỏ của cộng đồng", Stanfill giải thích.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm 2025

Những hiện tượng thiên văn đáng chú ý trong năm 2025

Năm 2025, những người yêu thích bầu trời có thể chiêm ngưỡng một loạt các sự kiện thiên thể tuyệt đẹp bao gồm siêu Trăng, nguyệt thực toàn phần và rất nhiều trận mưa sao băng đạt đỉnh ngoạn mục.

Biểu tượng của Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI trên màn hình điện thoại và máy tính ở Manta, Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

OpenAI xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động

Ban lãnh đạo OpenAI đang xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty công ích – một loại hình doanh nghiệp có thể theo đuổi lợi nhuận nhưng vẫn ưu tiên mục tiêu cải thiện xã hội.