Quan hệ kinh tế Mỹ và Trung Quốc: Sự chia cắt không dễ dàng

Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong, lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gắn kết, vì thế các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước không thể bị chia cắt bởi bên nào.
Quan hệ kinh tế Mỹ và Trung Quốc: Sự chia cắt không dễ dàng ảnh 1Leo thang cuộc chiến thương mại là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gắn kết, vì thế các mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới này không thể bị chia cắt bởi bất kỳ bên nào. Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đưa ra ngày 29/8, được cho là nhằm đáp lại việc một số nhà hoạch định chính sách Mỹ yêu cầu các công ty nước này rút khỏi Trung Quốc và tìm các thị trường thay thế.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng leo thang cuộc chiến thương mại là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và tất cả người dân trên toàn thế giới, thậm chí có thể gây ra những hậu quả "thảm khốc" cho thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước thông báo sẽ tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế trả đũa nhằm vào 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Donald Trump lại khẳng định cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ “sớm được nối lại” và đây sẽ là một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại của hai siêu cường kinh tế.

Mục đích của Tổng thống Trump đằng sau các biện pháp thuế

Những người theo đường lối cứng rắn cho rằng kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới năm 1978 và ngày càng thị trường hóa nền kinh tế của mình, người Mỹ đã tìm cách đưa Bắc Kinh hội nhập vào hệ thống kinh tế dựa trên quy tắc theo phong cách phương Tây, và nhận ra họ không thể làm điều đó. Trung Quốc và Mỹ không thể cùng chung không gian địa chính trị và kinh tế.

Các chuẩn mực sống và những kỳ vọng về xã hội và ý thức hệ của họ quá khác biệt. Trong khi đó, người Trung Quốc đang "lấy mất" công ăn việc làm, quyền sở hữu trí tuệ và sự thịnh vượng của Mỹ.

Giải pháp mà Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, thúc giục Tổng thống thông qua là kiên quyết tách khỏi Trung Quốc, trên thực tế là đảo ngược quá trình đạt được tiến bộ trong thương mại và tài chính toàn cầu hóa suốt 40 năm qua, phá bỏ các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ làm việc trong lĩnh vực địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã tiến triển thất thường.

Thái độ đó dường như ẩn sau một loạt dòng tweet gây sửng sốt của ông Trump hôm 23/8, sau khi Trung Quốc tuyên bố một đợt áp thuế mới đối với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD, tuyên bố rằng: “... Đất nước của chúng ta đã để mất hàng nghìn tỷ USD vào tay Trung Quốc trong nhiều năm. Họ đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta với mức hàng trăm tỷ USD/năm và họ muốn tiếp tục làm điều đó. Tôi sẽ không để việc này xảy ra! Chúng ta không cần Trung Quốc và nói thẳng ra là chúng ta sẽ khá giả hơn nhiều khi không có họ... Do đó, các công ty Mỹ vĩ đại của chúng ta ngay lập tức phải bắt tay tìm kiếm những lựa chọn thay thế Trung Quốc, kể cả việc đưa các công ty về nước và sản xuất tại Mỹ."

Trong khi đó, ông Trump tỏ ra cứng rắn hơn nhiều đối với các tập đoàn Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc bằng cách áp thuế. Và kể từ khi ông bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một số chuyên gia đã nghi ngờ rằng mục đích của ông từ đầu là đạt được điều gì đó ấn tượng hơn so với việc chỉ có một thỏa thuận mới. Bằng cách đòi hỏi những điều kiện khá cao từ Bắc Kinh - trên thực tế là yêu cầu nước này phải hủy bỏ hệ thống chủ nghĩa tư bản do nhà nước bảo trợ cũng như tuân thủ luật pháp và các quy định của phương Tây liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và hợp đồng kinh doanh - ông đã khiến các cuộc đàm phán thất bại và ủng hộ một “cuộc ly hôn” với Trung Quốc.

Trong hình dung của đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump, bằng cách nào đó, một kết quả như vậy sẽ khôi phục được sự thịnh vượng mà nhiều người Mỹ đang tiếc nhớ, từ những ngày tầng lớp công nhân trung lưu được trả lương hậu hĩnh chưa bị ảnh hưởng bởi “giá Trung Quốc” và nguồn cung cấp lao động giá rẻ dường như vô hạn, đặc biệt là từ Đông Á.

Adam Posen, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng: “Họ có thể gây ra nhiều thiệt hại, nhưng không thể đạt được điều mình mong muốn."

Ông tin rằng tách khỏi Trung Quốc là mục đích thực sự của Tổng thống Trump kể từ trước khi ông này trở thành Tổng thống. Ông Posen và những người khác không những chỉ ra thiệt hại đối với thị trường khổng lồ Trung Quốc mà còn cả sự tổn hại đối với uy tín toàn cầu của các thương hiệu Mỹ và khả năng các công ty châu Âu sẽ nhanh chóng bước vào để thay thế vị trí của Mỹ.

Michael Pillsbury, người từng có thời gian làm cố vấn cho Tổng thống Trump về vấn đề Trung Quốc, nói với tờ Foreign Policy rằng Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông đã bị chọc giận từ hồi tháng 4/2019, khi phía Trung Quốc có vẻ đã rút khỏi cam kết củng cố các biện pháp bảo hộ “có ràng buộc về mặt pháp lý” chống lại những hành vi vi phạm thương mại tại tòa án, được tóm gọn trong một thỏa thuận mang tính thăm dò dày 150 trang.

Ông Pillsbury cũng tin rằng các cuộc đàm phán này đã bị trì hoãn bởi một nhóm mới gồm các cố vấn có đường lối hiếu chiến xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bức màn sắt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc

Cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson là người tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc trong việc duy trì những khoản đầu tư lớn vào thị trường trái phiếu và chứng khoán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 1 thập kỷ trước, do đó đã giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái trở thành một cuộc khủng hoảng. Trong những bài phát biểu gần đây, ông Paulson đã cảnh bảo rằng Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách dựng lên “bức màn sắt kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bằng việc nhận diện Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như mối đe dọa kinh tế, những người có đường lối diều hâu ở Washington đang thảo luận về các cơ chế theo phong cách Chiến tranh Lạnh để kiểm soát công nghệ - lý do khiến Chính quyền Mỹ tìm cách gây sức ép buộc các nước khác phải từ bỏ việc mua các sản phẩm của công ty Huawei trong cuộc đua mạng 5G.

Tuy nhiên, như chiến dịch tẩy chay Huawei cho thấy giờ đây, môi trường không khác gì thời Chiến tranh Lạnh, vì lý do đơn giản là hầu hết các nước, trong đó có các đồng minh phương Tây sẽ vẫn làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc.

[Thương chiến Mỹ-Trung: Áp thuế bổ sung-‘cơn bão' mới ẩn họa khó lường]

William Reinsch, một chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết: “Ông Trump đã tự đưa mình vào thế mà ông sẽ chỉ còn hai lựa chọn: chấp nhận một thỏa thuận yếu ớt hoặc tiếp tục cuộc chiến."

Reinsch là cựu quan chức cấp cao tại Cục Thương mại và là cựu Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia. Về hai lựa chọn, nếu ông Trump tiếp tục cuộc chiến, các nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ đề cập đến chính sách thất bại, thiệt hại ngoài dự kiến, nhà đàm phán kém cỏi, rằng ông đã gây ra tất cả tổn thất này và không mang lại điều gì...Thay vào đó, nếu ông nỗ lực đạt được một thỏa thuận, ông có thể nói rằng đây là thỏa thuận tuyệt vời nhất từng có và tuyên bố chiến thắng.

"Đó là lý do tại sao tôi nghĩ kịch tính sẽ tiếp tục cho đến tháng 9 hoặc tháng 10/2020, thời điểm ông sẽ nỗ lực giành được một chiến thắng kỳ diệu hoặc điều gì đó mà ông sẽ gọi như thế," chuyên gia Reinsch nói.

Sự chia cắt không dễ dàng

Hầu hết giới quan sát cho rằng dù những sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có là gì thì việc chia tách hai nước ở thời điểm này sẽ giống như việc phẫu thuật tách rời những cặp song sinh dính liền và cuối cùng khiến Mỹ tổn thất nhiều hơn so với Trung Quốc.

Chuyên gia Reinsch nói việc tách rời “khó khăn hơn so với những người viết ra điều đó nghĩ và giỏi lắm cũng chỉ là sự tách rời một phần. Dù thế nào, cả hai nền kinh tế cũng sẽ đi theo cách đó - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có những bài phát biểu về việc Trung Quốc cần đi một mình và có một số lý do không phải từ ông Trump khiến các công ty Mỹ phải ra đi.

Chuyên gia này nói: “Nhưng chúng tôi có cảm giác rằng điều có khả năng xảy ra nhất là các công ty với khoản đầu tư đáng kể vào Trung Quốc sẽ ở nơi này và phục vụ các thị trường Trung Quốc và châu Á từ đây, nhưng sẽ phục vụ các thị trường Mỹ thông qua các chuỗi cung ứng không phải Trung Quốc."

Trước đó, Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ cho rằng việc tìm kiếm các thị trường thay thế là một quá trình dài và rất tốn kém. Phòng Công nghiệp thương mại Mỹ cũng cho rằng đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc là có lợi cho người dân cả hai nước.

Theo tờ Washington Post, những ngôn từ cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đang khiến mọi ngành nghề của Mỹ cố gắng hiểu xem họ có nên coi đây là chuyện nghiêm túc hay không, và liệu Nhà Trắng sẽ hành động như thế nào.

Các doanh nghiệp từ bán lẻ đến điện tử và hàng gia dụng mà phần đông trong số đó đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc kéo dài nhiều tháng đã liên hệ với các hiệp hội ngành nghề của họ để được hướng dẫn và chờ đợi thông báo chính xác hơn từ Nhà Trắng.

Magi Raible, người sáng lập LiteGear Bag, hãng sản xuất vali có trụ sở tại Vallejo, tiểu bang California cho biết công ty sẽ có một cuộc họp vào tuần tới với các đồng nghiệp trong ngành để bàn bạc việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để chuyển đến Ấn Độ hay Nam Phi.

Ông William Reinsch cho biết: “Dù sao đi nữa, trên thực tế nhiều công ty đã tính đến việc dời đi. Chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc”. Một số nhà sản xuất hàng may mặc và điện tử đã rời khỏi Trung Quốc và xu thế này gia tăng sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu ngày càng cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng rất ít các công ty trong số này đã đưa việc làm trở lại Mỹ. Thay vào đó, họ đã chuyển sang các nước khác có chi phí thấp hơn.

Các ngành công nghiệp khác cũng muốn rời khỏi Trung Quốc, nhưng họ gặp khó khăn để tìm được chuỗi sản xuất có cùng chất lượng song chi phí rẻ ở những nước khác. Ông Jonathan Gold, Phó Chủ tịch Chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn bán lẻ quốc gia, nói với Washington Post: “Các công ty muốn tìm địa điểm thay thế, nhưng việc này không thể xảy ra trong một đêm. Ngay cả khi họ thật sự dời đi thì phần nhiều trong số họ sẽ không trở lại Mỹ."

Một số nhà phân tích cho rằng các dòng tweet của ông Trump là một động thái đặc biệt quyết liệt nhằm vào Apple và các công ty công nghệ khác, vốn đặt hệ thống sản xuất của họ tại Trung Quốc. Trong hàng chục năm, Apple đã gắn bó chặt chẽ với cơ sở hạ tầng lắp ráp thiết bị điện tử của Trung Quốc.

Ông Dan Ives thuộc công ty chứng khoán Wedbush Securities, nhận định rằng trong trường hợp khả quan nhất, Apple sẽ mất 5 năm để chuyển một nửa sản lượng iPhone của họ ra khỏi Trung Quốc.

Rất nhiều ngành công nghiệp khác cũng dựa vào Trung Quốc. Delta Children, một nhà sản xuất đồ nội thất trẻ em của Mỹ, sản xuất khoảng 80% sản phẩm tại Trung Quốc.

Ông Joe Shamie, Chủ tịch công ty, cho biết trong những tháng gần đây, ông đã cố gắng chuyển sản xuất sang các nước khác, như Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhưng các nhà máy ở đó đã hoạt động hết công suất. Ông cũng đã cố gắng tìm cách sản xuất một số sản phẩm ở Mỹ, nhưng lại cần nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc trị giá khoảng 1 triệu USD, mà mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu 25% do chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt.

Công ty hàng thể thao Columbia Sportswear cho biết họ đã bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc khoảng 15 năm trước khi họ tìm thấy những nơi khác có chi phí rẻ hơn ở châu Á và châu Phi. Công ty hiện mua hàng từ 19 quốc gia nhưng khoảng 10% lượng hàng nhập khẩu của họ đến từ Trung Quốc.

Ông Timothy Boyle, giám đốc điều hành công ty, cho hay: “Trung Quốc không phải là nơi rẻ nhất trên thế giới để sản xuất, nhưng những mặt hàng được nhập từ Trung Quốc rất chuyên dụng và khó mà chuyển đi nơi khác."

Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, giáo sư dạy MBA tại Trường Quản lý Keller, cho rằng chỉ 10-15% khả năng các công ty Mỹ sẽ nghe theo yêu cầu này của ông Trump. Quá trình di dời sản xuất mất ít nhất 6 tháng đến một năm với chi phí từ hàng trăm triệu cho đến cả tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất ở nơi khác. Hơn nữa, sự gián đoạn trong quá trình sản xuất và chi phí đắt đỏ hơn ở nơi mới khiến doanh nghiệp mất thị trường, chưa kể mất đi thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Ngay cả khi di dời thì các công ty này cũng không về Mỹ mà sẽ tìm đến các quốc gia có chi phí thấp tương tự vì ở Mỹ chi phí kinh doanh đắt đỏ cộng với những điều luật khắt khe về lao động và môi trường, theo ông Lộc. Các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các công ty công nghệ vốn đặt phần lớn sản xuất ở Trung Quốc. Đây là những công ty góp phần tạo nên sức mạnh kinh tế Mỹ trong thời gian qua và giữ cho chỉ số chứng khoán Mỹ luôn ở mức cao.

Còn về kinh tế Trung Quốc, tiến sỹ Lộc cho rằng nền kinh tế hàng đầu châu Á này sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì các nhà thầu lớn nhỏ của Trung Quốc gia công cho các công ty Mỹ sẽ phải đóng cửa và sa thải nhân công hàng loạt. Tuy nhiên ông cho rằng việc gián đoạn này “không đến mức làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc” mà chỉ làm cho nền kinh tế Trung Quốc “không đủ để nuôi dân” và “người dân nước này sẽ nghèo đói."

Trong tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhận định việc "chia cắt" hai nền kinh tế không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Mỹ mà còn đe dọa đến an ninh chuỗi công nghiệp toàn cầu và gây nguy hiểm đối với thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế thế giới.

Ông Cao Phong cho rằng bản chất của các mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là cùng có lợi, và hai bên không phải là những đối thủ của nhau trong "một cuộc chơi có tổng bằng 0" mà là các đối tác cùng lợi ích và "có đi có lại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục