Quan hệ giữa Đức-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lún sâu vào căng thẳng

Bộ Ngoại giao Đức ngày 29/3 đã nhận được thông tin về việc một số nhà bình luận người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Ankara giữ tại sân bay và không cho phép nhập cảnh.
Công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức xếp hàng ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Berlin để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. (Nguồn: Getty Images)

Bộ Ngoại giao Đức ngày 29/3 đã nhận được thông tin về việc một số nhà bình luận người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Ankara giữ tại sân bay và không cho phép nhập cảnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer cho biết sau khi nhận được thông báo về các trường hợp trên, giới chức Đức đã gửi kiến nghị tới chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ những người này.

Các trường hợp bị từ chối nhập cảnh là người Kurd mang hộ chiếu Đức, đang làm việc tại quốc gia Tây Âu này với tư cách nhà bình luận, và họ có nguyện vọng về thăm gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Schäfer cho rằng trong bối cảnh quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng thời gian gần đây thì "khó có thể thương thảo" về vấn đề trên, song nhấn mạnh tất cả các công dân Đức đều có quyền được bảo lãnh và hỗ trợ ngoại giao.

Cùng ngày, người đứng đầu tờ báo Đức Die Welt cho biết các luật sư biện hộ cho nhà báo Deniz Yucel - người bị giới chức ​Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc dính líu tới khủng bố - ngày 27/3 đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu thả tự do cho nhà báo này.

Động thái trên được đưa ra ngay sau khi một tòa án ở thành phố Istanbul ra phán quyết tạm thời bắt giữ nhà báo Yucel mang hai quốc tịch Đức-Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho tờ Die Welt sau thời gian người này bị tạm giam kể từ hôm 18/2 vừa qua, với cáo buộc tuyên truyền khủng bố, kích động hận thù, hay hoạt động gián điệp.

Trong khi đó, 166 nghị sỹ trong Hạ viện Đức cũng đã ký vào bức thư kêu gọi thả tự do cho nhà báo Yucel.

Sau vụ bắt giữ trên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trong những tuần gần đây tiếp tục lún sâu vào căng thẳng. Phía Đức đã hủy bỏ sáu cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ tại Đức dự kiến có sự tham dự của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này dẫn tới việc lãnh đạo hai nước có những tuyên bố mang tính thù địch.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erodgan cáo buộc Đức áp dụng "cách hành xử phátxít," trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Ankara không được so sánh chính quyền Berlin hiện nay với Đức quốc xã, đồng thời nhấn mạnh Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng luật pháp Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục