Quận Hai Bà Trưng nằm ở phía Đông Nam nội thành Hà Nội, là địa bàn có vinh dự được mang tên hai vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là Trưng Trắc-Trưng Nhị.
Quận Hai Bà Trưng có phía Bắc giáp quận Hoàn Kiếm (từ phố Nguyễn Du-Lê Văn Hưu-Hàn Thuyên kéo dài đến đầu phố Trần Hưng Đạo-dốc Vạn Kiếp); phía Đông giáp sông Hồng (từ đoạn dốc Vạn Kiếp đến phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai); phía Tây giáp quận Đống Đa và Thanh Xuân (theo trục đường Lê Duẩn-Giải Phóng); phía Nam giáp huyện Thanh Trì.
Lịch sử hình thành
Quận Hai Bà Trưng trước đây vốn là một phần đất của huyện Thọ Xương cũ gồm các tổng Hậu Nghiêm, Tả Nghiêm, Tiền Nghiêm và một số xã của huyện Thanh Trì, thuộc trấn Sơn Nam Thượng.
Trong quá trình phát triển Hà Nội, địa giới của quận Hai Bà Trưng ngày càng mở rộng.
Năm 1935, địa giới hành chính nội thành mới đến đường Đại Cồ Việt ngày nay. Năm 1945, mở rộng đến phố Đại La. Năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, để tránh xáo trộn ở nội thành, thành phố vẫn duy trì những đơn vị hành chính do Pháp để lại, gồm 4 quận: Quận I, II, III, IV và 34 khu, mỗi quận có từ 8-9 khu.
Đến năm 1959, tên gọi Hai Bà Trưng được đặt cho 1 trong 8 khu phố nội thành. Ngày 31/5/1961, Chính phủ ra Quyết định số 78/CP thành lập khu phố Hai Bà Trưng, lúc này khu phố Hai Bà Trưng được chia thành 51 khối.
["36 phố phường" và những nét riêng không phải ai cũng biết]
Năm 1974, Hội đồng Nhân dân thành phố bỏ khối, lập tiểu khu. Hai Bà Trưng gồm 51 tiểu khu, đến năm 1979 để giảm bớt đầu mối hành chính, khu phố Hai Bà Trưng còn 22 tiểu khu. Tháng 6/1981, khu phố Hai Bà Trưng được đổi tên thành quận Hai Bà Trưng và 22 tiểu khu thành 22 phường.
Qua nhiều biến động, đổi thay, các “khu phố” được đổi tên thành “quận” và được đặt tên theo địa danh thì vẫn chỉ có một quận duy nhất đặt và gọi theo tên nhân danh: Hai Bà Trưng.
Hiện nay, quận Hai Bà Trưng có 20 phường gồm Nguyễn Du, Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ, Đồng Nhân, Đống Mác, Bạch Đằng, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Cầu Dền, Bách Khoa, Quỳnh Lôi, Bạch Mai, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, Minh Khai, Trương Định, Đồng Tâm.
Văn hóa và di tích lịch sử
Là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa, quận Hai Bà Trưng xưa có 3 cửa ô là Ô Đồng Lầm, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác. Giờ dấu vết của các cửa ô đã không còn, nhưng tên gọi thì vẫn còn đó, như níu giữ phần nào những huy hoàng, những huyền thoại của miền đất ngoại thành Hà Nội một thời xa xưa.
Những dấu ấn bình dị, cần lao mà pha lẫn sắc màu thần thoại ấy từng được nhà văn Ma Văn Kháng mô tả trong tác phẩm “Võ sỹ lên đài” ra đời năm 1983: “Rau muống Ô Đồng Lầm gọi là thịt trâu đồng Lầm vì ngọt như thịt trâu. Bùn đồng Lầm dấn vải bền màu. Bùn đồng Lầm trộn than cám nắm thành than quả bàng. Ôi những làng ngoại ô Hà Nội! Những sản vật, những nghề thủ công, những ngạn ngữ, ca dao. Một cuộc sống cần lao, bền bỉ.”
Quận Hai Bà Trưng có đền Hai Bà Trưng thờ hai vị nữ tướng của dân tộc, di tích Đàn Nam Giao nơi các vị hoàng đế ở Hoàng Thành xưa thường xuyên nghi giá đến và cử hành quốc lễ, cầu mong quốc thái dân an.
Lịch sử cách mạng cũng để lại trên địa bàn quận những chứng tích và di tích sống động, tiêu biểu là di tích cách mạng 152 Bạch Mai, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945, Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến 18 Nguyễn Du...
Đến nay, làng đã lên thành phố, nhưng hơn 100 di tích lịch sử-văn hóa và cách mạng-kháng chiến, trong đó có hơn 40 di tích xếp hạng, vẫn luôn ở đó, trường tồn cùng thời gian, làm dấu mốc cho những gì Hai Bà Trưng đã, đang và sẽ trải qua.
1. Đền Đồng Nhân
Đền Đồng Nhân xưa (tên gọi khác là đền Hai Bà Trưng) tọa lạc tại số 12 phố Hương Viên (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một trong những ngôi đền thiêng thờ bà Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Đồng Nhân cùng với đình, chùa là quần thể di tích đã được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt (năm 2020).
Theo sử liệu, đền Hai Bà Trưng được xây dựng vào đời vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142), tại khu vực bãi sông của làng Đồng Nhân. Sau đó, do vùng đất này bị xói lở nên dân làng đã di dời ngôi đền tới thôn Hương Viên (vị trí ngày nay).
Có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà Trưng: Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Phụng Công (Hưng Yên), ở Mê Linh (huyện Mê Linh)… và có tới hơn bốn trăm nơi thờ các vị tướng của Hai Bà nhưng đền Đồng Nhân vẫn là điểm đến của nhiều du khách gần xa.
2. Chùa Quỳnh
Chùa Quỳnh Lôi (Long Khánh tự) nằm trên địa bàn phường Quỳnh Lôi. Chùa khởi dựng từ thời Trần (1226-1400) và được trùng tu lớn vào năm 1604. Chùa có kiến trúc nguy nga, bề thế nhất vùng thời đó.
Vẻ đẹp của chùa được miêu tả trên tấm văn bia như sau: “Xã Quỳnh Lôi, huyện Thanh Trì có chùa Long Khánh ở phía nam thành Thăng Long, đường cái quan ngàn dặm phía trước, cánh đồng vạn khoảnh đằng sau, đôi bên tả hữu dân cư đông đúc, từ xưa đến nay đẹp như cảnh tiên, đúng là một ngôi chùa nổi tiếng trong vùng...”
Chùa Quỳnh Lôi là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn bảo tồn được một phần nét kiến trúc đặc trưng thời Lê và những dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XIX.
3. Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945
Khu tưởng niệm những nạn nhân của nạn đói năm Ất Dậu 1945 tọa lạc trong một khuôn viên nhỏ nằm trong ngõ 559/86/17 Kim Ngưu quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Muốn vào được đây, khách tham quan phải luồn lách qua một loạt ngóc ngách nhỏ trên đường Kim Ngưu.
Nơi đây, trước kia là nghĩa trang Hợp Thiện, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Năm 1951, người dân đã quy tập hài cốt của những nạn nhân bị chết đói năm 1945 đưa về đây chôn cất và dựng chung một tấm bia lớn.
Đến nay, tấm bia lớn với dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945” vẫn còn đó như nhắc nhở thế hệ sau về một vùng ký ức đau thương trong lịch sử dân tộc.
4. Cung Văn hóa Hữu nghị
Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội được khởi công ngày 5/11/1978, tới ngày 1/9/1985 thì hoàn thành. Cung Văn hóa Hữu nghị là món quà của Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô (cũ) tặng tổ chức Công đoàn và Lao động Việt Nam.
Trên diện tích 3,2ha, cung gồm 3 khối nhà chính: nhà biểu diễn, nhà học tập, nhà kỹ thuật… tổng cộng 120 phòng lớn nhỏ, 20 cầu thang và 2 hệ thống thang máy, Cung Văn hóa Hữu nghị là trung tâm sinh hoạt văn hóa lớn nhất tại Thủ đô Hà Nội.
5. Công viên Thống Nhất
Công viên Thống Nhất trước kia được gọi là Công viên Lênin. Đây là một nơi vui chơi rất quen thuộc của giới trẻ. Với những cây xanh lớn tỏa bóng, với hồ Bảy Mẫu mát mẻ, không gian rộng rãi, nơi nay từng được thanh niên Hà Nội lựa chọn làm địa điểm picnic, ngoại khóa.
Công viên Thống Nhất từng giống như một công viên giải trí thu nhỏ của thiếu nhi Hà Nội xưa, với nhiều trò chơi thân thuộc một thời như đu quay, đua xe, cầu trượt. Đặc biệt, nơi đây từng có ga tàu hỏa với đoàn tàu mini hấp dẫn trẻ em Hà Nội một thời, và trò chơi xe trượt mạo hiểm khá lạ lẫm vào thời đó.
Đáng tiếc, do không được đầu tư, nâng cấp, đổi mới, nhiều hạng mục trong khu vực trò chơi của nơi này đã xuống cấp.
Khám phá ẩm thực quận Hai Bà Trưng
Là quận có diện tích rộng, cư dân đông đúc với những con phố buôn bán sầm uất nên các địa điểm ăn uống ở quận Hai Bà Trưng cũng nhiều vô kể.
1. Phở Thìn Lò Đúc
Nếu như nói đến Hà Nội là nói đến phở, thì nói đến phở Hà Nội người ta lại nhắc đến phở Thìn. Hà Nội có hai thương hiệu phở Thìn là phở Thìn Bờ Hồ và phở Thìn Lò Đúc.
Được thành lập năm 1979 bởi ông Nguyễn Trọng Thìn (71 tuổi), phở Thìn Lò Đúc khác hẳn với những quán phở khác thời đó bởi món phở bò tái lăn cực kỳ nhiều thịt và mức giá “siêu” đắt, có lúc lên tới 90.000 đồng bát.
Phở Thìn Lò Đúc vẫn là món phở gây tranh cãi nhiều nhất về mức giá cũng như chất lượng. Nhưng bất chấp lời khen tiếng chê, nơi này vẫn luôn đông khách, cả những thực khách quen thuộc lẫn những người muốn “thử cho biết” về món ăn gây tranh cãi này.
2. Lạc rang húng lìu Bà Triệu
Những tấm biển lạc rang húng lìu mang tên “bà Vân,” “cụ Vân” đã phủ gần kín một đoạn phố Bà Triệu bên số chẵn, suốt từ số nhà 150 đến tận gần cuối đường.
Dù đã có rất nhiều bài viết, phóng sự đã chứng minh “cụ Vân” xịn là ngôi nhà nhỏ ở 176 Bà Triệu, nhưng khách từ các nơi đến tìm mua món ăn vặt đặc biệt này vẫn hoa mắt trước những bức ảnh cụ Vân dán khắp mọi nơi, thậm chí có những cửa hàng còn tự in số nhà 176 Bà Triệu bổ sung cho “mê hồn trận” lạc rang này.
Sự thu hút này là bởi đôi bàn tay tài hoa khéo léo của cụ Vân ngày xưa đã biến thứ hạt tưởng chừng quá bình thường này thành một đặc sản hấp dẫn khó cưỡng.
3. Bánh mỳ phố Huế
Bánh mỳ phố Huế là cái tên rất quen thuộc đối với nhiều người Hà Nội.
Mọi người ưa thích bánh mỳ phố Huế bởi hương vị ngày xưa nguyên bản trong chiếc bánh, từ loại bánh mỳ Việt Nam rỗng ruột, vỏ giòn, đến các nguyên liệu nhân không có gì thay đổi so với vài chục năm về trước, với pate, thịt mỡ, và đặc biệt là xúc xích đỏ, món xúc xích truyền thống được rất nhiều người Hà Nội ưa thích.
Loại tương ớt đặc biệt ăn kèm cũng khiến bánh mỳ phố Huế khác biệt với các hàng bánh mỳ kiểu cổ truyền khác tại Hà Nội.
4. Cháo trai Trần Xuân Soạn
Món ăn hết sức bình dị này lại trở thành một thương hiệu bền bỉ suốt 40 năm qua trên phố Trần Xuân Soạn, đủ thời gian để một người ăn từ khi còn bé xíu cho đến lúc đã bước qua ngưỡng tuổi trưởng thành.
Sau bao nhiêu năm, quán không thay đổi nhiều về hình thức, vẫn là gian phòng nhỏ cũ kỹ không bày biện trang trí nhiều.
Cháo được múc ra từng bát nhỏ, gạo xay mịn nấu lên sánh và đặc, nhiều trai. Khó có thể dùng một từ ngữ nào đặc biệt để mô tả về món cháo tại đây, nhưng sự bình dị thân thuộc đó là thứ khiến nó vẫn luôn tấp nập khách trong suốt chừng ấy năm.
5. Bún chả Obama - Bún chả Hương Liên
Năm 2016, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du tới Việt Nam trong sự chào đón của người dân Việt. Trong chuyến ghé thăm, ông Obama đã có dịp thưởng thức món ăn dân dã Việt Nam cùng cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tại quán bún chả Hương Liên, nằm trên đường Lê Văn Hưu (Hà Nội).
Sau 7 năm kể từ bữa tối của chính trị gia Mỹ, quán ăn này hiện nổi tiếng và được nhiều du khách nước ngoài biết đến./.