Trong những năm qua, quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục được mở rộng, ngày càng sâu sắc và thực chất, góp phần thực hiện mục tiêu chung về bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển cho các quốc gia thành viên và trong khu vực, nâng cao vị thế của ASEAN trên thế giới.
Đây là nhận định của ông Phan Thế Thắng, Phó Giám đốc Ban Thông tin và Dữ liệu thuộc Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2020).
Ông Phan Thế Thắng cho biết mối quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đã và đang được thực hiện thông qua đa dạng các khuôn khổ hợp tác mà điển hình là ASEAN+1 (ASEAN với từng nước đối tác đối thoại), ASEAN+3 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...
Cho đến nay, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác với 16 nước và đã cùng nhiều đối tác của mình nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược như với Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển đã được các bên xây dựng và tích cực triển khai, góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
[ASEAN đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng thế giới]
Số lượng các nước mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Ngoài ra, ASEAN cũng không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và Liên minh Thái Bình Dương.
Đến nay, đã có 93 nước cử Đại sứ tại ASEAN, nhiều nước và tổ chức bên ngoài tiếp tục quan tâm và mong muốn đặt quan hệ với ASEAN.
Cũng theo ông Phan Thế Thắng, như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bắt đầu được đàm phán từ năm 2013.
Sau 6 năm đàm phán, 15 quốc gia (trừ Ấn Độ đã xin rút lui), chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, đang đặt mục tiêu ký kết RCEP vào năm 2020.
Các kết quả tích cực này cho thấy các đối tác coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng và thiết lập một Cộng đồng ASEAN đầy đủ, triển khai kết nối khu vực.
Các đối tác cũng thể hiện cam kết tham gia tích cực trong các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tăng cường phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Ông Phan Thế Thắng nhận định sự phát triển vượt bậc trong quan hệ đối ngoại của ASEAN thời gian qua cũng đã giúp kinh tế ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP lên tới 3.110 tỷ USD năm 2019 và là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu với tổng dân số hơn 654 triệu người.
Sự hợp tác, ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới đã và đang tạo ra nhiều hơn cơ hội cho đầu tư và thương mại trong khu vực.
Với tốc độ tăng trưởng dự báo trên 5%/năm, dự kiến ASEAN có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025 sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông, ASEAN đang phải đối mặt với một số thách thức như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, cán cân thương mại thâm hụt, vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và vấn đề già hóa dân số cần được quan tâm, xử lý kịp thời.
Đánh giá về quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa ASEAN và Hàn Quốc nói riêng, ông Phan Thế Thắng cho rằng mối quan hệ này đang phát triển rực rỡ, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. ASEAN và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1989 và năm 2010 đã nâng lên thành quan hệ Đối tác chiến lược.
Kể từ đó, mối quan hệ hai bên đã phát triển rất nhanh, kim ngạch giao dịch tăng gấp 20 lần và giao lưu nhân dân tăng gấp 100 lần.
Theo ông Phan Thế Thắng, trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 và điểm đến đầu tư lớn thứ 3 của Hàn Quốc.
ASEAN hiện là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất đối với người dân Hàn Quốc (với 10,1 triệu lượt khách Hàn Quốc năm 2019), trong khi Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của người lao động, du học sinh và khách du lịch ASEAN (có 2,7 triệu lượt khách ASEAN tới Hàn Quốc năm 2019).
Hiện nay có khoảng 647.000 người ASEAN tại Hàn Quốc và 380.000 người Hàn Quốc tại ASEAN.
Với mong muốn trở thành một đối tác tin cậy và bền vững của ASEAN, từ năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ "Chính sách hướng Nam mới" nhằm tăng cường quan hệ Hàn Quốc với ASEAN trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng nhiều lần khẳng định, Hàn Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng.
Theo ông Phan Thế Thắng, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Đặc biệt, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không chỉ gây thiệt hại lớn về người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội các nước ASEAN và các hoạt động hợp tác, giao lưu trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Những thách thức đặt ra hiện nay như cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN để vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực, từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh theo các mục tiêu đã đặt ra; mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong lĩnh vực an ninh, ASEAN cũng đang phối đối mặt với nhiều thách thức, phức tạp, trong đó có tình hình căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, khu vực Trung Đông.., cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh y tế, an ninh nguồn nước, an ninh mạng.
Chuyên gia trên nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN-Hàn Quốc, cùng với khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, trước hết góp phần cùng ASEAN nâng cao năng lực ứng phó đại dịch COVID-19, giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững; khôi phục và bảo đảm các luồng trao đổi thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối; thúc đẩy đà liên kết kinh tế khu vực, nỗ lực hoàn tất Hiệp định RCEP theo kế hoạch.
Theo ông, ASEAN và Hàn Quốc đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế trên nhiều mặt như thương mại, đầu tư, hợp tác rừng, thủy sản, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Hơn nữa, Hàn Quốc đang đẩy mạnh hỗ trợ và hợp tác với ASEAN về giao thông, năng lượng, quản lý nguồn nước, công nghệ thông tin thông minh nhằm tăng tính kết nối giữa ASEAN và Hàn Quốc và trong nội khối ASEAN; tích cực hỗ trợ ASEAN trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, dạy nghề, phát triển thành phố thông minh.
Ông cho rằng Hàn Quốc coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN; tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN, ưu tiên hợp tác về an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, an ninh mạng, an ninh biển.
Ông Phan Thế Thắng khẳng định những hợp tác cần thiết này một mặt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các nước ASEAN, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; và ngược lại ASEAN cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cùng Hàn Quốc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên./.