Quan hệ Lào-Việt "được tạo dựng từ lịch sử dựng nước và giữ nước"

Tờ PathetLao (Lào) nêu rõ trong từng bước tiến của hai nước, hai dân tộc hôm nay đều có sự đóng góp tích cực của hai bên giúp cho quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng keo sơn, bền chặt.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và người đồng cấp Lào Khampheng Xaysompheng trao đổi Biên bản hợp tác nhằm tăng cường phát triển quan hệ biên giới, ngày 11/4/2022 tại thủ đô Vientiane. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Nhân kỷ niệm Năm Đoàn kết, Hữu nghị Lào-Việt Nam, tờ PathetLao của Thông tấn xã Lào (KPL) số ra ngày 25/4 đã trang trọng đăng bài viết mang tiêu đề “Quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam được tạo dựng từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.”

Bài viết nhấn mạnh Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Với đường biên giới chung dài trên 2.000km, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong, quan hệ gắn bó Lào-Việt Nam được hình thành từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước giữa hai quốc gia láng giềng.

Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam luôn đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân xâm lược, giành độc lập, tự do.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mặc dù các phong trào đấu tranh đều bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt, song nhân dân hai nước Lào-Việt Nam vẫn luôn sát cánh bên nhau. Điều này cho thấy việc xây dựng khối đại đoàn kết đấu tranh trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của hai dân tộc.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã mở đầu những trang sử vẻ vang của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào.

Mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, dày công vun đắp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), hai nước có hoàn cảnh lịch sử tương đồng, cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản cũng là con đường phù hợp để giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ.

Trong giai đoạn này, nhiều người con ưu tú của nhân dân Lào đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đây chính là những “hạt giống đỏ” để từng bước xúc tiến thành lập Xứ bộ Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Lào.

[Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam vững bền]

Từ ngày 6/9 đến 9/9/1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao tại Lào đã được thành lập. Trên các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quyết định quan trọng nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào và dẫn đường cho cách mạng hai nước giành thắng lợi.

Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam lên tầm liên minh chiến đấu.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm (1945-1975), ngay sau khi giành được chính quyền, chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước tương trợ Lào-Việt Nam và Hiệp định về tổ chức liên quân Việt Nam-Lào, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Lào-Việt Nam.

Với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường,” trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam giai đoạn từ năm 1945-1975, hai nước đã liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia.

Du khách tham quan Khu di tích Lao Khô. Bản Lao Khô thuộc xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) là biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi coi hạnh phúc và thịnh vượng của anh em Lào cũng như của mình” cùng phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình” được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam lĩnh hội, tiếp tục soi rọi trong tiến trình lịch sử của hai dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên minh chiến đấu Việt-Lào để cùng chung sức đẩy mạnh kháng chiến chống kẻ thù chung. Những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào sát cánh cùng lực lượng vũ trang Pathet Lào trong cuộc kháng chiến.

Quyết tâm, hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc Hiệp định Genève năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.

Theo PathetLao, từ sau năm 1954, tinh thần đoàn kết Lào-Việt Nam càng được hun đúc, tôi luyện khi hai nước hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra.

Ngày 5/9/1962, Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam-Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy vinh quang, góp phần to lớn giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2/12/1975 tại Lào.

Bước vào thời kỳ mới xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1975 đến nay), quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ Lào-Việt Nam là việc hai nước chính thức ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, sự hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Từ năm 1986 hai nước cùng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng được lãnh đạo hai nước chú trọng nâng lên tầm cao mới, trong điều kiện lịch sử chung của hai nước đều kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ,Việt Nam-Lào, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi nước, kết hợp thỏa đáng thông lệ và tập quán quốc tế với tính chất đặc biệt của quan hệ Lào-Việt Nam, có sự ưu tiên cho nhau, phù hợp với khả năng của mỗi nước.

Bước sang thế kỷ XXI, đây là giai đoạn hai nước tăng cường đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên nền tảng hai quốc gia đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới.

Những thành quả từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng-an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước.

Ấn phẩm của Thông tấn xã Lào khẳng định, nhìn lại lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào qua hơn 9 thập niên kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đến nay, nhân dân hai nước có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc; tự hào khi chứng kiến mối quan hệ này đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước.

Có thể nói, trong từng bước tiến của hai nước, hai dân tộc hôm nay, đều có sự đóng góp tích cực của hai bên giúp cho quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng keo sơn, bền chặt, trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc.

Năm nay, người dân hai nước Lào và Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phong phú để kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017); 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam (18/7/1977-18/7/2017), và chào mừng Năm Hữu nghị, Đoàn kết Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022.

Đây là dịp để hai nước cùng nhau tiếp tục khẳng định quyết tâm phấn đấu kế thừa và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Sinh viên tham quan triển lãm ảnh về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục