Ngày 6/12, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố EU sẵn sàng ủng hộ Cuba trong tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội, đồng thời cũng rất hài lòng về triển vọng tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ song phương EU-Cuba.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau khi Hội đồng châu Âu hủy bỏ "Quan điểm chung" của EU về Cuba và thông qua đề xuất ký Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác (PDCA) giữa EU và Cuba, bà Mogherini nhấn mạnh đây thực sự là một bước ngoặt trong quan hệ giữa EU và Cuba.
Hai bên cùng nhau hướng đến mối quan hệ đối tác gần gũi và mang tính xây dựng hơn, một mối quan hệ đối tác phản ánh mối liên kết lịch sử, kinh tế và văn hóa chặt chẽ giữa châu Âu và Cuba.
Dự kiến, PDCA sẽ được bà Mogherini, các ngoại trưởng EU và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla ký kết vào ngày 12/12 tới.
Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác giữa EU và Cuba là văn bản đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho mối quan hệ EU-Cuba.
Đây là cơ sở cho đối thoại chính trị sâu rộng, cải thiện quan hệ hợp tác song phương và thiết lập các hành động chung để phối hợp trong các mối quan hệ đa phương.
EU sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế và xã hội Cuba, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác, khuyến khích phát triển bền vững, và tìm ra các giải pháp chung trước các thách thức mang tính toàn cầu.
Sau khi thông qua thỏa thuận này, Hội đồng châu Âu sẽ đưa vào áp dụng tạm thời một số phần của thỏa thuận. Tuy nhiên, văn bản vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn.
PDCA bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế, hợp tác khu vực, môi trường, nhân quyền, giải trừ quân bị, di cư, ma túy và chống khủng bố.
Các cuộc đàm phán được bắt đầu từ tháng 4/2014 và kết thúc vào tháng 3/2016 sau 7 vòng đàm phán.
Ngày 11/3 vừa qua, bà Mogherini đã thăm Cuba nhân dự kỳ họp chính thức lần thứ 7 về đối thoại chính trị EU-Cuba và văn bản thỏa thuận đã được ký tắt tại thủ đô La Habana.
Thỏa thuận này được ký dưới hình thức hỗn hợp, do đó PDCA cần phải được EU và các quốc gia thành viên ký, sau đó được tất cả các nghị viện các quốc gia và các vùng liên quan phê chuẩn.
EU áp dụng chính sách "Quan điểm chung" đối với Cuba từ năm 1996 và bị La Habana phản đối mạnh mẽ do mang tính chất can thiệp vào công việc nội bộ, phân biệt đối xử và bất công. Chính sách này là yếu tố cản trở quan hệ hai bên từ gần 20 năm qua./.