Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng

Trung Quốc đã đóng vai trò gần như là sự điểm tựa về tài chính và đầu tư duy nhất cho chính phủ gây tranh cãi và bị chỉ trích nhiều trên trường quốc tế của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng ảnh 1Hàng viện trợ của Trung Quốc đến Caracas. (Nguồn: CNN)

Venezuela thường được nhìn nhận như viên ngọc bích trên vương miện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Không phải ngẫu nhiên mà dù là nền kinh tế nhỏ hơn khá nhiều so với Brazil và Mexico, Venezuela lại là quốc gia thụ hưởng nhiều nhất các khoản tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc tại Mỹ Latinh, thậm chí là với một tỷ lệ ấn tượng là 42% tổng giá trị tín dụng cho toàn khu vực.

Từ năm 2005 tới năm 2017 đã có 17 khoản tín dụng cỡ lớn được cấp, chưa kể tới các khoản tín dụng mới được giải ngân trong năm 2019 theo thỏa thuận vào tháng 10/2018, với giá trị - để lấy ví dụ so sánh - gấp 3 lần tổng số tín dụng cấp cho Bolivia trong 12 năm trước đó, dù La Paz cũng là một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh tại khu vực cho tới tháng 10/2019.

Trung Quốc đã đóng vai trò gần như là sự điểm tựa về tài chính và đầu tư duy nhất (do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ thấp hơn rất nhiều) cho chính phủ gây tranh cãi và bị chỉ trích nhiều trên trường quốc tế của Tổng thống Nicolas Maduro, một Chính quyền đang chịu hàng loạt trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và Liên minh châu Âu, chỉ tính riêng từ tháng 8/2017.

Hệ quả là mối quan hệ Trung Quốc-Venezuela đã trở thành một vấn đề địa chính trị và một cuộc tranh giành không gian ảnh hưởng đáng chú ý.

Để tìm hiểu sâu về mối quan hệ mật thiết này, cần phải giải thích một cách ngắn gọn những yếu tố quyết định dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế vĩ mô của quốc gia Nam Mỹ và tìm hiểu vì sao các khoản đầu tư của Trung Quốc lại có những hình thái cụ thể hiện hữu.

Không có bối cảnh đó, ta sẽ không thể hiểu được mức độ sâu rộng của mối quan hệ song phương và luận điểm rằng Venezuela đang chịu những bất lợi lớn trong cách thức xây dựng mối quan hệ này như hiện tại.

Chu kỳ kinh tế thăng hoa nhờ thuận lợi về giá cả các mặt hàng nguyên liệu

Biến thiên trong chu kỳ kinh tế của Venezuela có thể quan sát được qua biểu hiện đơn giản nhất; đó là mức độ lên xuống của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Lật lại những thông số từ năm 1950, có thể dễ dàng quan sát được dao động khá lớn và liên tục của tốc độ tăng trưởng GDP của Venezuela. Những chu kỳ tăng trưởng cao và sụt giảm liên tục xen lẫn nhau cũng dẫn tới dao động liên tục trong sản xuất, phản ánh độ nhạy cảm của quốc gia Nam Mỹ này đối với giá cả dầu thô trên thị trường thế giới.

Mặt hàng “vàng đen” này chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của Venezuela trong những năm thuận lợi (như năm 2012) và sụt xuống mức 65% khi giá cả trên thị trường quốc tế được coi ở mức thấp khiến lợi tức không còn ở mức dồi dào và tỷ lệ lợi nhuận của cũng giống như một ngành công nghiệp “bình thường.”

Cũng theo các thông số này, trong giai đoạn cách mạng Bolivar (kể từ khi cố tổng thống Hugo Chavez nhậm chức từ năm 1999 tới nay) mức độ tăng trưởng có thể lên tới mức 8% trong “thời kỳ hoàng kim” của dầu thô (2005-2008), đẩy mức thu nhập từ xuất khẩu lên tới 3 lần so với giai đoạn trước đó.

[Venezuela và Trung Quốc ký các thỏa thuận hợp tác gần 3 tỷ USD]

Đây cũng chính là thời kỳ mà phong trào chính trị Bolivar mạnh mẽ và cấp tiến nhất, với các luận điểm về “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” và thúc đẩy các dự án hội nhập thương mại khu vực như Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA, với mục tiêu thay thế cho ALCA hay Khu vực tự do thương mại châu Mỹ do Mỹ thúc đẩy), cùng một tiến trình quốc hữu hóa ồ ạt các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ cỡ lớn như ximăng, sắt thép, viễn thông, ngân hàng và mỏ.

Việc giá dầu thô lao dốc đột ngột vào cuối năm 2008 và suốt năm 2009, hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đã chặn đứng các dự án đầu tư khổng lồ đó cùng các tham vọng chính trị rộng lớn nhất của Caracas.

Năm 2011, nền kinh tế Venezuela có được tốc độ phục hồi đáng kể nhờ vào đợt tăng giá mới của dầu thô trên thị trường thế giới, từ mức 35 USD/ thùng năm 2009 lên tới mức xấp xỉ 120 USD/thùng trong giai đoạn 2011-2013.

Khủng hoảng bùng nổ sau nhiều năm âm ỉ

Hồi kết của chu kỳ mở rộng kinh tế bằng lợi tức dầu mỏ lộ rõ vào giai đoạn 2014-2018, với 5 năm sụt giảm GDP tính theo đầu người liên tiếp, điều chưa từng có trước đó trong lịch sử kinh tế Venezuela.

Các năm 2017, 2018 đã chứng kiến quá trình trầm trọng hóa khủng hoảng với mức siêu lạm phát phi mã phá vỡ mọi kỷ lục của châu Mỹ trước đó.

Trong bối cảnh đó, có thể tổng kết tình trạng kinh tế 2019, trong khi chờ đợi những thông số và báo cáo chính thức, như sau:

Đây là năm thứ năm liên tiếp, Venezuela có chỉ số lạm phát cao nhất thế giới, mà theo ước tính của Quốc hội là 1.698488,2%. Mặc dù con số này có thể phóng đại do lập trường đối lập của cơ quan lập hiến này, thì con số mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, 130.060%, lại có vẻ như quá thấp, do phương pháp họ áp dụng đã không tính toán được giá trị thực của rất nhiều loại hàng hóa khi chỉ đưa vào thống kê biểu giá đã được Chính phủ điều tiết.

Theo Ủy ban Tài chính của Quốc hội, nền kinh tế có mức sụt giảm khủng khiếp tới 50,61% trong giai đoạn 2013-2018, một sự sụp đổ kinh tế chưa từng thấy tại châu Mỹ. Do đó, không có sự cách biệt lớn so với con số ước tính 47,7% của Ngân hàng Trung ương. Nói cách khác, sự đổ vỡ là không thể phủ nhận.

Venezuela có mức thâm hụt ngân sách ở mức 2 chữ số (ít nhất là năm thứ sáu liên tiếp), chỉ số rủi ro đất nước ở mức cao nhất thế giới (hơn 6.000 PB theo thang EMBI+ của hãng JPMorgan), dự trữ quốc tế thấp nhất trong vòng 20 năm qua (chưa tới 8,8 tỷ USD) và thiếu hụt trầm trọng hàng hóa và dịch vụ cơ bản (lương thực và thuốc men).

Với các chỉ số này, công thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, việc tiếp cận các nguồn tài chính từ các thị trường truyền thống bên ngoài là không thể.

Trị giá của đồng USD ở thị trường thứ cấp (hay “chợ đen”, thường được dùng để định giá hầu hết các mặt hàng trong nền kinh tế thực) đã tăng 88.000 lần trong năm 2018, yếu tố đã phá hoại gần như triệt để sức mua của người dân. Đồng lương thực tế của người dân đã giảm tới 95% trong giai đoạn 2013-2018.

Quan hệ Trung Quốc-Venezuela qua những con số

Rất khó để khảo sát quan hệ giữa Venezuela và các doanh nghiệp Trung Quốc, khi các hợp đồng đều được giữ trong bí mật và việc tìm hiểu các thông số như giá trị chính xác, điều kiện hợp đồng hay các tổ chức liên quan là nhiệm vụ gần như bất khả thi khi không có một văn phòng hay đơn vị nhà nước nào của Venezuela có chức năng tập hợp các thông tin trên.

Chính phủ theo tư tưởng Bolivar bắt đầu những bước tiếp cận tới quốc gia đông dân nhất thế giới từ năm 1999, ngay khi cố Tổng thống Hugo Chavez nhậm chức. Giá trị xuất khẩu của Venezuela sang Trung Quốc năm 1998 chỉ đạt mức 10,6 triệu USD, trong khi nhập khẩu cũng chỉ ở mức 87,9 triệu USD.

Mức thâm hụt 77 triệu của Venezuela khi đó là hoàn toàn hiểu được khi về cơ bản họ chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc nhựa đường (58% giá trị) và quặng sắt (29%).

Dầu thô vẫn chưa lộ diện trong trao đổi mậu dịch song phương và các hợp đồng khai thác dầu khí bạc triệu thì càng không, và khi đó tỷ lệ xuất khẩu dầu thô của Venezuela sang châu Á cũng chỉ là 2% trong tổng kim ngạch.

Kể từ cuộc đàm phán chính thức đầu tiên vào năm 2004 (khi sự ổn định chính trị tại Venezuela dưới thời của Chính phủ Bolivar đã được đảm bảo), hai bên ký kết các bản ghi nhớ để thành lập Ủy ban Năng lượng hỗn hợp giữa Chính phủ Venezuela và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc; thêm vào đó là thỏa thuận để triển khai dự án xây dựng nhà ở với tập đoàn CITIC.

Cuối năm 2004, Chính phủ Venezuela thực hiện thỏa thuận với tập đoàn Lanchao của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, và hai bên cho ra đời liên doanh song phương đầu tiên, mang tên VIT (Venezolana de Industrias Tecnológicas).

Khảo sát lịch sử thống kê về trao đổi thương mại song phương cho thấy cho tới tận năm 2004, mối quan hệ này hầu như không tồn tại và các hoạt động nhập khẩu từ cả châu Á cũng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị nhập khẩu của Venezuela, với mặt hàng chủ chốt là xe hơi Nhật Bản - nước có đặt nhiều cơ sở lắp ráp cỡ lớn tại Venezuela.

Từ góc độ của Venezuela, việc thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc chủ yếu mang tính chất chính trị, dựa vào sự đồng điệu nhất định về tư tưởng hệ giữa hai đảng cầm quyền, và được củng cố qua liên minh với Cuba cũng như mục tiêu quảng bá “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI,” mà cựu Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng sau 6 năm cầm quyền.

Trong bối cảnh đó, giá trị xuất khẩu từ Venezuela sang Trung Quốc đã có mức tăng ấn tượng 117.311,5% trong giai đoạn 1999-2012, với năm 2012 là mức đỉnh trong quan hệ song phương, do giá dầu thô năm đó tăng cao.

Hoạt động nhập khẩu cũng không tụt lại phía sau, và như đã đề cập, đất nước tại bờ Nam biển Caribe bắt đầu nhập khẩu hàng loạt máy móc Trung Quốc với ý định mở rộng sản xuất công nghiệp trong nước. Giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Venezuela gần chạm mức 10 tỷ USD vào năm “siêu lợi tức” 2012.

Cán cân thương mại song phương trong trường hợp này là đáng quan tâm, khi nó dường như bác bỏ niềm tin xưa nay rằng nếu xuất khẩu thuần túy là sản phẩm nguyên liệu và nhập khẩu là hàng hóa công nghiệp và chế tạo, thì cán cân luôn ở mức âm.

Tuy nhiên, những thống kê ghi lại cho thấy cán cân thương mại luôn rất có lợi cho Venezuela trong những năm hoàng kim của mô hình lợi tức, khi giá dầu thô ở mức ngất ngưởng trên thị trường quốc tế và hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ mới ở giai đoạn thai nghén.

Từ năm 2011-2014, Venezuela hưởng mức thặng dư thương mại luôn trên 3 tỷ USD với Trung Quốc, với mức đỉnh là năm 2011, với mức dương tới trên 5 tỷ USD.

Tất nhiên, kể cả thông số “đẹp” đó cũng không thể gạt sang bên những chỉ trích về tính chất đơn ngành của hoạt động xuất khẩu cùng những cái giá phải trả về môi trường mà không bao giờ được tính toán hết trong hoạt động đó, chưa kể tới tính mong manh về kinh tế do sự phụ thuộc thái quá vào một yếu tố đầy bấp bênh như giá dầu thô.

Tính mong manh đó được minh chứng qua sự sụt giảm mạnh chỉ số thặng dư trên trong giai đoạn 2013-2015, bắt nguồn từ việc dầu thô rớt giá.

Trong hai năm 2017 và 2018, sự sụt giảm thặng dư còn xuất phát từ cuộc khủng hoảng của ngành dầu khí Venezuela nói chung khiến sản lượng tụt dốc không phanh. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có các số liệu được cập nhật hơn về tình hình thương mại song phương.

Vai trò của tín dụng Trung Quốc đối với Venezuela

Trong giai đoạn 2005-2015, Venezuela là nước tiếp nhận tới hơn 50% tổng giá trị tín dụng của Trung Quốc cho toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, và tới năm 2017 tỷ lệ này vẫn còn ở mức 42%.

Để so sánh, cần biết rằng cũng trong giai đoạn 2005-2017, tỷ trọng của Brazil trong tổng giá trị tín dụng của Bắc Kinh cho Mỹ Latinh chỉ là 27,99% bất chấp là một nền kinh tế có quy mô lớn hơn Venezuela nhiều; tiếp đó là Argentina với 12,1%, Ecuador (11,57%), Bolivia (2,33%), Trinidad và Tobago (1,73%), Jamaica (1,4%), và các nước khác không nước nào vượt quá 1%. 

Thêm vào đó, cần phải tính tới các khoản tín dụng ưu đãi được cấp vào cuối năm 2017 và trong năm 2018 cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động khai thác tại Dải Dầu khí Orinoco.

Đây là kết quả của 28 hiệp định song phương mới được ký kết, trong đó phải kể tới các nghị định thư về việc nhượng lại 9,9% cổ phần của công ty liên doanh Sinovensa, đánh giá quá trình thăm dò tại lô Ayacucho 6 tại Orinoco, và tăng cường hợp tác trong thăm dò và khai thác khí đốt tại Venezuela. 

Thêm vào đó, hai bên đã đạt thỏa thuận về dịch vụ toàn phần khoan 300 giếng mới tại Phân khu Ayacucho và ký Bản ghi nhớ về đánh giá tính khả thi của thử nghiệm nhiệt của Liên doanh Petrourica.

Cuối cùng, hai bên cũng nhất trí về khung khái niệm cho việc thành lập và vận hành một liên doanh giữa tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA và tổng công ty dầu khí Trung Quốc CNPC.

Tất cả những thỏa thuận này có thể nâng tổng giá trị tín dụng Venezuela nhận được từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc lên mức trên 50% tổng giá trị tín dụng mà Bắc Kinh cấp cho toàn bộ Mỹ Latinh.

Chưa kể tới việc từ năm 2018, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô của Venezuela lớn thứ hai thế giới, và ở mức rất sát với Mỹ.

Một chi tiết quan trọng khác, như đã liệt kê ở trên, là việc PDVSA bán lại 9,9% cổ phần của mình trong liên doanh Sinovensa, thương vụ bao hàm nguy cơ vi phạm Hiến pháp, cũng như tất cả các hiệp định song phương khác được ký kết từ năm 2016 tới nay.

Điều này bắt nguồn từ quy định mọi hiệp định dưới dạng này cần được Quốc hội xem xét và thông qua, trong khi cơ quan lập pháp có tới 66% số ghế thuộc về phe đối lập này đang bị Tòa án Tư pháp tối cao (cụ thể là Phòng hiến pháp) - do Chính phủ kiểm soát - đình chỉ chức năng hoạt động.

Trên thực tế, Quốc hội gần như đã bị giải tán và tất cả các thỏa thuận nêu trên được chuyển cho Tòa án tối cao “thẩm định” mà không qua bất kỳ một cuộc tranh luận công khai nào. 

Ngoài ra, Luật Dầu khí của Venezuela quy định rằng trong mọi liên doanh với nước ngoài, tỷ lệ cổ phần của PDVSA không được thấp hơn 60%, trong khi đó trong trường hợp của Sinovensa, tỷ lệ cổ phần của Trung Quốc đã lên tới 49,9%, vi phạm trắng trợn quy định trên.

Trong bối cảnh này, đã có nhiều dự báo rằng các liên doanh dầu khí thành lập sau này như Petrourica và Petrozumano cũng sẽ có số phận tương tự với việc bán lại cổ phần cho các đối tác Trung Quốc.

Từ năm 2008, Venezuela nhận tín dụng từ Trung Quốc nhiều hơn từ bất cứ quốc gia nào khác, và tổng giá trị các nguồn vốn này tương đương với gần 1/3 toàn bộ số vốn mà Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho vay tại tất cả các quốc gia khác trong thời gian trên.

Mặt khác, quỹ đầu tư chung trị giá 6 tỷ USD mà hai nước nhất trí thành lập trước đó, đã được thỏa thuận tăng vốn lên gấp đôi vào năm 2009 thành 12 tỷ USD, trong đó Bắc Kinh đóng góp 8 tỷ USD và Caracas 4 tỷ USD, với cam kết là để trang trải cho các dự án xã hội và hạ tầng tại quốc gia Nam Mỹ, nhưng trên hết là để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dầu khí từ Venezuela sang Trung Quốc.

Tập đoàn nhà nước khổng lồ PetroChina từng đạt thỏa thuận khai thác 200.000 thùng/ngày, và kế hoạch cho năm 2017 từng được đề ra mức đầy tham vọng 800.000 thùng/ngày nhưng tới nay vẫn chưa đạt được.

Đáng chú ý là các hợp đồng song phương được ký kết chủ yếu khi giá dầu ở mức cao (giai đoạn 2007-2013), và khi mức giá này lao dốc trong năm 2015, Venezuela đã không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán bằng số lượng dầu gửi như tính toán ban đầu, do đó phải bù đắp bằng các nguồn lực rút từ các hoạt động xuất khẩu dầu khí của PDVSA.

Trên thực tế, gần như Venezuela đã phải gửi gấp đôi số thùng dầu so với thời điểm ký kết thỏa thuận để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Trung Quốc, và điều này càng làm tồi tệ thêm cán cân thương mại của quốc gia Nam Mỹ này, khi PDVSA “đánh mất” một số lượng lớn dầu thô đáng ra có thể xuất khẩu sang các thị trường khác để lấy thanh khoản “tươi.”

Các khoản đầu tư và tín dụng của Trung Quốc vào Venezuela đi về đâu?

Ngày 18/9/2008, Công báo Venezuela đăng Luật phê chuẩn Hiệp định giữa Venezuela và Trung Quốc về việc thành lập quỹ đầu tư chung với vốn khởi điểm là 6 tỷ USD (tuyến A), trong đó 4 tỷ USD là do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đóng góp, và 2 tỷ USD từ Quỹ Phát triển quốc gia Venezuela (FONDEN).

Quỹ này bao gồm nguồn lực từ cả hai nước và được dự kiến sử dụng cho một dự án xây dựng hàng loạt hạ tầng cơ sở đường bộ và viễn thông.

Cũng trong khuôn khổ siêu dự án này, Cơ quan Hoạt động Không gian Bolivar đã được thành lập với mục tiêu phóng ba vệ tinh do Trung Quốc sản xuất, cùng khả năng chuyển giao công nghệ ở mức nhất định.

Ngoài ra, quỹ này còn cần phải phục vụ, với quy định chặt chẽ, việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc và thuê dịch vụ của nhà thầu xây dựng Trung Quốc.

Quỹ đầu tư song phương này được dự tính cung cấp tài chính cho 220 dự án quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực phát triển như hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp, hệ thống giao thông công cộng, viễn thông và điện năng.

Trong số các dự án này, nổi bật có dự án phát triển Cộng đồng Công nông nghiệp Thung lũng Tuy, tại bang Miranda: Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội Venezuela (BANDES) từng thông báo rằng khoản đầu tư cho cộng đồng này trị giá 64 triệu USD, tất cả đều thông qua quỹ đầu tư song phương, và việc triển khai dự án theo quy hoạch bao gồm việc xây dựng một nhà máy sữa và thực phẩm cân bằng, các khu chăn nuôi bò thịt, sản xuất sữa, 10 nhà trồng cây trong không gian có kiểm soát và các trung tâm nuôi lợn và gia cầm. Tới nay, tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.

Cho dù vốn ban đầu chỉ là 6 tỷ USD, nhưng cơ quan được gọi là “Quỹ Trung Quốc” này đã điều hành, phân bổ tổng lượng vốn lên tới 68 tỷ USD, tương đương gần 1/10 thu nhập từ dầu khí trong giai đoạn 2007-2017 của Venezuela (727,609 tỷ USD). Vậy họ đã làm gì với tất cả số vốn khổng lồ đó?

Người ta cho rằng có tới gần một nửa số vốn khổng lồ đó được đổ vào máy móc, vật tư và cơ sở xây dựng của Trung Quốc, nhưng lượng đầu tư mang tính công nghiệp hóa đó chưa bao giờ được chuyển hóa thành mức tăng hoạt động sản xuất nói chung.

Không có bất cứ một sổ sách lưu trữ thống kê hợp nhất nào về nghĩa vụ tài chính còn tồn đọng của ba tổ chức trên (Quỹ Trung Quốc và hai cơ quan tài chính cấu thành) và không có bất kỳ cơ quan nào có đủ khả năng giải trình 100% điểm đến và số phận của các khoản đầu tư đã qua tay Quỹ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới mọi góc độ đánh giá, Quỹ Trung Quốc rõ ràng là một dạng tuyến tín dụng được ngụy trang, gắn chặt với nguồn dầu khí của Venezuela, nhưng lại hoạt động không có giám sát hay kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào liên quan tới Quốc hội, cơ quan kiểm toán hay kiểm sát của quốc gia Nam Mỹ.

Việc bàn giao dầu thô Venezuela diễn ra tại các hải cảng Trung Quốc trong những năm đó đã tăng từ mức 230.000 thùng/ngày ban đầu lên mức 430.000 thùng/ngày, rồi 660.000 thùng/ngày, cho tới khi cuộc khủng hoảng sản xuất của PDVSA bùng phát sâu rộng tới mức Caracas buộc phải đề nghị một thời gian ân hạn và được Bắc Kinh chấp nhận với điều kiện phải chuyển giao tới 1/3 sản lượng dầu thô giờ đây đã rất hạn chế của Venezuela.

Đây là hiện tượng chảy máu ngoại tệ ồ ạt khó giải thích, khi biết rằng nó làm biến mất một khối lượng lớn vốn đầu tư của hệ thống sản xuất quốc gia Venezuela.

Về cơ bản, có thể nói đó là sự xuất khẩu lợi tức dầu mỏ để đổi lại gần như không gì cả. Đã quá rõ ràng là việc bán lại lượng ngoại tệ đó cho giới doanh nghiệp bản địa (tư nhân hay nhà nước) đề nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và thiết bị công nghiệp hẳn là lựa chọn tốt hơn nhiều lần, đồng thời minh bạch hơn và ít tổn thương hơn cho nền kinh tế. 

Chính phủ cũng đã có thể mở một tuyến tín dụng bằng ngoại tệ cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện đấu thầu một cách minh bạch các công trình cần xây dựng và như vậy tránh được việc đánh tháo quy mô lớn lượng ngoại tệ cần thiết cho phát triển quốc gia.

Thế nhưng, không có điều nào trong số các lựa chọn này được triển khai và việc kinh doanh với Trung Quốc là đặc biệt đáng trách và độc hại cho di sản quốc gia.

Hiện tại, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất trên thế giới của Venezuela, và tới năm 2018 quốc gia đông dân nhất thế giới sở hữu khoản nợ nước ngoài trị giá 23 tỷ USD của Venezuela.

Như đã đề cập, Caracas đã cố gắng giảm bớt lượng thanh toán bằng cách đề nghị Trung Quốc giảm bớt lượng dầu thô trừ nợ để mở rộng chút ít hoạt động xuất khẩu đang sa sút thê thảm. 

Tới cuối năm 2017, Venezuela đã chính thức không trang trải được một khoản trái phiếu tự chủ tới hạn vào tháng 9 năm đó và chậm trả 16 khoản trái phiếu tự chủ khác có tổng mệnh giá 1,81 tỷ USD.

Tình hình tài chính của đất nước Bolivar là cực kỳ nghiêm trọng và tình trạng vỡ nợ kỹ thuật dần lan rộng. Trong hoàn cảnh đó, sự phụ thuộc vào Bắc Kinh càng gia tăng và càng có hại cho Ngân khố quốc gia Venezuela.

Những đặc khu kinh tế và nhượng bộ "hào phóng" cho Trung Quốc

Khi những khó khăn về tài chính ngày càng chồng chất, Chính phủ Venezuela quyết định thành lập 7 Đặc khu kinh tế, trong đó chào mời nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trong nước và quốc tế - mà chủ yếu là từ Trung Quốc.

Sắc lệnh Luật 1.425 ban hành tháng 11/2014 (trong một số trường hợp được Quốc hội thông qua từ trước, Tổng thống Venezuela được trao quyền đặc biệt và các sắc lệnh của ông có giá trị như luật) đã ấn định việc thành lập và sau đó là vận hành các đặc khu phát triển này trong khuôn khổ chương trình Hệ thống quốc gia về Phân cấp quyền lực khu vực, mà về phần mình, chương trình này lại thuộc về Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội quốc gia.

Theo đó, khu vực phát triển chiến lược Dải dầu khí Orinoco - nơi có trữ lượng dầu thô đã kiểm chứng lớn nhất thế giới – được mở cửa cho các công ty tư nhân tiến hành khai thác và xử lý dầu thô, với mục đích là biến nơi đây thành một tổ hợp phát triển toàn diện, mà các nhà hoạch định rằng cho phép củng cố hoạt động sản xuất từ dầu khí cho tới lĩnh vực chế tạo và nông nghiệp.

Các đặc khu kinh tế nhìn chung cũng là một lớp bảo vệ mang tính pháp lý để chính phủ thỏa thuận các hợp đồng bí mật với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Từ đây, một loạt các điều khoản, khái niệm vô cùng có lợi cho các doanh nghiệp từ quốc gia đông dân nhất thế giới, trong khi trói tay các đại diện của Venezuela trong các trường hợp nảy sinh bất đồng, khiếu kiện hay phản đối phán quyết trong triển khai các công trình trong hợp đồng.

Có thể tóm tắt các điều kiện có lợi cho Trung Quốc này như Venezuela chịu toàn bộ những chi phí liên quan tới việc nhập khẩu và hợp pháp hóa máy móc và thiết bị phục vụ thi công công trình.

Việc chậm trễ trong nhập khẩu máy móc thiết bị sẽ được tự động chuyển thành lùi thời hạn bàn giao công trình với thời gian tương đương. Các doanh nghiệp Trung Quốc trong các Đặc khu kinh tế khi thuê nhà thầu xây dựng bản địa, sẽ được áp đặt các điều kiện ngặt nghèo như “Trị giá của hợp đồng này là không thể điều chỉnh hay chỉnh sửa lại.”

Tại các đặc khu kinh tế, các doanh nghiệp được quyền sử dụng nhân sự Trung Quốc không giới hạn và trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong quy chế hoạt động của các Đặc khu kinh tế, không có bất cứ quy định hay điều khoản nào về chuyển giao công nghệ.

Các đặc khu kinh tế được hưởng các ưu đãi về thuế cùng với những hiệp ước tránh đánh thuế hai lần, các quy định “linh hoạt” về môi trường và bộ máy tư pháp riêng liên quan tới hoạt động của công đoàn và các xung đột trong lĩnh vực lao động.

Việc huy động nhân lực làm ca đêm hay trong ngày nghỉ lễ được phép tiến hành hoàn toàn ngoài những giới hạn của Luật Lao động Venezuela.

Tại Đặc khu kinh tế Vòng cung Khoáng sản Orinoco (AMO), các doanh nghiệp Trung Quốc (và của cả các nước “đồng minh” khác) gần như được cấp phép khai thác ồ ạt khoáng sản bằng các phương pháp độc hại với môi trường vùng rừng Amazon.

Nhiều chuyên gia gọi đây là sự hủy hoại thiên nhiên ngay tại một trong những khu dự trữ nước ngọt lớn nhất châu lục và là “lá phổi” nuôi sống Nam Mỹ. Không gian của vùng Đặc khu kinh tế tại AMO rộng tới 112.000 km2, tương đương với diện tích lãnh thổ của cả Cuba, gấp 2 lần Costa Rica.

Khu vực “tự do khai thác” này hầu như bị đặt ra ngoài vòng luật pháp và thường xuyên chịu đựng các cuộc đọ súng giữa các băng đảng buôn bán ma túy, quân đội và các nhóm bán quân sự, làm cản trở các hoạt động khai thác theo quy hoạch.

Đã có không ít những cáo buộc về tình trạng đội giá tại các công trình xây dựng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, thường được biện hộ bằng việc gia tăng giá thành do những đợt kéo dài tiến độ vô hạn định (trong trường hợp mà các công trình đó được thực sự thi công).

Một trong những trường hợp điển hình là hợp đồng ký kết tháng 11/2005 giữa công ty xây dựng CITIC của Trung Quốc với Bộ Nhà ở và Đô thị Venezuela: trong hợp đồng đầu tiên được ký kết về việc xây dựng 20.000 căn nhà với số vốn 905 triệu USD (khoảng hơn 45.000 USD/căn), doanh nghiệp Trung Quốc đã áp đặt điều kiện bảo mật và linh hoạt trong việc tăng giá thành theo tình hình thi công thực tế.

Giá trị của dự án sau đó tăng dần từ mức 905 triệu USD lên mức 2.115 tỷ USD vào năm 2019, tương đương 234% phụ trội. Đồng thời, thời gian thi công, được quy định 15 tháng vào thời điểm ký hợp đồng, giờ đây đã thành hơn 10 năm và dự án vẫn chưa hoàn thành. 

Tuy nhiên, dường như vẫn chưa đủ, Chính phủ Venezuela còn ký kết với CITIC hợp đồng xây dựng tổng hành dinh của các lực lượng Hải quân và Không quân, bất chấp việc các sĩ quan cao cấp không hài lòng khi việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng này được giao cho một nhà thầu nước ngoài.

Những hợp đồng khác như việc nhượng quyền khai thác vàng tại vùng Guyana, bao gồm cả việc lập bản đồ khoáng sản của cả khu vực này, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả Viện hàn lâm Toán học, Vật lý và Khoa học tự nhiên Venezuela và các tổ chức, hiệp hội ngành nghề chuyên môn khác phản đối với lập luận “chưa từng có một tiền lệ nào trên thế giới khi một quốc gia có chủ quyền lại giao cho doanh nghiệp nước ngoài tiến hành toàn bộ hoạt động chiến lược này.”

Các cuộc điều tra mới đây của Chính phủ Andorra đã phát hiện ra một “quỹ đen” 20 triệu USD do các doanh nghiệp Trung Quốc (trong số đó có Sinohydro) chi trả và các quan chức Venezuela thủ lợi, để đổi lấy việc ký kết một hợp đồng béo bở có trị giá tới 20 tỷ USD.

Mặc dù nhân vật trung tâm của vụ bê bối này đã được xác định là Diego Salazar, người em họ của cựu Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Rafael Ramírez, và mới đây đã bị bắt giữ, nhưng ai cũng hiểu rằng đây là “mô hình hoạt động” chung của những thương vụ kiểu này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục