Quan hệ giữa EU và ASEAN dưới góc nhìn của Trung Quốc

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc các nhà phân tích cho rằng ASEAN-EU đang cùng nhau xây dựng một thế giới đa cực để duy trì thế cân bằng với Trung Quốc là có chút cường điệu và định hướng dư luận sai lầm.
Trong 43 năm qua, EU dần trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN.

Theo Thời báo Hoàn cầu, tại Hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 1/12, hai bên đã khẳng định những giá trị và lợi ích chung làm nền tảng cho 43 năm quan hệ đối thoại song phương và tuyên bố nâng cấp quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-EU lên thành Đối tác chiến lược.

Một số phương tiện truyền thông nước ngoài và các nhà phân tích bình luận rằng ASEAN và EU đang cùng nhau xây dựng một thế giới đa cực để kiềm chế và duy trì thế cân bằng với Trung Quốc.

Điều này có chút cường điệu và cũng là sự định hướng dư luận sai lầm đối với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

[Bước phát triển "lịch sử" trong mối quan hệ giữa ASEAN và EU]

Quan hệ ASEAN-EU đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn. Năm 1977, ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại. Năm 1978, hai bên đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên và thiết lập cơ chế đối thoại.

Năm 1980, tại hội nghị cấp bộ trưởng lần 2, hai bên đã đặt ra các mục tiêu về thương mại, kinh tế và phát triển, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa 2 khu vực.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, do các vấn đề như Đông Timor và Myanmar, quan hệ đối thoại ASEAN-EU đi vào bế tắc. Năm 1994, đối thoại ASEAN-EU bắt đầu được khởi động lại.

Năm 1996, ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) đầu tiên tại Thái Lan, quan hệ đối thoại giữa hai bên dần dần được nối lại.

Trong thế kỷ XXI, hai bên đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố và hội nhập khu vực.

Trong 43 năm qua, EU dần trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất của ASEAN, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 280 tỷ USD. Đồng thời, EU cũng là nguồn đầu tư lớn nhất của ASEAN.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, EU cam kết huy động 800 triệu euro viện trợ để giúp ASEAN chống dịch.

Điều đáng lưu ý là ASEAN-EU thiết lập quan hệ đối thoại sớm hơn nhiều so với các đối tác đối thoại chính khác của ASEAN như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga, nhưng ASEAN lại thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác chính này.

Ở một mức độ nào đó, hợp tác ASEAN-EU không tương xứng với quan hệ song phương, xuất phát từ 2 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, EU đặt vấn đề nhân quyền ở vị trí quan trọng trong xử lý quan hệ với ASEAN và điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Do quá trình phát triển chính trị ở các nước ASEAN khác nhau, vấn đề nhân quyền thường bị EU chỉ trích hoặc thậm chí là trừng phạt.

Tháng 2/2019, EU đã khởi động thủ tục đình chỉ tạm thời các ưu đãi thương mại đối với các sản phẩm của Campuchia xuất khẩu sang EU với lý do Campuchia “gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân quyền và quyền lao động."

Tháng 2/2020, EU tuyên bố rút một phần ưu đãi thuế quan được cấp cho Campuchia theo chương trình ưu đãi EBA.

Quyết định này của EU ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như hàng may mặc và giày dép của Campuchia, chiếm 20% xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sang EU. Điều này đã dẫn đến căng thẳng giữa Campuchia và EU.

Thứ hai, các chính sách bảo vệ môi trường tiêu chuẩn cao đã làm ảnh hưởng đến quan hệ EU-ASEAN. Tháng 4/2017, EU đã lên kế hoạch vào năm 2030 ngừng sử dụng dầu cọ, xuất phát từ tình trạng tàn phá rừng và hủy hoại môi trường do quá trình sản xuất dầu cọ gây ra.

Năm 2019, EU quyết định áp thuế cao đối với dầu cọ nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia trong 5 năm tới.

Nông dân thu hoạch dầu cọ tại Medan, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập ngoại hối của 2 quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, với sản lượng chiếm trên 80% tổng sản lượng toàn cầu.

Indonesia và Malaysia đã có ý định kháng nghị cách làm của EU lên cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thực tế, hai vấn đề lớn nêu trên đã khiến tiến trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU bị trì hoãn. Tuy nhiên, việc sớm nâng cấp quan hệ ASEAN-EU là lợi ích chung của cả hai bên, mỗi bên sẽ lựa chọn theo nhu cầu của mình.

Tháng 11 vừa qua, ASEAN và 5 đối tác đối thoại đã cùng ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo thành khối thương mại lớn nhất chiếm 1/3 dân số thế giới và chiếm 30% GDP toàn cầu.

Một khi thỏa thuận được khởi động toàn diện, khu vực thương mại tự do gồm 15 nước sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, điều này sẽ nâng cao đáng kể địa vị trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực.

Hiệp định có ảnh hưởng nhất định đến EU. Trước đó, EU đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và Singapore, và đang đàm phán các FTA với Indonesia, Thái Lan, hy vọng sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do với Malaysia, Philippines.

Kim ngạch thương mại của EU với 6 nước ASEAN này chiếm tới 95% tổng kim ngạch thương mại trong ASEAN, như vậy, EU không phải ký FTA với toàn khối ASEAN, đồng thời tránh được tác động của vấn đề nhân quyền ở Campuchia và Myanmar đối với hợp tác thương mại với các nước ASEAN khác.

Trong khi đó, ASEAN lại mong muốn sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU từ năm 2007, mở rộng hơn nữa thị trường ASEAN tại EU, thúc đẩy quá trình hội nhập của chính ASEAN.

Cùng với đó, cũng nên thấy được rằng việc nâng cấp quan hệ ASEAN-EU cũng là một yêu cầu để ASEAN thực hiện chiến lược cân bằng nước lớn.

Dựa trên những tính toán về vị trí địa chính trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của ASEAN, chiến lược cân bằng nước lớn là một sự lựa chọn chiến lược của ASEAN trong bối cảnh mới của khu vực từ sau Chiến tranh Lạnh nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Việc ASEAN lựa chọn nâng cấp quan hệ với EU là để bù đắp phần còn thiếu trong chiến lược cân bằng của nước lớn, nhiều hơn nữa là tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn, hợp tác cùng thắng, chứ không phải tiến hành “trò chơi có tổng bằng không” trong cạnh tranh địa chính trị.

Một khi đi chệch khỏi đường lối chính của hợp tác cùng thắng sẽ đi ngược lại ý định ban đầu của hai bên là nâng cấp quan hệ và cũng không có lợi cho sự phát triển ổn định lâu dài của quan hệ song phương.

Là một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc rất mừng khi thấy ASEAN và EU nâng cấp quan hệ song phương.

Đây cũng là xu hướng chung của hợp tác khu vực, và cũng phù hợp với nguyên tắc kiên trì ủng hộ của Trung Quốc đối với vị trí trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục