Quan hệ 'lạnh về chính trị, nóng về kinh tế' giữa Mỹ và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden không hề có những động thái cải thiện quan hệ với Trung Quốc như kỳ vọng của dư luận bên ngoài mà ngược lại đã kế thừa quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump.
Quan hệ 'lạnh về chính trị, nóng về kinh tế' giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: ecfr.eu)

Theo Want Daily (Hong Kong, Trung Quốc), kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden không hề có những động thái cải thiện quan hệ với Trung Quốc như kỳ vọng của dư luận bên ngoài mà ngược lại đã kế thừa quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump, tiếp tục đường lối chống Trung Quốc.

Điều này không những khiến cho cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, mà không gian đàm phán và hợp tác song phương cũng có thể bị thu hẹp.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Biden đã nhiều lần nói rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần là tranh giành quyền chủ đạo về kinh tế-thương mại toàn cầu, mà là sự đối đầu thế kỷ giữa hệ thống dân chủ và chế độ độc quyền. Mối quan hệ cạnh tranh cường độ cao giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là trạng thái bình thường mới trong thời gian tới.

Chính trị căng thẳng, kinh tế-thương mại chặt chẽ

Phát biểu của ông Biden cho thấy quan hệ Mỹ-Trung không thể quay lại thời kỳ trước đây. Có điều, hai bên thể hiện hai bộ mặt đối lập khác nhau trên bàn đàm phán và ở hậu trường.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thu về 6,6 tỷ USD thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán Mỹ, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

[Khoảng cách Mỹ-Trung đang thu hẹp nhanh: Thực tế không thể đảo ngược]

Nhà cung cấp dữ liệu tài chính Dealogic nhấn mạnh rằng trên cơ sở IPO, nếu cộng thêm số tiền phát hành cổ phiếu để tăng vốn và trái phiếu chuyển đổi, quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn giao dịch New York và sàn Nasdaq đạt mức cao kỷ lục 11 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.

Điều này cho thấy mặc dù đối đầu "ăn miếng trả miếng" trên bàn đàm phán, nhưng sức hút của thị trường khổng lồ này đã tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đến Mỹ huy động vốn, và Mỹ cũng không đóng cửa đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Không chỉ thị trường tài chính, trao đổi thương mại song phương Mỹ-Trung cũng thể hiện rõ mối quan hệ ngày càng chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, trao đổi thương mại Mỹ-Trung quý 1/2021 đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đạt 119,2 tỷ USD, cao hơn các đối tác thương mại thứ nhất và thứ hai của năm 2020 là ASEAN (105,1 tỷ USD) và Liên minh châu Âu (110,2 tỷ USD), tỷ lệ tăng trưởng tính theo năm là 74,7%, vượt xa mức 37,1% của ASEAN và 56,7% của EU.

Do đó, mức thặng dư thương mại đối với Mỹ lên đến 72,6 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng xuất siêu. Ngay cả khi Mỹ áp thuế bổ sung từ 7,5%-25% với 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng đối với doanh nghiệp và người dân Mỹ, hàng hóa Trung Quốc vẫn có ưu thế giá cả và sức hấp dẫn tương đối cao, khó bị hàng hóa nước khác thay thế.

Rõ ràng, kể từ khi Donald Trump khơi mào cuộc đối đầu Mỹ-Trung vào tháng 3/2018, Mỹ đã tìm cách áp dụng các biện pháp khác nhau như gia tăng áp thuế bổ sung, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trừng phạt công nghệ... để buộc Trung Quốc khuất phục, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng hiệu quả không như mong muốn, thậm chí từng bước phản tác dụng.

Tổ chức thuế Mỹ (Tax Foundation) nhấn mạnh việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã làm tăng thêm chi phí 80 tỷ USD cho ngành sản xuất Mỹ, đồng thời gây nên tác động tiêu cực lớn đối với nền kinh tế Mỹ.

Điều quan trọng hơn là thị trường phải trả giá cho các hành vi khiêu khích và trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc.

Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ quan hệ mật thiết với Trung Quốc, bao gồm các công ty xuyên quốc gia nổi tiếng như Qualcomm, Intel, Advanced Micro Devices (AMD)... đều muốn Bộ Thương mại Mỹ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu chip.

Hiệp hội thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI) kiến nghị mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh Chính quyền Joe Biden không thể tiếp tục đi theo lối mòn dưới thời Trump mà phải nhanh chóng cấp phép để doanh nghiệp Mỹ cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Huawei.

Tương tự, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cũng kêu gọi cần phải đột phá đổi mới ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, không nên dựng lên rào cản xuất khẩu của chính phủ đối với công nghệ chip.

Một khi các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ mất đi doanh thu từ thị trường Trung Quốc thì sẽ rất khó bù đắp từ các thị trường khác, thậm chí có thể làm suy giảm năng lực và nguồn kinh phí nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp Mỹ.

Cạnh tranh tích cực dựa trên quy tắc thị trường

Những ví dụ minh họa nói trên đều cho thấy các doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách vượt qua rào cản chính trị do chính phủ Mỹ dựng lên, dựa trên quy tắc thị trường về so sánh lợi ích và phân công lao động chuyên nghiệp.

Đặc biệt, những doanh nghiệp Trung Quốc đối diện với sự kiềm hãm của Mỹ càng thể hiện rõ hơn quyết tâm, tìm cách thoát khỏi vòng vây phong tỏa, trong đó, niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ để huy động vốn là một biện pháp.

Các ông lớn công nghệ như Alibaba, Tencent... đã tích cực triển khai nghiệp vụ đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A) và liên minh chiến lược ở nước ngoài, đây cũng là một biện pháp khác.

Đầu tháng 3/2021, mặc dù đối diện với những tranh luận từ chính phủ Nhật Bản, nhưng Tencent vẫn quyết định đầu tư 65 tỷ yen để trở thành cổ đông lớn của Rakuten, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Nhật Bản.

Trong cùng thời gian đó, kỳ lân thương mại điện tử mua bán đồ cũ Mercari của Nhật Bản cũng đã chọn Alibaba làm đối tác chiến lược để tiến quân vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Tất cả những điều đó cho thấy động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên phía trước không phải là sức mạnh của chính phủ, mà là sức hút của thị trường.

Cục diện đối đầu Mỹ-Trung đã bước vào năm thứ 4. Mặc dù Tổng thống Joe Biden khác với cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng hai bên vẫn khó tránh khỏi vấn đề cạnh tranh "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt bình thường mới, Mỹ và Trung Quốc đều phải nhận thức chính xác cạnh tranh cần dựa trên sức hút thị trường, chứ không phải thông qua sức mạnh chính trị, lấy danh nghĩa cạnh tranh để đối đầu.

Cạnh tranh dựa trên nguyên tắc thị trường là cạnh tranh lành mạnh, có lợi cho cộng đồng xã hội. Việc có thể đưa nhiều hơn các nhân tố hợp tác vào trong cạnh tranh, giảm thiểu đối đầu và xung đột không những mang lại triển vọng lạc quan cho doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc, mà đó còn là may mắn đối với thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục