Quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan tiếp tục leo thang căng thẳng

Quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Ba Lan áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước.
Quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan tiếp tục leo thang căng thẳng ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Kharkiv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ukraine và Ba Lan leo thang căng thẳng do những tranh cãi về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này Pawel Jablonski đã triệu Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasyl Zvarych để phản đối những phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho rằng một số quốc gia chỉ "giả vờ" đoàn kết với Ukraine, đồng thời chỉ trích cái mà ông cho là "sân khấu chính trị" xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc.

[Ukraine đệ đơn lên WTO kiện 3 nước Đông Âu cấm nhập khẩu ngũ cốc]

Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa để tập trung vào khả năng phòng thủ của đất nước.

Thậm chí, ông còn cảnh báo Ba Lan sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm của Ukraine bị cấm nhập khẩu nếu Kiev leo thang tranh chấp trong vấn đề ngũ cốc.

Quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Ba Lan áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước.

Tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hạn chế nhập khẩu một số loại lương thực từ Ukraine vào 5 quốc gia thành viên, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria nhằm bảo vệ nông dân ở những nước này vốn lo ngại các sản phẩm nhập khẩu tác động đến giá cả trên thị trường địa phương.

Biện pháp này cho phép các sản phẩm tiếp tục được quá cảnh qua 5 nước trên nhưng không được phân phối ở các thị trường địa phương.

Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã chấm dứt lệnh cấm này khi cho rằng thị trường tại các nước trên không còn biến động nữa.

Tuy nhiên, Ba Lan vẫn tiếp tục gia hạn lệnh cấm nhằm bảo vệ nông dân trong nước.

Phản ứng trước động thái này, Ukraine đã đệ đơn khiếu nại Ba Lan cùng Slovakia và Hungary (hai nước cũng gia hạn lệnh cấm trên) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). WTO cũng đã xác nhận thông tin này.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ba Lan nêu rõ việc gây áp lực đối với Vácsava tại các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên các tòa án quốc tế không phải là biện pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước.

Trong khi đó, Ukraine đã kêu gọi Ba Lan áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng trong tranh chấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục