Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật phát triển toàn diện

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/10/2020.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide diễn ra một tháng sau khi nhậm chức (16/9/2020) và lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.

Quan hệ tốt đẹp, có sự tin cậy cao

Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Năm 1995, Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm; năm 2009, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; năm 2011, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 5/2016, mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Nhiều đoàn Lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam như: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Việt Nam 4 lần (tháng 11/2006, tháng 1/2013, tháng 1/2017 và tháng 11/2017); Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam tháng 1/2002, tháng 5/2017; Chủ tịch Thượng viện Yamazaki thăm tháng 12/2015; Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito (Nhà vua hiện nay) thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009; Nhà vua Akihito (đã thoái vị, hiện là Thượng Hoàng Nhật Bản) thăm Việt Nam từ 28/2-5/3/2017; Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012.

Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước vào tháng 5/2018; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng tháng 5/2016, thăm chính thức tháng 6/2017, dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản tháng 10/2018, dự Hội nghị cấp cao G20 tháng 6/2019, dự Lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản tháng 10/2019; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức vào tháng 12/2012.

[Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ]

Hai bên có các cơ chế hợp tác quan trọng, Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007, đã họp 11 lần); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010, đã họp 7 lần); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012, đã họp 5 lần); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013, đã họp 6 lần); Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ 2014, đến nay đã họp 3 lần); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng (từ 2014, đến nay đã họp 6 lần); Đối thoại chính sách biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng, gần 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là dưới thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Abe.

Tất cả các số liệu về sự hợp tác giữa hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân. Điều đó cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.

Hợp tác phát triển toàn diện

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 28,6 tỷ USD; nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD; xuất khẩu đạt 14 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến tháng 9/2020, Nhật Bản có 4.595 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

9 tháng năm 2020, Nhật Bản có 209 dự án cấp mới, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỷ USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yen cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ yen (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).

Từ năm 2014, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hợp tác nông nghiệp có bước đột phá. Tháng 9/2015, hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản" và ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018.

Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác giữa Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người.

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA tháng 10/2011), Việt Nam đã cử 470 y tá và điều dưỡng viên sang Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (tháng 6/2017); Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ lao động kỹ năng đặc định (tháng 5/2019); tiếp tục trao đổi về khả năng đàm phán Hiệp định Bảo hiểm xã hội.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người.

Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao (gồm Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội), đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã ký Biên bản hợp tác về các biện pháp giảm thiểu tình trạng du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản (tháng 10/2018).

Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày; từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản.

Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ ngày 1/5/2005.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014, nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xin visa ngắn hạn dành cho người có vị trí trong xã hội (cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước, nhân viên doanh nghiệp tư nhân, nhà tri thức - văn hóa) từ ngày 1/3/2019.

Ngày 19/6/2020, Chính phủ hai nước ra thông cáo báo chí về việc Việt Nam và Nhật Bản nhất trí sẽ từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại giữa hai nước. Ngày 22/7/2020, Nhật Bản đơn phương áp dụng quy chế Residence Track cho phép nhập cảnh Nhật Bản số lượng giới hạn (dưới 100 người/ngày) các đối tượng cư trú lâu dài tại Nhật Bản (thực tập sinh…); từ ngày 29/7/2020, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ cấp visa cho đối tượng này.

Ngày 15/9/2020, hai nước đã mở lại đường bay thương mại (4 chuyến/tuần). Hiện các bộ, ngành hai nước đang tích cực trao đổi về quy chế đi lại ưu tiên cho đối tượng là doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư… làm việc ngắn ngày.

Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác. Trong đó các cặp quan hệ hợp tác tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh-Osaka; Thành phố Hồ Chí Minh-Nagano; Đà Nẵng-Sakai; Hà Nội-Fukuoka; Đà Nẵng-Yokohama; Thành phố Hồ Chí Minh-Yokohama; Đồng Nai-Hyogo; Bà Rịa-Vũng Tàu-Kawasaki; Phú Thọ-Nara; Huế-Kyoto; Hưng Yên-Kanagawa; Hải Phòng-Niigata; Nam Định-Miyazaki; Quảng Nam-Nagasaki; Cần Thơ-Hyogo.

Tăng cường hợp tác phòng, chống COVID-19

Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động đến quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã phải hủy, hoãn một số hoạt động đối ngoại. Hợp tác lao động, du lịch chịu tác động, lượng khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 200.346 người, đứng thứ tư (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga), giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tháng 4 và tháng 5 không có trao đổi khách du lịch do các biện pháp hạn chế đi lại. Việc phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản tạm thời bị gián đoạn do hai nước áp dụng biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide (12/10/2020), điện đàm 2 lần với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (ngày 4/5 và 4/8/2020).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh 2 lần điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu (tháng 3 và 6/2020); hai bên phối hợp lập trường tại Hội nghị đặc biệt ASEAN + 3 về ứng phó với dịch COVID-19 (ngày 14/4/2020).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần gửi Thư và Điện thăm hỏi tới Thủ tướng Abe Shinzo. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hợp tác song phương cũng như qua các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhu cầu của Việt Nam; đưa công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản vào đối tượng được cấp khoản tiền hỗ trợ 100.000 Yên/người (khoảng 950 USD).

Một số địa phương của Việt Nam chủ động hỗ trợ Nhật Bản đối phó với dịch bệnh. Việt Nam cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 600 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại Việt Nam làm việc; đón hơn 5.100 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản về Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên ở các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Việc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam lần này là cơ hội khẳng định với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam an toàn, hiệu quả trong đối phó dịch COVID-19, đồng thời đề cao thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại, quyết tâm hội nhập quốc tế của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục